Bắt giáo viên trực Tết âm lịch không lương, hiệu trưởng có thể bị phạt nặng

19/01/2021 07:45
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên nghỉ Tết âm lịch năm Tân Sửu 7 ngày liên tục từ ngày thứ tư 10/02 đến thứ ba 16/02/2021 (vào các ngày từ 29/12 đến mùng 05/01 Âm lịch).

Sắp đến những ngày cuối năm 2020, chuẩn bị bước qua năm 2021 trong thời gian đó cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên có kỳ nghỉ dài là kỳ nghỉ Tết âm lịch năm Tân Sửu.

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin được nêu về thời gian nghỉ Tết âm lịch của giáo viên, quy định về trực trong thời gian nghỉ Tết, và nếu hiệu trưởng phân công giáo viên trực Tết âm lịch mà không trả lương sẽ bị phạt bao nhiêu tiền.

Tết âm lịch Tân Sửu giáo viên được nghỉ bao nhiêu ngày

Ngày 26/11/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 9895/VPCP-KGVX về việc nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh năm 2021 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu từ ngày 10/02/2021 đến ngày hết ngày 16/02/2021 và nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 02/9/2021 đến hết ngày 05/9/2021.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên lưu ý thực hiện: bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo đó, giáo viên nghỉ Tết âm lịch năm Tân Sửu 7 ngày liên tục từ ngày thứ tư 10/02 đến thứ ba 16/02/2021 (vào các ngày từ 29/12 đến mùng 05/01 Âm lịch).

Đây là lịch nghỉ Tết Âm lịch chung cho người cán bộ, công chức, viên chức trong đó có cả giáo viên.

Nhưng hầu hất ở các cơ sở giáo dục trong cả nước đều cho học sinh nghỉ dài ngày khoảng từ 10 – 14 ngày.

Như vậy, học sinh được nghỉ từ 10 - 14 ngày, tuy nhiên giáo viên chỉ được 7 ngày theo quy định, trong các ngày còn lại tùy tình hình hiệu trưởng có quyền phân công thực hiện các công việc chuyên môn, phong trào cuối năm hoặc phân công giáo viên thay phiên trực trường mà không phải trả lương thêm giờ thêm buổi theo Luật Lao động 2019 có hiệu lực 01/01/2021.

Còn trong các ngày nghỉ Tết Âm lịch theo quy định trên, nếu phân công giáo viên trực mà không trả lương, tự ý phân công là việc làm sai.

Giáo viên nghỉ Tết âm lịch năm Tân Sửu 7 ngày liên tục từ ngày thứ tư 10/02 đến thứ ba 16/02/2021 (vào các ngày từ 29/12 đến mùng 05/01 Âm lịch). (Ảnh: Tạp chí Công thương)

Nếu trực tết, phải được trả lương thêm giờ, thêm buổi và được sự đồng ý của giáo viên

Theo quy định Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021, dịp Tết giáo viên được quyền nghỉ và hưởng nguyên lương (bao gồm cả phụ cấp). Nếu phân công giáo viên trực Tết, giáo viên phải được hưởng ít nhất 300% lương theo quy định tại Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Do đó, nếu bắt buộc hoặc phân công giáo viên phải trực trường vào những ngày nghỉ này là sai, trái Luật Lao động.

Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường cũng có thể thỏa thuận với giáo viên về việc trực trường vào dịp Tết và khi đó giáo viên sẽ được hưởng lương làm thêm giờ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010.

Cụ thể tại “Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương…

2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, một trong những điều kiện để được sử dụng người lao động làm thêm giờ là phải được sự đồng ý của người lao động, nên khi có quyết định giáo viên trực trường phải được giáo viên đồng ý.

Do đó, để phân công giáo viên trực tết thì hiệu trưởng phải có biên bản thỏa thuận và được sự đồng ý của giáo viên về việc trực tết (làm thêm giờ, thêm buổi) và khi trực phải được trả tiền lương làm thêm giờ, thêm buổi theo Luật Lao động 2019.

Cụ thể, nếu trực tết giáo viên sẽ được hưởng tiền lương làm thêm giờ, làm thêm giờ vào ban đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, hiệu trưởng, nhà trường không có quyền ép giáo viên phải trực trường vào những ngày nghỉ Tết Âm lịch 2021.

Nếu hiệu trưởng không có thỏa thuận, ép giáo viên trực trường mà không trả lương thêm giờ, thêm buổi theo Luật Lao động thì theo Luật Viên chức giáo viên phải có ý kiến hoặc chấp hành trực, sau đó khởi kiện để đòi quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng.

Hiệu trưởng có thể bị phạt đến 75 triệu đồng nếu phân công giáo viên trực trái luật.

Thời gian nghỉ tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên theo Bộ luật Lao động 2019 và theo quy định của Chính phủ, hiệu trưởng nhà trường không được ép buộc giáo viên đi trực ở trường trong thời gian này.

Nếu hiệu trưởng nhà trường ép giáo viên trực Tết Âm lịch 2021 thì căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động.

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây:

Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, hiệu trưởng, nhà trường nếu ép giáo viên trực tết có thể bị phạt lên đến 75.000.000 đồng, mức phạt này đã tăng lên gấp 1,5 lần so với quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Trên đây là tất cả quy định về việc nghỉ Tết Âm lịch, quy định xử phạt nếu hiệu trưởng phân công giáo viên trực trường không lương,…

BÙI NAM