Bà hoàng của ngành giáo dục là kẻ ...giữ tiền

18/06/2014 06:28
PGS TS Huỳnh Văn Sơn
(GDVN) - Kết quả phỏng vấn nhiều nhà nghiên cứu hay quản lý giáo dục cho thấy, vấn đề tài chính trong giáo dục là một thách thức khá lớn.

Đơn vị hoạt động có hiệu quả hay không, chất lượng giáo dục có được nâng cao không vấn đề tài chính là một trong những yếu tố rất quan trọng. 

Vậy làm thế nào để sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư là câu hỏi lớn đã được đặt ra nhưng để tìm ra câu trả lời là vấn đề không hề giản đơn. Điều này khiến những bất cập về tài chính trong giáo dục vẫn kéo dài nhiều năm qua.

“Ép” con người nói dối

Có thể nói, nhiều năm qua vấn đề tài chính trong giáo dục đã trở thành nỗi nhức nhối cho lãnh đạo các cấp. Đây có lẽ cũng là lý do để Quốc hội thông qua Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 Về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015.

Nghị quyết này nhằm xây dựng một số cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo để huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bà hoàng của ngành giáo dục là kẻ ...giữ tiền ảnh 1

Ảnh minh họa

Từ việc lớn như việc xây trường đến việc nhỏ hơn như sửa chữa cơ sở vật chất đều lắm nhiêu khê, giai đoạn, trình tự, thủ tục hành chính. Kế toán trường học trở thành “bà hoàng” khi trong tay nắm quyền “sinh tồn” cả một tập thể đơn vị. 

Ngay cả đến việc nghiên cứu khoa học cũng có hàng loạt những kiểu hành là chính làm cho những người và nhóm nghiên cứu mệt mỏi. 

Một đề tài thực hiện sẽ không căng thẳng cực độ bằng việc thanh toán hoặc trình các chứng từ kiểm tra giữa kỳ. Hàng loạt những quy định về “hành” là chính trong tài chính được đặt ra khi nghiên cứu. 

Các tình huống kiểu như: “Có một tháng thì sao làm nhanh được vậy”? Hay “phiếu hỏi mẫu có đủ số trang không”? Sao lúc đăng ký 8 trang mà bây giờ chỉ còn 7 trang - phải trừ tiền bớt một trang…? Chuyện cười ra nước mắt khi đi thanh lý hợp đồng giao khoán đề tài với tổng số 38.400 tờ phải chứa 12 thùng giấy carton mới đủ… Áp lực, căng thẳng phải làm sao? Nhiều người phải cố tìm cách mà lách… Phải kiếm kế để tranh thủ cho đủ ngày đêm… ?

Túng quá nên nhà khoa học phải làm dối giấy tờ, xin hóa đơn đỏ bằng hình thức này hay hình thức khác, photo cho đủ cơ sở để kiểm tra từng trang phiếu hỏi… Việc xúi người ta nói dối, làm dối, làm gấp đôi hồ sơ, làm cho khớp với chứng từ… trở thành kiểu hành chính khủng khiếp trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Và nhà khoa học đau đớn nhất khi phải làm dối một cách có khoa học…

Lối ra ở đâu?

Quản lý giáo dục là một trong những lối ra dành cho tài chính trong giáo dục. Cần đổi mới công tác quản lý nói chung và tập trung vào đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong giáo dục. 

Vấn đề này đòi hỏi phải được quản lý các cấp trong ngành giáo dục thực hiện một cách thống nhất và đồng loạt. Không chỉ là quán triệt mà còn là chuyện phải thực hiện nhanh chóng và cấp thiết bằng hành động…

Cần tăng cường và hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách để thủ trưởng các cơ sở giáo dục được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài chính đơn vị của mình một các hợp lý, chính xác và đúng quy định. 

Các cơ sở giáo dục và đào tạo phải bảo đảm sự tương quan giữa chất lượng giáo dục, đào tạo với nguồn tài chính được đầu tư, sử dụng; công bố mục tiêu, năng lực đào tạo, tài chính. 

Điều căn cơ cần chú ý ở đây là cần thiết giảm các thủ tục hành chính trong quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục. Đây cũng là giải pháp giảm bớt gánh nặng cho mọi người nhưng cũng phải trên cơ sở chính xác các chứng từ liên quan.

Các cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra, kiểm toán, theo dõi việc quản lý tài chính của đơn vị mình, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật. 

Phụ huynh học sinh và cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, học sinh, sinh viên và cán bộ, giảng viên ở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học có quyền và trách nhiệm giám sát việc sử dụng kinh phí của cơ sở giáo dục theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị.

Xin được chia sẻ câu chuyện cười ra nước mắt chính người viết trải nghiệm mới đây. 

Chúng tôi thực hiện một đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh (thời hạn đăng kỳ là 24 tháng) với kinh phí mỗi tháng chủ nhiệm đề tài nhận được 1.200.000 đồng. 

Tuy nhiên do đề tài hoàn thành sớm và nghiệm thu trước tiến độ 9 tháng nên phải hoàn lại cho quỹ đã cấp 10.800.000 đồng… Cái “đau” ở đây không chỉ dừng lại ở con số gần 5% hay 10% kinh phí phải trả lại, mà là động lực làm việc đã bị triệt tiêu toàn phần với kiểu hành chính trong quản lý nói chung hiện nay…

PGS TS Huỳnh Văn Sơn