Bộ Giáo dục sẽ báo cáo Quốc hội tiền làm chương trình, sách giáo khoa từng năm

02/11/2017 19:48
Trinh Phúc
(GDVN) - "Vì sao trong Quyết định 404 của Chính phủ trọn gói 778 tỉ đồng nhưng dự thảo chương trình lại là tiêu tốn 80 triệu USD tương đương 1798 tỉ đồng?"

Ngày 2/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội làm việc xung quanh nội dung việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đoàn Nghệ An chất vấn:

“Qua 3 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm được bao nhiêu sản phẩm? Trong bao nhiêu sản phẩm đã chi phí hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn được bao nhiêu tiền? Có như vậy chúng ta mới tính được lùi chương trình bao lâu phù hợp".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn).

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu:

"Nếu như bây giờ chả biết trong ba năm đã tiêu tốn của nhà nước bao nhiêu tiền lại tiếp tục cho kéo dài. Đã kéo dài thời gian chắc chắn kéo thêm chi phí. Vì kéo dài thời gian ai làm cho, ai làm cũng có kinh phí.

Trong Quyết định 404 của Chính phủ trọn gói 778 tỉ đồng nhưng dự thảo chương trình lại là tiêu tốn 80 triệu USD tương đương 1798 tỉ. Bây giờ đổi mới sách giáo khoa lấy 778 tỉ đồng hay lấy 1798 tỉ đồng?".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh:

"Đồng ý lùi 2 năm, 3 năm cũng được nhưng lùi thì phát sinh kinh phí, hoặc có phát sinh được thì Quốc hội kiểm soát được.

Đây là tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, một đồng thuế của dân chúng ta cũng tiết kiệm.

Tôi đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rõ sản phẩm hiện nay là cái gì, chi phí hết bao nhiêu tiền còn bao nhiêu tiền số tiền đã phê duyệt, sau đó mới bàn đến lùi như thế nào”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh quochoi.vn).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh quochoi.vn).

Trước thắc mắc của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, trong phiên giải trình Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Về kinh phí, với chương trình thì mới tiêu 48,2 tỉ. Như vậy mới tiêu 2 triệu USD.

Với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỉ, như vậy cộng tổng số là hơn 50 tỉ. Còn lại số tiền vẫn trong quá trình kế hoạch”.

Bộ trưởng Nhạ cam kết với Quốc hội: “Từng năm một chúng tôi công khai chỉ số này và giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền. Thực tế tiền mới chi cho các thầy làm chương trình là chủ yếu”.

Trinh Phúc