Bắt tất cả học sinh phổ thông đều giỏi là điều vô lý

08/11/2018 16:54
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, điều khiến học sinh bây giờ không hạnh phúc là bắt tất cả các em đều giỏi. Yêu cầu học sinh phổ thông đều giỏi là điều vô lý

Ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chương trình, sách giáo khoa phổ thông tiếp tục là điều khiến các đại biểu băn khoăn khá nhiều.

Đại biểu Đỗ Văn Bình - đoàn Hải Phòng cho biết:

“Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến nhận định học phổ thông cụ thể là các cháu tiểu học, trung học cơ sở đang học hành hết sức vất vả để có thể theo được chương trình”.

Đại biểu cũng nêu quan điểm, đối với các chương trình thử nghiệm cần phải viết kỹ, rõ ràng hơn trong dự án Luật.

Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Cao Đình Thưởng – đoàn Phú Thọ cho rằng, đổi mới không cứ nhất thiết là mới hoàn toàn. Việc quay lại những cái cũ nhưng hợp lý cũng là đổi mới.

Đại biểu dẫn chứng là có nên chăng quay lại gọi các bậc học là cấp 1, cấp 2, cấp 3 chứ giờ gọi tên rất rắc rối.

Đại biểu nhận định: “Giáo dục của chúng ta có ưu việt hướng tới con người nhưng thực tế chỉ số hạnh phúc của học sinh, chỉ số hài lòng của phụ huynh không cao”.

Ông Cao Đình Thưởng chia sẻ với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Y tế vì đây là hai lĩnh vực ảnh hưởng đến từng nhà, từng người.

Vì thế nếu làm 99 điểm còn 1 điểm chưa hài lòng cũng rất gây trăn trở trong xã hội. Đó cũng là động lực để các ngành cố gắng, nỗ lực hơn.

Theo đại biểu, trước hết chúng ta cần có triết lý giáo dục. Nhà trường phải là cái nôi mà học sinh, giáo viên đều hạnh phúc.

“Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nói là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo không đưa ra triết lý giáo dục được.

Chúng ta cần hội thảo, cần sự góp sức của các chuyên gia. Phải chọn câu nào ngắn gọn mà đọc hiểu ngay rằng đó là triết lý giáo dục của Việt Nam”, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu quan điểm.

Một điểm nữa đại biểu nhấn mạnh, để có trò giỏi phải có thầy giỏi.

Chúng ta có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhưng theo đại biểu cần nhất là phải có các trường sư phạm chất lượng hàng đầu.

Trường sư phạm đào tạo bài bản, thu hút được học sinh giỏi vào trường.

Bắt tất cả học sinh phổ thông đều giỏi là điều vô lý ảnh 2Đổi mới chương trình sách giáo khoa phải giảm tải được cho học sinh và giáo viên

Ông nhấn mạnh, việc miễn học phí hay có chính sách tín dụng ưu đãi với sinh viên sư phạm không phải là mấu chốt để thu hút người giỏi vào ngành.

“Các em nhìn thu nhập, cơ hội nghề nghiệp và vị thế của giáo viên trong xã hội để chọn vào sư phạm hay không”, đại biểu Thưởng nói.

Đặc biệt, đại biểu Cao Đình Thưởng nhận định: “Chất lượng dạy và học liên quan đến sách giáo khoa. Chương trình học phổ thông kiến thức hàn lâm nhiều quá.

Viết sách giáo khoa nặng quá nên cần giảm tải.

Học sinh phổ thông kiến thức bình thường thôi. Làm sao để các em học ít thôi nhưng học thế nào để học hiểu chứ học thuộc lòng nhiều quá đâu có tốt”.

Đại biểu chia sẻ, các em học sinh bây giờ không hạnh phúc vì chúng ta bắt tất cả các em đều giỏi. Trong khi đó, có em giỏi Văn, có em giỏi Toán hoặc có năng khiếu khác.

"Bố mẹ, thầy cô, nhà trường yêu cầu cao quá đối với học sinh phổ thông là điều vô lý", đại biểu nêu quan điểm.

Đỗ Thơm