5 HS cứu bạn thoát chết đuối; Sắp có robot chấm bài thi đại học

14/09/2012 11:00
Đỗ Quyên(Tổng hợp từ VNN, CAND)
(GDVN) - 5 học sinh ở tỉnh Đắck Nông đã dũng cảm nhảy xuống suối cứu bạn đang bị nước cuốn trôi; Cựu chiến binh Trần Đình Hà (62 tuổi) đã 8 năm đèo xích lô đưa trẻ đến trường; sắp ra đời robot chấm bài thi đại học
Khen 5 học sinh cứu bạn chết đuối

5 học sinh gồm: Phạm Ngọc Tài, Trần Đức Tín, Nguyễn Văn Quyền, Trương Minh Tuấn và Nguyễn Nhật Anh đã dũng cảm nhảy xuống suối cứu bạn đang bị nước cuốn trôi. Cả 5 em đều học lớp 9 (Trường THCS Võ Văn Kiệt).
Nạn nhân được cứu sống là em Phạm Thị Hậu (14 tuổi) - học sinh lớp 9A1 Trường THCS Võ Văn Kiệt, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp.
Hiện trường chiếc cầu nơi ba nạn nhân bị rơi xe xuống suối
Hiện trường chiếc cầu nơi ba nạn nhân bị rơi xe xuống suối
Sau khi thoát khỏi miệng hà bá nhờ hành động dũng cảm cứu người của các bạn, em Hậu vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Vào khoảng khoảng 16 giờ chiều ngày 11/9, sau khi kết thúc giờ học thể dục ở trường, Hậu và Trương Thị Mỹ Lệ (14 tuổi) được bạn là Nguyễn Duy Bảo (15 tuổi) chở về nhà bằng xe mô tô. Khi đến giữa cầu Quảng Lộc (thôn Quảng Đạt, xã Đạo Nghĩa) thì bất ngờ bị lạc tay lái lao xuống suối, cả 3 cùng bị nước cuốn trôi ra giữa dòng.
Hai em Duy Bảo và Mỹ Lệ do không biết bơi nên bị nước nhấn chìm tử nạn. Hậu được một số bạn cùng đi học về phát hiện nhảy xuống cứu nên may mắn thoát chết trong gang tấc.
Khi xảy ra vụ việc, hàng trăm người dân đã tổ chức tìm vớt được xác của em Bảo, còn thi thể em Mỹ Lệ phải đến khoảng 10 giờ sáng 12/9 mới được tìm thấy.

Ngày 12/9, UBND xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã khen thưởng 5 học sinh. Cũng trong sáng cùng ngày, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết số tiền 4 triệu đồng lo mai táng cho các nạn nhân.

"Ông xích lô" đưa trẻ đến trường

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình xuất hiện mô hình xe xích lô đưa đón các em đến trường. Phương tiện này vừa giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian và kinh tế lại đảm bảo ATGT. Mô hình này do cựu chiến binh Trần Đình Hà (62 tuổi), trú tại xóm 7, thôn Kìm, xã Vũ Lạc, huyện Kiến Xương khởi xướng từ năm 2004.

Cách đây 8 năm, ông Hà đảm nhận việc đưa đón hai cháu nội đến trường. Trong khi chờ đón cháu, ông nhận thấy có nhiều học sinh chạy nhảy, đùa nghịch cạnh những "hung thần" trên đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thấy vậy, ông liền nảy ra ý định mua một chiếc xích lô vừa có thể chở các cháu đến trường an toàn, vừa giúp mình rèn luyện sức khỏe.

Anh Sơn đều đặn 2 lượt/ngày đưa đón học sinh đến trường
Anh Sơn đều đặn 2 lượt/ngày đưa đón học sinh đến trường

Năm 2004, ông Hà cầm số tiền tiết kiệm trên 3 triệu đồng lên Hà Nội mua một chiếc xích lô mới rồi "chế" thêm một số bộ phận như: mái che, ghế. Hàng ngày, ông dậy từ 6h sáng để lau chùi chiếc xích lô rồi đi tới từng nhà đón 20 em học sinh tiểu học đến lớp trên quãng đường dài gần 10km sau 30 phút rong ruổi trên đường. Đến 10h trưa, ông quay lại trường đón các cháu trả về gia đình. Công việc buổi chiều bắt đầu từ 13h và kết thúc vào lúc 17h. Trong suốt 8 năm đưa đón học sinh, ông Hà không đòi hỏi một khoản kinh phí nào. Nhiều phụ huynh cảm kích trước việc làm nhân văn này thường động viên ông.

Việc đưa đón học sinh bằng xe xích lô xủa ông Hà được người dân hết sức hoan nghênh. Tiếng lành đồn xa, năm 2008, anh Đinh Trí Sơn (37 tuổi) ở xóm 5, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ cũng mua một chiếc xe xích lô mới trị giá 7 triệu đồng hàn dựng thêm mái che, gắn ghế ngồi hai bên thành xe. Vừa làm xe ôm, vừa đảm nhận nhiệm vụ đưa trẻ đến trường.

Được biết, mỗi ngày 2 lượt sáng và chiều, anh Sơn nhận chở 25 em học sinh mầm non và tiểu học, mỗi chuyến chở 15 em. Để hỗ trợ anh Sơn, các phụ huynh đóng góp 100.000 đồng/em/tháng. Sau khi hoàn thành công việc đưa đón học sinh vào buổi sáng, anh quay xe về gần khu vực cầu Vật chở xe ôm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều người dân sống gần khu vực cầu Vật chủ yếu làm kinh doanh buôn bán nên việc đưa đón con đến trường hàng ngày mất nhiều thời gian. Do đó, họ đã chọn giải pháp gửi con đến trường bằng phương tiện xích lô. Mặt khác, việc gửi con đến trường bằng phương tiện này cũng giúp nhiều phụ huynh giảm được một khoản chi phí trong gia đình.

Sắp có robot chấm bài thi đại học

Các nhà khoa học người Nhật Bản đang chế tạo một chú robot thông minh đủ để… chấm bài thi của sinh viên tại những trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản, từ môn Toán cho đến môn Ngoại ngữ.

Trí tuệ nhân tạo của chú robot này có thể phân tích các chữ, con số và phép tính trước khi “nhả ra” đáp án chính xác cho các câu hỏi trong kỳ thi nổi tiếng khó nhằn của Đại học Tokyo lừng danh (xếp hạng thứ 30 trong danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới).

Giáo sư Hidenao Iwane từ phòng thí nghiệm Fujitsu, trung tâm nghiên cứu IT lớn nhất Nhật Bản cho biết: “Chú robot này sẽ phân tích các câu hỏi trong bài thi, biến đổi các công thức và phương trình này thành một dạng của đại số có thể giải được trên máy tính”.

Phòng thí nghiệm cùng với Trung tâm Tin học Quốc gia Nhật Bản cho biết dự kiến chú robot chấm thi sẽ đồng hành với Đại học Tokyo vào năm 2021. Trước đó, chú có thể tham gia chấm bài trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào các trường đại học.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nữ thủ khoa Học viện Cảnh sát và bài học về tính kỷ luật

Chùm ảnh: Những cô giáo đang gây "sốt" trên mạng

Truyện Mỵ Châu-Trọng Thủy có những chi tiết hoang đường?

Cô giáo xinh đẹp gây sốt cư dân mạng

Chùm ảnh: Ba nữ sinh "hot" nhất Học viện Cảnh sát Nhân dân

Chùm ảnh: Trẻ em thiệt thòi vẽ "ước mơ"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Đỗ Quyên(Tổng hợp từ VNN, CAND)