5 vấn đề lớn tập trung lấy ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi

23/08/2018 10:53
Đỗ Thơm
(GDVN) - Lương nhà giáo, không thu học phí trung học cơ sở, thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét...là các vấn đề lớn trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Ngày mai 24/8 tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Hội nghị tổ chức với mục đích lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà giáo, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện hai dự thảo luật.

Theo đó, 5 vấn đề lớn Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn các ý kiến của chuyên gia tâm huyết tiếp tục đóng góp.

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Thứ nhất là về vấn đề trình độ phổ thông

Trong đó có hai nội dung lớn là quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, về việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng tốt nghiệp trung cấp.

Theo đó, quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện đang có hai luồng ý kiến.

Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.

Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế.

Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.

Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

Nội dung tiếp là về việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng tốt nghiệp trung cấp.

Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp (Điều 32) và Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, khi hoàn thành chương trình trung cấp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông. 

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thúc đẩy phân luồng, liên thông, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định công nhận tương đương hoặc bổ sung điều kiện cho việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng tốt nghiệp trung cấp, cho phép người có bằng trung cấp được thi/tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Thứ hai là vấn đề chương trình, sách giáo khoa

Về quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất chương trình và duyệt sách giáo khoa, vẫn còn một số vấn đề cần phải giải trình rõ hơn.

Các nội dung về thời gian học tập của học sinh phổ thông: bố trí thời gian.

Hiện nay, thời gian học tập của học sinh phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm học, số tiết/tuần; tùy theo điều kiện của từng địa phương, cơ sở để sắp xếp các ngày học trong tuần bảo đảm tổng số tiết học theo quy định.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lịch học vào thứ Bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ Bảy và Chủ nhật.

5 vấn đề lớn tập trung lấy ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 2Miễn học phí tới bậc Trung học cơ sở, mỗi năm ngân sách chi thêm 4.730 tỷ

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào Thứ Bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng.

Thứ ba là vấn về chính sách giáo viên

Các nội dung cần góp ý là về định mức, số lượng giáo viên: tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ giáo viên/lớp và đề xuất giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ.

Về chính sách lương nhà giáo, các ý kiến cho rằng cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.

Ngoài ra, vấn đề đào tạo sư phạm theo nhu cầu, phân công và tín dụng sư phạm cũng cần tiếp tục lấy ý kiến.

Thứ tư là về người học

Các nội dung về phổ cập và phổ cập bắt buộc; về không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở; về chính sách chăm lo cho trẻ mầm non 5 tuổi (không phân biệt công tư) cần tiếp tục cho ý kiến đóng góp vào dự thảo.

Thứ năm là vấn đề học phí

Việc xác định nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo cần được cụ thể hóa ra sao trong dự thảo luật.

Hiện, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về xác định mức thu học phí căn cứ theo hạch toán chi phí dịch vụ giáo dục, đồng thời quy định rõ các hợp phần để làm căn cứ tính chi phí dịch vụ giáo dục.

Về vấn đề trần học phí, còn nhiều ý kiến khác nhau là có quy định mức trần/khung học phí hay không?

Trên đây là 5 vấn đề lớn trong Luật Giáo dục (sửa đổi) cần được tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đóng góp.

Đỗ Thơm