Ai được hưởng lợi từ trường chuyên?

29/06/2020 07:04
THÚY NGỌC
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là một người rất quan tâm đến con nên quan tâm đến mọi khía cạnh của giáo dục, tôi có cơ hội được gặp gỡ khá nhiều phụ huynh…

Phụ huynh trường chuyên có giàu không?

Nếu tính mặt bằng chung các phụ huynh có kinh tế tốt nhất phải là ở các trường quốc tế, hiện nay đang ngày càng nhiều, sau đó là ở các trường tư thục hàng đầu, mà giờ phần lớn cũng có dạy hệ quốc tế hay bán quốc tế.

Khi con trai lớn tôi học Ams, cả khối có một bạn là con đại gia nhà có xe Hummer. Tôi cũng biết vài phụ huynh Ams chưa từng học đại học, nhà rất khó khăn.

Phụ huynh các trường chuyên và các trường công lập hàng đầu ở thành phố phần đông sẽ rơi vào thành phần như ngày xưa hay được các cụ gọi là thành phần “căn bản”, nghĩa là làm công – ăn lương đủ sống.

Trường chuyên của tỉnh như trường Lê Hồng Phong tôi từng được mời tới nói chuyện có lớp đến nửa là nhà làm nông, dựa theo khảo sát nhanh tại Hội thảo.

Nhưng họ có một mẫu số chung là phần lớn đều rất quan tâm đến con và việc học hành của con, dù đó là một đại gia bất động sản hay một bác nông dân.

Tùy điều kiện, họ sẽ đầu tư cho con thầy xịn, lớp luyện riêng hay chỉ đơn giản là bớt việc nhà, ưu tiên phòng thoáng mát cho con tự học.

Ai đang chi trả cho học sinh trường chuyên?

Trường công, ngân sách Nhà nước lấy từ thuế của người dân chi cho mỗi học sinh theo định mức là 18 triệu đồng/ 1 năm/ 1 học sinh (ví dụ trường Ams).

Ai đang đóng thuế nhiều nhất cho Nhà nước? Xin thưa, đó là người giàu.

Ai càng giàu càng phải đóng nhiều thuế, nước nào cũng thế!

Chưa nói thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân còn nói có người có thể còn gian dối trốn tránh được, có những thứ thuế ẩn luôn trong giá bán mà người giàu không thể trốn được như VAT hay thuế tiêu thụ đặc biệt.

Như vậy, nếu một người mua xe ô tô hạng sang, họ có thể yên tâm là tiền thuế họ đã nộp cho Nhà nước đủ cho 2 người con học cả 12 năm ở những trường có định mức chi giáo dục công cao như trường Ams.

Dĩ nhiên, tiền thuế còn để chi nhiều thứ khác ngoài giáo dục, cũng như một người mua xe còn phải trả thuế khi mua xăng, bảo hiểm, sửa chữa, cầu đường..

Trường công, là Nhà nước phải lấy tiền thuế để hỗ trợ cho con em người nghèo được tiếp cận giáo dục, để các em sau này có cơ hội thoát nghèo.

Trường chuyên nên là trường công, để các em học sinh có cùng trình độ cao đều có thể tiếp cận giáo dục tốt.

Có thể các em nhà giàu thì dễ hơn vì được bố mẹ đầu tư cho học hành ôn luyện. Nhưng các em nhà nghèo cũng còn có khả năng thi thố mà vào khi có thể mua sách, thậm chí mượn sách tự học.

Bạn tôi là một giáo viên khá nổi tiếng luyện chuyên trường Ams năm nào cũng nhận những học trò nhà nghèo học miễn phí.

Học sinh muốn vào trường chuyên để làm gì?

Mỗi em có một mục tiêu, nhưng theo tôi thì đầu tiên là vì chất lượng học thuật của các trường chuyên, trong đó không chỉ có giáo viên tốt mà còn quan trọng là có bạn bè tốt, cùng trình độ tạo ra một môi trường học tập tốt.

Hiện có những trường chuyên danh giá cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư nhiều mà vẫn rất khó thi vào; vào rồi học cũng rất khó được điểm cao bằng học ở trường thường với các em đã thi chuyên học lực thường cũng tốt.

Trường chuyên có hệ thống tìm tòi, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, nên là cơ hội tốt cho các em thử sức mình. Nếu không vào đội tuyển cũng được hưởng thụ một môi trường tốt.

