Bài học VNEN vẫn còn nguyên giá trị cho chương trình GDPT 2018

24/10/2021 07:06
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài học về chương trình VNEN có lẽ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho ngành giáo dục trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay.

Sau 6 năm triển khai mô hình trường học mới (chương trình VNEN) thì ngày 18/8/2016, Bộ đã ban hành Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 "trên tinh thần tự nguyện" do Bộ trưởng lúc bấy giờ là thầy Phùng Xuân Nhạ ký.

Ngay lập tức, phần lớn các trường tiểu học và trung học cơ sở đang triển khai dạy và học theo chương trình VNEN đã dừng lại và chuyển sang dạy và học chương trình, sách giáo khoa năm 2006 như trước đây.

Nhiều giáo viên đang dạy chương trình VNEN được quay lại dạy chương trình, sách giáo khoa năm 2006 đã thở phào nhẹ nhõm.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi sau đó không lâu thì Bộ Giáo dục thông qua chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bóng dáng VNEN lại quay trở lại, điều này được thể hiện rõ nhất trong các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Bóng dáng VNEN vẫn còn hiện hữu ở chương trình năm 2018 (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Bóng dáng VNEN vẫn còn hiện hữu ở chương trình năm 2018 (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Những điểm tương đồng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình VNEN

Gần 2 tháng qua, kể từ khi năm học 2021-2022 chính thức bắt đầu thì những ý kiến trái chiều về các môn học tích hợp ở lớp 6 được đề cập khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên mạng xã hội của các nhóm giáo viên.

Nhìn vào các môn học của lớp 6 năm nay- năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy những nét tương đồng về các môn học so với chương trình VNEN trước đây.

Đó là sách VNEN bao gồm các môn học: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lí, Hoá học, Sinh học); Khoa học xã hội (tích hợp Lịch sử, Địa lí), Giáo dục công dân, Công nghệ. Các môn còn lại thì dạy theo sách giáo khoa, chương trình 2006.

Còn các môn học lớp 6 năm nay có các môn học: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Tin học, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…

Như vậy, về cơ bản sách giáo khoa VNEN và sách giáo khoa tới đây có nhiều môn học tương đồng. Nhất là 2 môn học được gọi là “tích hợp” thì giống hệt nhau là môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (Lịch sử và Địa lí).

Các hoạt động dạy học, phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cơ bản kế thừa từ chương trình VNEN- điều này được thể hiện rõ trong các module mà Bộ đang triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên phổ thông.

Như vậy, nếu như trước đây Bộ triển khai chương trình VNEN thí điểm, rồi mở rộng nhưng vẫn là một cách làm “thử nghiệm” rồi sau đó phụ huynh, giáo viên lên tiếng thì Bộ đã hướng dẫn các trường học dạy chương trình này trên "trên tinh thần tự nguyện".

Nhưng, bây giờ thì mọi thứ đã khác, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã là bắt buộc nên các nhà trường, giáo viên không còn một lựa chọn nào khác.

Những khó khăn mà các trường đang phải đối mặt

Chương trình, sách giáo khoa 2006 đã được Bộ tiến hành thực nghiệm trong nhiều năm nhưng khi đem áp dụng đại trà thì nó vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Sách giáo khoa phải bổ sung, chỉnh lý, giảm tải nhiều lần.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Bộ chủ trương đưa phần thực nghiệm cho các Nhà xuất bản và thực hiện trong một phạm vi hẹp rồi đem ra áp dụng đại trà ngay. Vì thế, những sai sót, những “sạn” trong sách giáo khoa lớp 1 ở năm học 2020-2021 vừa qua cũng như trong sách giáo khoa lớp 6 năm nay đã được “nhặt” khá nhiều.

Đặc biệt, đối với lớp 6 thì những hướng dẫn về phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu, kiểm tra, đánh giá các môn học mới mà Bộ đã ban hành như Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH về chuyên môn đối với lớp 6 ở năm học này cũng chưa thật sự rõ ràng, cụ thể.

Nhiều môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ Thuật, Nội dung giáo dục địa phương vẫn luôn có ý kiến trái chiều…

Các nhà trường và giáo viên thực hiện cũng đang khá còn lúng túng, nhất là khi mà đến thời điểm kiểm tra, vào điểm thường xuyên và chuẩn bị cho kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa kỳ) tới đây vẫn đang là những điều trăn trở của nhiều thầy cô quản lý và giảng dạy trực tiếp ở các nhà trường.

Một khó khăn nữa là ngay năm đầu tiên áp dụng chương trình mới ở lớp 6 thì tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương và có những diễn biến phức tạp. Vì thế, việc tập huấn, trao đổi, giảng dạy, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên ở một số địa phương cũng còn nhiều hạn chế.

Những bài học cần được rút ra

Nhìn lại chương trình VNEN, ai cũng thấy rõ được những tốn kém mà không mang lại hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, dù có hàng chục triệu USD được đầu tư cho chương trình này.

Chúng tôi không phủ nhận một số ưu điểm từ chương trình VNEN nhưng có lẽ nó đã có quá nhiều điều chưa phù hợp với thực tế giáo dục Việt Nam…

Điều này cũng đã được thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 khẳng định bằng bài viết: “VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay...” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) ngày 15/8/2016.

Tuy nhiên, thực tế chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại kế thừa khá nhiều từ chương trình VNEN như: môn học, giáo án, phương pháp dạy học…

Chính vì thế, ngay thời điểm ban đầu thực hiện chương trình lớp 6 thì những bất cập đã xảy ra. Chỉ tiếc, những phản biện từ cơ sở gần như vẫn trôi vào cõi thinh không.

Để tránh lặp lại những hạn chế từ chương trình VNEN đối với cấp trung học cơ sở, có lẽ hơn lúc này Vụ giáo dục Trung học và lãnh đạo Bộ cần có những định hướng, lên tiếng giải đáp về những bất cập mà giáo viên đã phản ánh.

Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ chia tỉ lệ các bài kiểm tra định kỳ ra sao? Việc nhận xét phẩm chất, năng lực của 2-3 phân môn sẽ thực hiện ra sao khi vào điểm phần mềm, học bạ cho từng môn học? Đặc biệt là kế hoạch bồi dưỡng giáo viên sẽ được thực hiện như thế nào, kinh phí từ đâu để giáo viên có thể dạy được cả môn học theo chủ trương của Bộ.

Bên cạnh đó, môn Nghệ thuật thì Bộ cũng cần có định hướng cụ thể hơn. Không thể chương trình, sách giáo khoa riêng, thời khóa biểu riêng, dạy riêng, kiểm tra riêng nhưng lại cộng kết quả môn Mĩ thuật và Âm nhạc để ra kết quả môn Nghệ thuật.

Nội dung giáo dục địa phương thì có tới 6 phân môn, phân môn thì lấy kết quả bằng nhận xét, phân môn thì điểm số. Vậy, cộng trừ ra sao để ra kết quả học tập cuối cùng cho học trò ở cuối học kỳ, cuối năm học?

Hy vọng, những tiếng nói từ cơ sở sẽ được Bộ thấu hiểu, lắng nghe để có những định hướng cụ thể, rõ ràng. Những môn tích hợp, những môn ghép ở lớp 6, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Nhưng, nếu ngay từ thời điểm đầu mà giáo viên tường tận thì những năm tiếp theo sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ngược lại, mọi thứ chưa rõ ràng, chung chung, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu thì những năm tiếp theo vẫn còn rối và tất nhiên lúc đó Bộ muốn gỡ rối cho giáo viên sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Bài học về chương trình VNEN có lẽ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho ngành giáo dục trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay và những năm tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI