Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

29/01/2019 06:46
HỮU SƠN
(GDVN) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay diễn ra rất khốc liệt, hơn cả kỳ thi tuyển sinh vào đại học thời trước đây.

LTS: Đưa ra những chia sẻ về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy Hữu Sơn cho rằng, Bộ Giáo dục nên tiến đến việc bỏ hẳn kỳ thi này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ai cũng biết, nền giáo dục Việt Nam đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn, không có lối ra: học để thi, thi để học.

Cứ đến mùa thi cử, tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia bao nhiêu áp lực, căng thẳng, mỏi mệt dồn hết lên đầu các thế hệ học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay diễn ra rất khốc liệt, hơn cả kỳ thi tuyển sinh vào đại học thời trước đây, sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 hàng năm.

Vì số lượng học sinh tăng mạnh, trong khi đó hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu.

Như vậy, số học sinh không được vào lớp 10 công lập ở hai địa phương này sẽ lên con số hàng chục vạn em.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).

Áp lực học tập, thi cử đối với học sinh lớp 9 ở các địa phương có tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 càng gia tăng hơn khi một số tỉnh, thành đã và tiếp tục có kế hoạch áp dụng môn thi thứ ba dưới hình thức bài thi tổ hợp (ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân hoặc ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học).  

Sắp đến mùa thi, trước kỳ vọng của các bậc phụ huynh, các em phải học ngày, học đêm, vùi đầu vào những trung tâm luyện thi, lớp dạy học thêm của giáo viên.  

Từ năm học 2006-2007, Quốc hội chính thức quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở vì thấy nó không còn cần thiết nữa mà chỉ gây căng thẳng và tốn kém cho xã hội.

Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu ngành giáo dục phải cải tiến, đổi mới và thực hiện tốt khâu kiểm tra, đánh giá học sinh ở từng năm học để làm cơ sở xét công nhận tốt nghiệp cũng như tuyển chọn vào lớp 10 công lập.

Về phương thức tuyển sinh, theo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2006 (Thông tư số 12), các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình giáo dục thực tế của mình mà cân nhắc, lựa chọn một trong ba cách: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp xét và thi tuyển.

Quy chế của Bộ cũng nhấn mạnh kỳ thi lớp 10 chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không phải đánh giá năng lực toàn diện như kỳ thi trung học cơ sở (trước đây), kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay, do đó khâu thi tuyển nếu có được tổ chức nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém.

Mặt khác, các em học sinh lớp đang ở lứa tuổi ăn, tuổi ngủ, chưa phải lúc bị nhồi nhét, bị áp lực nặng nề bởi kỳ thi tuyển sinh vào 10 có tính cạnh tranh cao và số môn thi nhiều đến vậy.

Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ảnh 2Năm nay, Sài Gòn không công bố đề minh họa thi tuyển sinh vào lớp 10

Trong khi đó, hầu hết các nền giáo dục trên thế giới đều chọn cách xét tuyển thay vì thi tuyển và trên thực tế kỳ thi lớp 10 đã bị xóa sổ hơn nửa thế kỷ trước.

Tôi thiết nghĩ, nhằm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn học - thi, thi - học nêu trên, không có cách nào khác, các địa phương, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cần phải thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, thông qua các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở trên lớp.

Năm nào cũng làm thực chất, công tâm, luôn “nói không” với bệnh thành tích và tháo khoán, thì đến cuối năm lớp 9, các địa phương hoàn toàn yên tâm, tin tưởng dựa vào kết quả, đánh giá ấy mà xét tuyển vào lớp 10.

Không cần phải qua thi tuyển, thi các môn này, bài tổ hợp kia mà các em bậc trung học cơ sở đều có ý thức học tập, rèn luyện tốt, rồi vẫn phân loại, chọn lựa được học sinh khi lên lớp 10 trường công lập, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, cách tổ chức thực hiện của ngành giáo dục ở địa phương. Xin đừng đổ lỗi cho các yếu tố khác… 

Một số ít tỉnh hiên nay vẫn duy trì tốt việc tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn toàn tỉnh (trừ trường chuyên) qua một phương thức xét tuyển là nhờ các cấp quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên bậc trung học cơ sở ở đây có nhận thức đúng, đồng bộ và quyết tâm lớn trong thực hiện quy chế chuyên môn nói chung và khâu đánh giá, kiểm tra học sinh nói riêng.

Cách làm của một số địa phương có thể là một gợi ý hay cho các địa phương khác vận dụng, tiếp bước. Sao cứ phải thi và thi miết vậy? Chỉ thấy thương và tội cho con trẻ và phụ huynh quá.

HỮU SƠN