Phần lớn các trường chuyên hiện nay đã chuyển mình theo xu hướng mới, gia tăng thêm rất nhiều hoạt động ngoại khóa, xây dựng kỹ năng, đề cao tinh thần vì cộng đồng.

Học sinh đi làm tình nguyện (Ảnh do tác giả cung cấp)

Học sinh đi làm tình nguyện (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hay nhất là các hoạt động đó phần lớn lại do chính các học sinh trực tiếp phụ trách, tự chỉ đạo và tự thực hiện mọi khâu, từ tuyển thành viên, xin tài trợ, họp hành tập huấn, thực hiện chương trình...

Đây chính là điểm mạnh nhất của trường Ams, làm cho trường thường xuyên được chọn làm nguyện vọng 1 cho các học sinh thi chuyên, trong đó có cả con trai lớn của tôi, khi cháu cùng đỗ chuyên Toán của 3 trường chuyên lớn nhất ở Hà Nội.

Có nên vào trường chuyên để đi du học?

Trường Ams là một trong các trường chuyên có tỷ lệ học sinh du học cao nhất cũng không thể quá 30%, như tôi ước tính một khóa con tôi vừa ra trường, vì chỉ có các lớp chuyên ngữ là tỷ lệ du học cao.

Các trường chuyên khác tại các thành phố lớn, tỷ lệ có thể tính chung lên đến 20%, chứ nếu tính cả các trường chuyên các tỉnh, tôi nghĩ con số chắc không quá 10%.

Ai nghĩ vào trường chuyên để dễ đi du học là quá nhầm! Đi du học nhiều nhất và thuận lợi nhất là học sinh học các trường quốc tế hay học hệ quốc tế.

Học sinh hệ quốc tế được học theo đúng phong cách học và kiểm tra, đánh giá của các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp... sẽ dễ đi du học và dễ hòa nhập, thích nghi khi đi du học nhất.

Đó cũng chính là lý do con trai thứ hai của tôi đã chọn học ở một trường có hệ quốc tế mà con được học bổng toàn phần, chứ không thi chuyên như anh trai.

Hiện con lớp 10 đã thi được Toefl 105/120, SAT 1420/1600 (thuộc top 5% thế giới), căn bản xong yêu cầu vào Đại học Mỹ.

Vào trường chuyên, muốn đi du học sau này các em đồng thời phải học chương trình chuẩn Việt Nam và lo các yêu cầu quốc tế như chứng chỉ Ielts, Toefl hay khó hơn như SAT 1-2, ACT, AP...

Học sinh trường chuyên ra có đóng góp gì cho xã hội?

Tôi hay nghĩ đơn giản: Mỗi cá nhân tốt là một nhân tố làm nên một xã hội tốt.

Học sinh trường chuyên đa phần vào trường đại học top cao ở Việt Nam, thậm chí thế giới và ra đời cũng có em thành công (hay thành danh tùy quan điểm), cũng có em chỉ bình thường, tầm tầm trí thức chung.

Nếu bỏ qua kỳ vọng quá lớn từ học sinh chuyên, chúng ta không thể phủ nhận học sinh trường chuyên có mặt bằng chung đi làm tốt hơn, đại đa số nghề nghiệp ổn định hơn vừa do được đào tạo tốt cũng có, vừa do đã quen với việc phải “cày bừa” chăm chỉ cũng có.

Có khi được thế là tốt rồi, nếu so với những trường công thấp cùng khu vực?

Ai được hưởng lợi từ trường chuyên? ảnh 3Đội tuyển Vật lý Thiên văn 2018 gồm toàn học sinh Ams (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ai được lợi?

Trường nào cũng có thể có chuyện nọ, chuyện kia, thậm chí có cả tiêu cực. Đôi khi tôi cũng thấy có những điểm chưa vừa ý với cả trường chuyên hay trường tư.

Nhưng căn bản, tôi nghĩ mỗi trường có những tiêu chí khác nhau, cách vận hành khác nhau, hướng tới những đối tượng khác nhau và tôi vẫn yêu quý cả hai ngôi trường đã góp sức dạy các con tôi.

Nhưng tôi thực sự phản đối cái ý tưởng một ngày nào đó cả hai gộp làm một, dù nó treo biển chuyên hay tư.

Hai kiểu trường đó đều cần, đều mang lại lợi ích cho từng đối tượng học sinh khác nhau.

Cuối cùng, xã hội vẫn là người được lợi, xã hội sẽ phát triển đa dạng và tiến bộ, vì không ai bị bỏ lỡ.

THÚY NGỌC