Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, trường chuyên là đào tạo mũi nhọn, không thể bán

26/06/2020 05:59
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề xuất bán Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Những ngày qua, đề xuất đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gây nên những tranh luận gay gắt.

Đề xuất này của Tiến sĩ Thành nêu ra không chỉ với trường hợp của Trường chuyên Hà Nội -Amsterdam mà còn mở rộng ra với trường chuyên trên cả nước. [1]

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. ảnh: Thùy Linh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. ảnh: Thùy Linh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ quan điểm với Giáo dục Việt Nam về đề xuất trên.

Theo thầy Nhĩ, việc xã hội hóa giáo dục, người dân góp phần vào là đúng nhưng không phải cái gì cũng xã hội hóa hết được.

“Theo quan điểm cá nhân tôi, trong đào tạo, đào tạo đại trà, ta có thể xã hội hóa nhưng trường chuyên là đào tạo mũi nhọn thì không nên xã hội hóa.

Trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, bất cứ lĩnh vực nào, chính bộ phận mũi nhọn sẽ có vai trò đầu tàu kéo sự nghiệp chung đi. Đất nước Singapopre khi cải cách ở thời Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng tiến lên như vậy.

Trong lĩnh vực nhân lực cũng như vậy, tôi cho rằng không thể nào bán các trường chuyên đó được”, Phó Giáo sư Nhĩ nói.

Theo thầy Nhĩ, trường chuyên đào tạo một lực lượng cốt cán cho đất nước. Do đó, Nhà nước phải đầu tư.

Xã hội có thể góp phần thêm để trường chuyên phát triển tốt hơn, còn quan điểm đem bán trường chuyên hoặc để tất cho xã hội làm, cá nhân thầy không đồng ý với việc đó.

“Nếu bán thì sẽ khó có thể giữ hoặc thể hiện được đường lối như mục tiêu hoạt động của trường chuyên nữa”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.

Đáng nói, ngay khi đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành được chia sẻ rộng rãi, dư luận quan tâm đến mục tiêu của các trường chuyên là gì?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/6/2010, Chính phủ có Quyết định Số: 959/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020" với kinh phí thực hiện đề án là 2.312,758 tỷ đồng, trong đó:

Ngân sách nhà nước:

+ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo: 1.295,417 tỷ đồng;

+ Vốn vay ODA: 953,65 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương: 63,792 tỷ đồng.

Đề án với 6 mục tiêu cụ thể:

a) Củng cố, xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô;

Bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố;

b) Tập trung đầu tư nâng cấp các trường trung học phổ thông chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại.

Đến năm 2015, có 100% trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế;

c) Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp;

Nâng tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trườngtrung học phổ thông chuyên.

Đến 2015, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp;

d) Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đến năm 2015, có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học;

30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành.

Đến năm 2020, có ít nhất 70% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 90% học sinh giỏi, khá về tin học; 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành;

đ) Tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học;

"Nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện mới, từng bước bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục."

Theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư

Lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.

Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020.

e) Tăng cường khả năng hợp tác giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh; đồng thời thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên.

Đến năm 2020, mỗi trường trung học phổ thông chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế. [2]

Vào cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo đề án phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông Chuyên giai đoạn 2010-2020.

Tại hội thảo, đã nêu ra một số bộc lộ, hạn chế, tiêu chí khó hoàn thành theo mục tiêu của đề án ở thời điểm đó.

Theo đánh giá, việc xây dựng các trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh và chưa đạt được những kết quả rõ rệt.

Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia còn cao (chiếm tỉ lệ 25,3 %);

Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục;

Việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại; việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế;

Việc triển khai thí điểm dạy học môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh còn nhiều hạn chế; thí điểm dạy học nội dung giáo dục tiên tiến của nước ngoài chỉ thực hiện tại một vài trường chuyên;

Việc xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên kết giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các trường đại học và các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài vẫn còn rất hạn chế. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tien-si-nguyen-duc-thanh-nen-ban-truong-chuyen-ha-noi-amsterdam-post210264.gd

[2]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=95359

[3]http://sesdp2.edu.vn/de-an-phat-trien-he-thong-truong-thpt-chuyen-giai-doan-2010-2020/

Đỗ Thơm