"Ai tự thấy không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy"

02/07/2016 07:33
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã nhận định, cử nhân thất nghiệp có một phần lỗi lớn ở những người thầy. Họ chỉ biết nói chứ không biết truyền cảm hứng.

Người dân nghĩ gì? Thầy giáo nghĩ gì? Trẻ con nghĩ gì? 

Bước vào kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016, vấn đề hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (theo số liệu tổng kết đầu năm 2016) tiếp tục được đặt ra.

Nguyên nhân chính được xác định dẫn tới tình trạng thất nghiệp là do đào tạo tràn lan (học lý thuyết chay), cử nhân không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra 4 thí dụ cho 4 giai đoạn phát triển của giáo dục nói chung trên toàn thế giới:

Giai đoạn thứ nhất, cách đây hàng nghìn năm trên thế giới chỉ có những ông giáo sĩ (chính là những người thầy). Con người ta được nghe, được khai sáng bởi một ông thầy. Thầy truyền đạo và những học trò chăm chú lắng nghe.

Ở Việt Nam, có những ông thầy đồ. Đa phần các gia đình cho con cái học chữ đều phải tìm đến tận nhà các thầy. Chỉ một số rất ít gia đình có điều kiện thì mời thầy về tận nhà dạy học. Và triết lý mô hình đào tạo này là: “Nhất tự vi sự, bán tự vi sư”

Giai đoạn thứ hai, có văn hóa dạy nghề. Lúc này đã có các xưởng, dạy cho người ta sử dụng công cụ, biết làm rèn, biết làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt. Sự ra đời của các trường nghề bắt đầu với mô hình: Thầy dạy, trò thử làm theo hướng dẫn của thầy.

Giai đoạn thứ ba, đã có trường lớp xây dựng thành hệ thống giáo dục, để giải quyết theo từng lứa tuổi: Trẻ con học gì? Lớn lên trung tuổi thì học gì? Người lớn học gì? Từ đó mới sinh ra trường đại học. Và trường đại học vừa đào tạo, vừa là nơi để thầy và trò tiến hành các công trình nghiên cứu mới.

Giai đoạn thứ tư, tức là ở thời kỳ khoa học và công nghệ phát triển ngày nay, giáo dục đã tiến sang giai đoạn văn minh hơn, đó là thầy và trò cùng trao đổi, cùng tranh luận về một vấn đề. Học trò có quyền nêu ra quan điểm riêng khác biệt với ông thầy.

PGS.Nhã chia sẻ: “Trải qua bốn giai đoạn phát triển như vậy, chúng ta thấy rằng vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Những giai đoạn trước đây khi mà khoa học, công nghệ thông tin chưa phát triển thì thầy nói sao trò biết vậy. Vì vậy, ông thầy luôn phải chuẩn mực, không chỉ là kiến thức mà phải chuẩn cả những ứng xử trong đời sống.

Bây giờ, thầy cũng luôn phải chuẩn mực trong mọi ứng xử, cái đó là bất biến. Tuy nhiên, bây giờ thầy phải đóng vai trò là người định hướng để học trò nghiên cứu, rồi cùng thảo luận, giúp cho từng học trò phát triển những điểm mạnh của riêng mình. Vì thế, thầy phải giỏi, phải là tấm gương để học trò noi theo.

Kể cả trong tương lai với các mô hình đào tạo hiện đại thì người thầy vẫn có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đào tạo. Không chỉ dạy kiến thức, thầy phải là 'người truyền lửa' thắp sáng ước mơ hoài bão cho trò".

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã đánh giá, nếu không nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên phổ thông thì nền giáo dục tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã đánh giá, nếu không nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên phổ thông thì nền giáo dục tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. ảnh: Ngọc Quang.

Theo PGS.Nguyễn Văn Nhã, hầu hết các nhà quản lý chỉ nghĩ đến thượng tầng, chứ không mấy khi nghĩ đến hạ tầng, đó là: “Xã hội đang nghĩ gì? Người dân nghĩ gì? Thầy giáo nghĩ gì? Trẻ con nghĩ gì?

Chúng ta đổi mới giáo dục mà lực lượng người thầy chưa đủ đáp ứng được thì chúng ta chắc chắn thất bại.

Trong một cuộc trò chuyện với tôi cách đây ít lâu, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ rằng, ông mất cả chục năm trời rũ bỏ câu văn trong trường.

Nhưng rồi bây giờ ông cũng không thể giúp các con làm chuyện ấy sớm hơn, vì một lẽ: Chúng phải nghe lời của cô chứ. Rũ bỏ câu văn nhà trường thì để mà trượt à”.

Quả thật, ở hầu hết các trường công lập, nhiều đứa trẻ rất sợ thầy cô, vì cách dạy vẫn chỉ là thầy cô trên bục và học sinh răm rắp nghe theo. Nhiều ông bố, bà mẹ không bảo được con, vì cái gì chúng cũng nói: “Cô giáo con bảo thế”.

Bàn về giáo dục, tôi đã ví von rằng, một công ty sản xuất sắt mà có hàng trăm tấn sắt vứt gỉ ở trong kho không tiêu thụ được thì là sắt tồi; công ty xi măng có hàng trăm tấn xi măng mà để vón cục ở trong kho thì là sản phẩm vớ vẩn.

Vậy hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường, thậm chí có cả bằng khá, giỏi cũng không tìm được công ăn việc làm ưng ý thì đó có phải sản phẩm tồi không?”.

Những câu hỏi mà PGS.Nhã đặt ra cách đây đã 2 năm, cho tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy lời giải, đặc biệt là vai trò của người thầy trong kế hoạch cải cách toàn bộ nền giáo dục.

PGS.Nhã chia sẻ: “Vai trò của người thầy trong bất kỳ xã hội nào cũng chiếm một vị trí hết sức quan trọng, và trong thời đại ngày nay thì những người thầy phải nỗ lực nhiều hơn, không chỉ giỏi ở môn mình dạy mà còn phải hiểu biết ở nhiều lĩnh vực thì mới dạy hay được, mới đưa được kiến thức đến với học trò nhanh nhất.

Đã qua rồi cái thời, thầy đứng trên bục giảng còn học trò chỉ biết ngồi dưới nhìn lên. Bây giờ, thầy trò  cùng trao đổi, đàm đạo về những vấn đề mà học trò quan tâm.

Chỉ có điều, nhiều thầy cô yếu về chuyên môn, cũng chỉ biết có lý thuyết, nên học trò mới yếu kém kỹ năng, cầm tấm bằng đại học xong mà cứ lơ nga lơ ngơ, đụng vào cái gì cũng không biết.

Mấy chục năm gắn bó với ngành sư phạm, tôi đã đúc kết ra rằng: Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng".

Những người thầy vĩ đại luôn biết cách truyền cảm hứng cho học trò. Trong ảnh là PGS.Văn Như Cương ở tuổi 80 vẫn tận tình dạy học trò cách gói bánh chưng. ảnh: Văn Thùy Dương.
Những người thầy vĩ đại luôn biết cách truyền cảm hứng cho học trò. Trong ảnh là PGS.Văn Như Cương ở tuổi 80 vẫn tận tình dạy học trò cách gói bánh chưng. ảnh: Văn Thùy Dương.

Tự thấy không xứng đáng, hãy ra khỏi đội ngũ người thầy

Theo PGS.Nguyễn Văn Nhã, thực trạng thấy rất rõ hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng là nhiều giảng viên không sử dụng được tiếng Anh. Điều khá lạ lùng là họ đều trải qua các khóa học Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng vẫn không sử dụng được ngoại ngữ nào.

Có nghĩa là không thể tự nghiên cứu tài liệu nước ngoài, không mở rộng được kiến thức, làm sao có thể tự tin đối thoại với sinh viên?

“Tôi đã có vài dịp sang công tác tại Đại học Quốc gia Lào và thấy là không chỉ lãnh đạo trường, mà ngay cả nhân viên ở mọi phòng, ban đều nói rất tốt tiếng Anh, tiếng Việt. Thậm chí, ngay cả những cán bộ phụ trách ký túc xá và nhân viên bảo vệ cũng rất thạo tiếng Anh, tiếng Việt”, PGS Nhã chia sẻ.

"Ai tự thấy không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy" ảnh 3“Cố tiến lên hàng đầu, nhưng hàng đầu rồi không biết đi đâu?"

Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã đặt ra hai vấn đề lớn để nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, giáo viên phổ thông: 

Thứ nhất, phải bồi dưỡng chuẩn hóa lại đội ngũ giảng viên, giáo viên hiện nay, và khi đã quyết tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thì dứt khoát phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ và năng lực.

Chúng tôi hay nói vui với nhau rằng, người thầy cũng chẳng khác gì một người lái tàu cao tốc, nếu không chịu nổi áp lực thì không nên làm công việc này, mà nên tìm công việc khác để không làm nguy hại đến người khác.

Những ai tự thấy mình không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào đội ngũ người thầy, vì với sự tiến bộ của xã hội ngày nay thì những ai không xứng đáng sẽ sớm lộ ra.

Đi liền với yêu cầu này, nhà nước cần sớm siết lại hệ thống các trường đại học. Nhà nước chỉ nên cấp ngân sách cho một số ngành đặc thù mà nhà nước sẽ phân công lao động, một số ngành khoa học phục vụ cho các mục tiêu của quốc gia, còn lại phải để cho các trường tự chủ hoàn toàn thì lập tức chất lượng đào tạo của nhà trường sẽ nâng lên.

Bản thân các giảng viên phải tự nâng cao trình độ của mình, các trường phải thực sự vận động để thay đổi, nếu không thì sẽ phải tự đóng cửa. 

Thứ hai, cần phải siết lại vấn đề đào tạo sư phạm, không để đào tạo tràn lan, kém chất lượng như thời gian vừa qua, mà chỉ tập trung đào tạo ở một số trường đại học lớn chuyên sâu về sư phạm.

Để thu hút học sinh giỏi vào ngành, Nhà nước đã áp dụng chính sách miễn học phí cho toàn bộ sinh viên các trường sư phạm. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, cho nên nhà nước cần phải tính toán được số lượng giáo viên cần thiết, để tuyển sinh – đào tạo và phân công công việc hợp lý.

Khi nhà nước phân công công việc, đồng thời có những chính sách thực sự cải thiện được đời sống của giáo viên thì ngành sư phạm sẽ tuyển được người tài.

Chúng ta không thể cứ nói rằng dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nhưng đời sống của giáo viên khó khăn quá thì cũng chẳng lấy đâu ra tâm sức mà yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

PGS.Nhã bày tỏ: “Đã có nhiều quốc gia như Nam Phi, Ireland, Singapore... vươn lên trở thành những quốc gia có nền kinh tế mạnh với xuất phát điểm đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục. Ở Việt Nam, lâu nay chúng ta vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng đáng tiếc là thực tế thì chưa phải vậy.

Để nền giáo dục Việt Nam phát triển, đầu tiên và trước hết nên quan tâm tới đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ các người thầy. Có thầy giỏi khắc sẽ có trò giỏi. Có trò giỏi sẽ có những nhà kinh tế, kỹ sư, công trình sư, bác sĩ giỏi. Khi đó ta sẽ thoát nghèo!”

Ngọc Quang