16 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng có được gì? (bài 1)

28/11/2019 08:44
AN NGUYÊN
(GDVN) - Với nhiều chính sách đãi ngộ, ưu đãi đặc biệt, Đà Nẵng đã thu hút được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao đến làm việc và cống hiến.

LTS: Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đào tạo, thu hút nhân tài đến thành phố làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì những chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương này vẫn còn nhiều bất cập, cần sửa đổi.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố về “Đánh giá việc triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng”.

Trong đó có nhiều bài học kinh nghiệm về thu hút, đào tạo “nhân tài” mà các địa phương khác có thể tham khảo, học tập.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Chiêu hiền, đãi sĩ

Từ năm 1998, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có công văn về việc tiếp nhận, bố trí công tác đối với những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, khá chưa có việc làm.

Trong 16 năm, Đà Nẵng đã thu hút hơn 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên đến làm việc tại các cơ quan. Ảnh: AN
Trong 16 năm, Đà Nẵng đã thu hút hơn 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên đến làm việc tại các cơ quan. Ảnh: AN

Tiếp đó, từ năm 2000 – 2014, thành phố cũng ban hành các quyết định nhằm thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhân tài đến làm việc lâu dài tại thành phố.

Đến tháng 7/2014, thực hiện công văn của Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trên cơ sở kết luận hội nghị của Thành ủy tổng kết 15 năm (1998-2014) công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nhận thấy thu hút, đào tạo quá nhiều dẫn đến vượt chỉ tiêu biên chế và định biên được giao, thành phố đã có chủ trương tạm dừng thu hút.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã trình Hội đồng nhân dân ra Nghị quyết số 83 năm 2014 tạm dừng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phải đổi mới để thu hút nhân tài

Việc thu hút nhân lực được thành phố triển khai từ năm 1998 bằng chính sách đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố.

Qua quá trình thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể, chính sách thu hút được bổ sung, hoàn thiện qua từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển thành phố.

Đối tượng thu hút gồm: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú, người tốt nghiệp đại học một số chuyên ngành thành phố có nhu cầu...

Đối tượng tiếp nhận được sàng lọc thông qua hình thức phỏng vấn và quy định trách nhiệm của các cơ quan trong tiếp nhận, sử dụng.

Sau 16 năm thực hiện (1998 - 2014), thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên.

Trong đó có 25 Tiến sĩ, 283 Thạc sĩ, 961 cử nhân và 102 người tốt nghiệp ở nước ngoài.

Về ngành nghề đào tạo của người được tiếp nhận thì nhóm ngành xã hội chiếm tỷ lệ lớn nhất với 329 người, y tế 220 người, giáo dục 201 người, nhóm ngành khoa học công nghệ và xây dựng 130 người...

Góp phần phát triển thành phố

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, đối tượng thu hút đã bổ sung một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố.

Đã bố trí tại cơ quan hành chính 591 người và bố trí về đơn vị sự nghiệp 678 người. Trong đó, có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên.

Người tài cần được bổ nhiệm đặc cách, vượt cấp

Để sử dụng tốt đối tượng thu hút, thành phố đã quan tâm và tạo điều kiện về môi trường làm việc.

Nhiều đơn vị tiếp nhận, bố trí công tác cho người được thu hút đúng chuyên môn sở trường, mạnh dạn giao việc, tạo điều kiện cho họ phấn đấu, thăng tiến.

Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, thực hiện tốt chính sách khen thưởng, động viên kịp thời.

Đối tượng được thu hút thì phần lớn đã tiếp cận nhanh với công việc, thích nghi với môi trường làm việc, đáp ứng khá tốt nhu cầu nhân lực cho cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Nhiều người có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác. Một số chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao trong thực tiễn.

Để thu hút những "nhân tài" này về làm việc, cống hiến, Đà Nẵng đã thực hiện chu đáo các chế độ, chính sách.

Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu và hỗ trợ hàng tháng, bố trí nhà ở cho một số đối tượng từ các địa phương khác đến Đà Nẵng công tác thì còn ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức.

Nhiều trường hợp được cử đi học, đào tạo lên bậc cao hơn.

Chủ trương chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố được xác định là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. 

Bổ sung kịp thời nhân lực cho khu vực công của thành phố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Với sự đầu tư của thành phố trong phát triển nhân lực đã kịp thời bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, được đào tạo chính quy.

Nguồn cán bộ thu hút và đào tạo tại các trường đại học uy tín trong nước, trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Số lượng cán bộ công chức, viên chức và người lao động công tác tại các cơ quan đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố hiện nay tăng gấp 3 lần so với cuối năm 1997.

(Còn nữa).

AN NGUYÊN