Bộ Giáo dục cần chủ trì chuyển đổi công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện

14/10/2019 06:21
Tùng Dương
(GDVN) - Việc chuyển trường công lập sang tư thục là mội chủ trương hoàn toàn đúng, không chỉ đúng với mầm non, phổ thông và còn đúng cả với bậc đại học về lâu dài. ​

Ngày 9/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao”.

Tới dự hội thảo, Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ quan điểm về vấn đề này:

'Trước hết phải nói chủ trương chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao, là mội chủ trương hoàn toàn đúng.

Tôi khẳng định là tuyệt đối đúng, không chỉ đúng với mầm non, phổ thông và còn đúng cả với bậc đại học về sau.

Nhưng vấn đề vì sao cho đến nay chúng ta vẫn không làm được mặc dù có chủ trương rồi, có Luật Giáo dục và nghị quyết của Chính phủ, vậy tại sao? Đó mới là vấn đề.

Hiến pháp là luật khung, luật khung quy định rất rõ mọi người đều có quyền được học tập, được hưởng tất cả các dịch vụ phúc lợi xã hội, con em chúng ta phải được hưởng điều đó một cách đúng nghĩa theo quy định chứ không phải hưởng kiểu ban ơn.

Vì sao việc chuyển đổi này chậm như vậy, nguyên nhân là gì? Các đồng chí nói nguyên nhân hoàn toàn đúng, ở Hà Nội tôi biết rồi vì tôi đã có thời gian ngồi trong Hội đồng nhân dân.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm chủ vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ phải là chủ chuyện này và phải đưa ra được báo cáo đánh giá, khảo sát của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đây là 2 thành phố có điều kiện về kinh tế.

Tại sao khi chủ trương ra rồi, luật có rồi mà bây giờ vẫn tồn tại hiện tượng không chuyển từ công lập sang tư thục, để khối công lập tới 60 học sinh học một lớp? Đó là vi phạm tiêu chuẩn, không đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm việc với 2 Sở Giáo dục là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xem cụ thể ra sao? Mặc dù đã có khảo sát nhưng phải có bằng chứng thì mới thuyết phục được Trung ương.

Nên có một khảo sát ngay lập tức và chi tiết, cụ thể, muốn chuyển được phải có điều kiện của nó và điều kiện lớn nhất là phải quan tâm vật chất, con người.

Tôi cũng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với từng địa phương xem quy hoạch tổng thể ra sao, có thiếu đất thật không hay đất xây chung cư thì có mà đất cho Giáo dục lại không?

Bộ trưởng Nhạ có thể làm việc với Bí thư Hoàng Trung Hải và Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thẳng thắn kiến nghị cụ thể, rõ ràng.

Tôi đồng ý với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, là Giáo dục phải vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù chuyển nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người nghèo, phái có hỗ trợ nhưng thật minh bạch, công khai đến các cháu học sinh. Nhưng muốn đảm bảo chất lượng Giáo dục thì chúng ta phải đảm bảo sĩ số, đảm bảo giáo viên, trường lớp."

Tùng Dương