Anh lái xe taxi và trăn trở chuyện “tháo khoán” cho bằng tại chức

28/06/2019 06:31
Thanh Thủy
(GDVN) - Sắp tới, bằng tại chức và bằng chính quy sẽ có giá trị như nhau được anh lái xe taxi xem là "tháo khoán" cho bằng tại chức.

Trên chuyến xe từ Nghệ An ra Hà Nội lúc nửa đêm, người lái xe taxi khi biết tôi làm báo đã chia sẻ rất nhiều trăn trở nhưng tuyệt nhiên không hề có dòng nào kể về nỗi vất vả mưu sinh trong nghề mình. 

Đặc biệt khi anh biết tôi làm Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh say sưa nói về các vấn đề giáo dục.

Ảnh minh họa: Vũ Ninh
Ảnh minh họa: Vũ Ninh

Anh hỏi tôi: “Giáo dục sao lắm chuyện thế em?”, chưa kịp cho tôi nói lời nào, người lái xe bắt đầu nói như rút ruột rút gan nỗi lòng của anh về giáo dục.

Anh bảo từ bé đến lớn, nay đã hơn 40 tuổi đời, anh chưa từng thấy vụ sai phạm trong giáo dục nào trắng trợn như vụ gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia năm 2018.

Anh bảo, anh đọc những lời phân trần của một số vị phụ huynh là quan chức có nói "không biết", "chỉ nhờ xem điểm"....là những kẻ vô liêm sỉ.

“Chả có ai lại tự dưng đi nâng điểm cho con các ông để dính tù, dính tội cả. Không thể hiểu nổi, với một kỳ thi quan trọng bậc nhất trong đời học sinh, được cả xã hội quan tâm mà các vị dám “đánh trống mua rối” như thế thì các việc khác thường ngày sẽ thế nào?

Nói thật, con các vị học ra sao, bạn bè chúng đều biết cả. Bố mẹ không biết xấu hổ, không có liêm sỉ thì cũng đừng để cho các con mình sau này không dám ngẩng đầu khi gặp bạn học chúng”, anh lái xe bức xúc nói.

Từ chuyện gian lận thi cử, người lái xe lại hỏi tôi: “Sắp tới, các loại hình đào tạo đại học có giá trị như nhau. Trên các văn bằng không ghi loại hình đào tạo chính quy hay tại chức thì khác nào “tháo khoán” cho bằng tại chức. Tôi chả hiểu các nhà làm luật nghĩ gì?”.

Trước câu hỏi trên của anh lái xe, tôi chia sẻ, lúc thông qua Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có giải trình rằng, tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra… của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Vì thế, luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.

Anh lái xe tỏ ra không hài lòng khi nghe tôi chia sẻ lại lập luận của các nhà làm luật, anh bảo: “Nói thật với em, anh cũng từng làm cán bộ ở xã.

Cũng có bằng cấp hẳn hỏi nhưng lương ba cọc ba đồng làm chẳng đủ ăn và nuôi con nên tôi nghỉ. Có ở lại đó, cũng không cạnh tranh nổi với con ông cháu cha toàn học tại chức, liên thông, năng lực làm việc thì bình bình, soạn cái văn bản lỗi tùm lum nhưng tương lai thì sáng hơn trăng rằm”.

Anh lái xe bảo, việc chênh lệch trình độ giữa hai loại hình đào tạo chính quy và tại chức thế nào thì hầu như ai cũng rõ.

Thật khó hiểu là qua rất nhiều năm rồi chuẩn văn bằng tốt nghiệp đại học không đi lên mà lại thụt lùi.

Anh ví von việc "tháo khoán" này chẳng khác nào mở con đường làm lãnh đạo trong nền hành chính quốc gia cho người người kém tài, học ít.

Người tài xế này còn quả quyết, cứ thử thống kê xem cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay xem văn bằng chủ yếu là loại hình nào thì sẽ hiểu.

Họ đổ xô đi học đại học tại chức. Trong khi ai học qua đại học chính quy đều biết đầu vào khó khăn ra sao, điểm thi 9,10 khó thế nào.

Bằng đại học chính quy, tại chức hay liên thông đều có giá trị ngang nhau
Bằng đại học chính quy, tại chức hay liên thông đều có giá trị ngang nhau

Vậy mà, nhiều người vừa đi học vừa đi làm điểm thi lại toàn chót vót. Chưa kể, họ có học thật hay thuê người thì chỉ họ mới biết.

Nghe những trăn trở của người lái xe, tôi trấn an anh rằng “Bằng cấp gì thì cũng chỉ là tham khảo.

Người ta có làm được hay không thực tế sẽ sớm nhận ra ngay. Các doanh nghiệp họ thậm chí chẳng cần bằng cấp mà chỉ cần thử việc sẽ đánh giá có đủ năng lực để được nhận vào hay không?".

Anh lái xe ngay lập tức bảo tôi: "Dù tôi chưa đọc thông tin nào tổng kết về chất lượng của bằng tại chức và chính quy nhưng nhiều tỉnh, thành phố đã thẳng thừng từ chối tuyển công chức có bằng đại học tại chức là đủ hiểu.

Đừng thuyết phục người dân là hãy tin các vị mà phải làm cho chúng tôi thấy chất lượng đúng như cái bằng các vị cấp".

Thanh Thủy