Bất công giáo dục đang dành hết cho đại học, cao đẳng ngoài công lập

09/10/2014 06:46
Hà Linh
(GDVN) - Nhiều nhà đầu tư vào các trường đại học ngoài công lập đã nêu lên ý kiến về tình trạng bất công, khiến cho mô hình này đang ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Đó là ý kiến của hầu hết các nhà đầu tư vào các trường ĐH ngoài công lập được nêu lên tại buổi tọa đàm “Hướng phát triển cho các trường Đại học – Cao đẳng (ĐH – CĐ) ngoài công lập” do báo Pháp luật TP.HCM và Hiệp hội các trường ĐH – CĐ vừa tổ chức tại TP.HCM.

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM thông tin, hiện nay, trên cả nước có 90 trường (60 trường ĐH, 30 trường CĐ) ngoài công lập, chiếm 22% tổng số trường của cả nước.

Tổng số sinh viên hiện đang theo học tại các cơ sở ngoài công lập chiếm chưa đến 15% tổng số sinh viên của cả nước. Như vậy, theo TS Nghĩa, cho dù con số trường ngoài công lập đang tăng rất nhanh, nhưng vẫn khó lòng đạt ở mức 40% sinh viên hiện đang theo học tại các trường ngoài công lập, như mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục đã đặt ra cho năm 2020.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: PLO)
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: PLO)

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, đây là một con số rất thấp nếu so với nhiều nước tiên tiến trong châu lục có một nền giáo dục phát triển, nên cần sớm đưa ra một quyết sách để định hướng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH – CĐ ngoài công lập.

Chia sẻ của TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á, Đà Nẵng cho thấy, điều lệ trường ĐH hiện hành hầu như chỉ quy định về mặt tổ chức, quản lý của các trường ĐH chủ yếu chỉ dành cho công lập, còn các trường ngoài công lập thì quy chế tổ chức, hoạt động của trường thì lại do chính đại hội cổ đông thông qua.

Như vậy, đại hội cổ đông (chủ sở hữu) của các trường ngoài công lập sẽ có quyền quyết định cao nhất. Các cơ quan quản lý, điều hành của trường hằng ngày như: HĐQT và Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng, Ban kiểm soát, hội đồng đào tạo của trường chỉ là một nhánh quyền lực con, được sự ủy nhiệm từ quyền lực gốc là đại hội cổ đông.

Sự ủy nhiệm này được thực hiện cụ thể bằng các quy định về tổ chức, nhân sự, quy chế tổ chức, hoạt động của trường do chính đại hội cổ đông ban hành. TS Nguyễn Thị Anh Đào khẳng định: Mọi cơ sở kinh tế tư nhân hay cả giáo dục cũng vậy, cần phải xác định chủ sở hữu có quyền lực gốc, có nghĩa là đại hội cổ đông cần phải được khôi phục ở địa vị cao nhất trong mô hình tổ chức.

Chỉ có đại hội cổ đông mới được ban hành điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động, bổ nhiệm các chức danh quản lý cao cấp trong cơ quan như: HĐQT, Ban giám hiệu (hành pháp), ban kiểm soát (tư pháp).

Quang cảnh buổi tọa đàm "Hướng phát triển cho các trường ĐH - CĐ ngoài công lập" (Ảnh: H.L)
Quang cảnh buổi tọa đàm "Hướng phát triển cho các trường ĐH - CĐ ngoài công lập" (Ảnh: H.L)

Đại hội cổ đông không thể duy trì thường xuyên vai trò, nên cần phải cử ra hội đồng quản trị để đại diện cho quyền lợi của mình.

“Khi quyền và trách nhiệm của đại hội cổ đông được vận hành thông suốt trong tổ chức thì sẽ tránh được rất nhiều vụ lùm xùm như vừa qua” – bà Đào nói tiếp.

Ngoài ra, bà Đào còn đề nghị Nhà nước cần tránh tình trạng hành xử “quá không công bằng” đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập như hiện nay, bằng cách cho nhà đầu tư vay tiền vốn với lãi suất 0%, hỗ trợ miễn tiền thuê đất để xây dựng cơ sở đào tạo.

TS Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) khuyến cáo: Đối với hệ thống các trường ngoài công lập, cần phân biệt rõ hai mô hình hoạt động lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Khác với ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới, mô hình hoạt động của các trường “không vì lợi nhuận” ở tại Việt Nam, thực chất không phải là “phi lợi nhuận”, vì vẫn còn có chia cổ tức và có chủ sở hữu cụ thể. Khi giải thể, sau khi trừ đi các khoản thanh toán theo luật định, giá trị tài sản cuối cùng vẫn thuộc về người góp vốn. Chính vì vậy, TS Diệp đề nghị cần có định nghĩa xác thực hơn của mô hình hoạt động này, bám theo thế giới và nhiều nước khác.

Sau 10 năm nay, tỷ lệ sinh viên bước vào học tại các trường ĐH – CĐ ngoài công lập cũng vẫn chỉ là 13%, không thay đổi và vẫn giậm chân tại chỗ.  Do đó, TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT nhấn mạnh: Cần phải xác định xem giáo dục có nên là dịch vụ hay không? Vì nếu là dịch vụ thì phải tuân theo luật cạnh tranh.

“Không thể có chuyện mô hình công lập được Nhà nước bao cấp, được hưởng nhiều quyền lợi, nên kéo học phí xuống thấp, nhằm thu hút sinh viên, còn các trường ngoài công lập thì lại đối diện với bài toán kinh doanh, cơ chế thì lại không mấy thuận lợi như hiện nay” – TS Lê Trường Tùng nói tiếp.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm đã bày tỏ ý kiến: Nên hay không xem tổ chức giáo dục ĐH – CĐ ngoài công lập như một doanh nghiệp, hay cũng có ý kiến cho là nên xem giáo dục là một loại hình kinh doanh đặc biệt, vì đào tạo ra con người, nên cần có một cơ chế, chính sách minh bạch, hợp lý và công bằng cho nó.

Hà Linh