Bộ Giáo dục lý giải nguyên nhân điểm chuẩn nhiều ngành, trường tăng vọt

17/09/2021 19:02
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giải thích về hiện tượng điểm chuẩn tăng đột biến của một số ngành, một số trường thì Thứ trưởng Sơn chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Trong 2 ngày 15-16/9, các trường đại học trên cả nước đã đồng loạt công bố điểm trúng tuyển đợt 1 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. So với năm trước, điểm chuẩn năm nay tăng mạnh, có ngành tăng 9 điểm, đặc biệt có những ngành học điểm trúng tuyển trên 30 điểm.

Trước băn khoăn về việc điểm chuẩn năm nay của nhiều trường, nhiều khối ngành tăng đột biến, ngày 17/9, thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, mùa tuyển sinh năm 2021 có nhiều đặc biệt khi dịch bệnh COVID kéo dài, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phỏ thông qua 2 đợt thi, nhiều cơ sở giáo dục đại học có những phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh với điểm xét tuyển, lọc ảo trơn tru.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (ảnh: Kim Chi)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (ảnh: Kim Chi)

“Xét về tình hình chung thì tuyển sinh năm nay của các trường kết quả tốt hơn, tiến bộ đáng kể so với năm 2020 dựa trên những phân tích số thí sinh tuyển được/chỉ tiêu, còn điểm chuẩn chỉ là một phần”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định.

Giải thích về hiện tượng điểm chuẩn tăng đột biến của một số ngành, một số trường thì Thứ trưởng Sơn chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp năm 2021 là 1.020.000 thí sinh (tăng hơn 11% so với năm 2020: 900.000 thí sinh) tuy nhiên số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cao đẳng năm 2021 tăng 152.000 (tương ứng 24%) so với năm 2020. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng có thể do các em không đi nước ngoài hoặc xu hướng chọn ngành nghề đại học nhiều lên. Chính điều này làm cho điểm chuẩn của một số trường tăng vọt. Nếu các trường top trên điểm chuẩn có tăng nhưng không nhiều vì chỉ tiêu tổng thể của hệ thống không tăng đáng kể vì vậy số thí sinh sau khi được chọn ở trường top trên rồi thì còn lại tập trung xuống các trường, ngành top giữa dẫn tới hiện tượng các trường top giữa tăng vọt điểm chuẩn.

Thứ hai, xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh rất kỹ lưỡng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm kỹ thuật- công nghệ có 70 ngành, nhóm khoa học giáo dục và đào tạo có 64 ngành tăng điểm chuẩn từ 5 trở lên. Như vậy để thấy 2 nhóm ngành này chiếm 50% các khối ngành tăng điểm chuẩn từ 5 trở lên, đây là tín hiệu mừng cho hệ thống giáo dục, sau đó mới đến các khối ngành kinh tế, kinh doanh, xã hội nhân văn.

Thứ ba, trong khi phân tích phổ điểm các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy, đơn cử ở môn tiếng Anh có kết quả cải thiện so với năm 2020, điều này góp phần vào việc tăng điểm chuẩn.

Thùy Linh