Rà soát số lượng giáo viên hợp đồng để có phương án tuyển dụng phù hợp
Trả lời Công văn số 1040/SNV-BCĐ của Ban chỉ đạo tuyển dụng công chức, viên chức thành phố Hà Nội, Bộ Nội vụ đề nghị: Tổ chức rà soát, thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hà Nội đề xuất phương án tổ chức thi, tuyển viên chức giáo dục năm 2019 |
Sau khi tổ chức rà soát xong sẽ có phương án xem xét, quyết định việc tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt) đối với viên chức ngành giáo dục năm 2019 phù hợp, đúng đối tượng và đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng nói rõ khi tổ chức tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển), đề nghị tổ chức xây dựng đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (tại vòng 2) đúng quy định, phù hợp với tinh chất hoạt động nghề nghiệp để kiểm tra kiến thức, kỹ năng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người dự tuyển, nhằm lựa chọn được những người có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm tuyển dụng.
Trước đó, Công văn số 1040/SNV-BCĐ của Ban chỉ đạo tuyển dụng công chức, viên chức thành phố Hà Nội gửi Bộ Nội vụ có xin ý kiến: về hình thức tuyển dụng viên chức của thành phố Hà Nội năm 2019.
Bộ Nội vụ đề nghị Hà Nội rà soát số lượng giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố để có phương án giải quyết (Ảnh: V.N) |
Trong Công văn có đề xuất 3 hình thức thi tuyển viên chức đó là: thi tuyển, xét tuyển và xét tuyển đặc cách đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng.
Về trường hợp giáo viên hợp đồng các huyện, Ban chỉ đạo tuyển dụng công chức viên chức thành phố đề xuất:
Xét đặc cách viên chức đối với những giáo viên đã có thời gian hợp đồng lao động tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế trong thời điểm hiện nay sẽ gặp những khó khăn sau:
Việc xét tuyển với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức (xét đặc cách) được quy định tại khoản 7 điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ. .
Tuy nhiên theo công văn cũng nói rõ việc xét tuyển đặc cách sẽ gặp phải nhiều khó khăn như chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung này và chất lượng, tính công bằng của giáo viên được đặc cách không được đảm bảo.
Mặc dù Bộ Nội vụ đã có ý kiến đề nghị tổ chức rà soát, thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động tuy nhiên việc triển khai vẫn đang dừng ở con số 0.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng: Họ vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào từ thành phố.
Đến thời điểm này việc tổ chức rà soát, thống kê số lượng giáo viên hợp đồng vẫn chưa diễn ra.
Cô Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng Sóc Sơn bày tỏ: “Đến thời điểm này chúng tôi vẫn phải đấu tranh cho quyền lợi của mình. Đấu tranh một cách cô độc.
Mặc dù đã có văn bản gửi qua gửi lại giữa các cơ quan tuy nhiên vấn đề về giáo viên hợp đồng vẫn chưa được giải quyết,
Tôi cũng biết thông tin Bộ Nội vụ đề nghị Hà Nội tổ chức rà soát, thống kê số lượng giáo viên hợp đồng để có một phương án hợp lý cho chúng tôi.
Nhưng đến thời điểm này thành phố vẫn chưa có động tĩnh gì. Chúng tôi rất sốt ruột”.
Mới đây giáo viên hợp đồng các Quận, huyện lại tiếp tục xuống Thủ đô cầu cứu (Ảnh: V.N) |
Việc Hà Nội loay hoay trong việc tìm một phương án giải quyết vấn đề của hơn 2000 giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố còn ảnh hưởng đến tiến độ của kỳ thi viên chức thành phố năm 2019.
Không chỉ có những giáo viên hợp đồng cảm thấy sốt ruột mà nhiều thí sinh đăng ký dự thi viên chức cũng có chung tâm trạng trên.
Chị Vũ Thị Mây cho biết: “Chúng tôi cảm thấy sốt ruột và bất an vì không biết rõ lịch cụ thể khi nào sẽ diễn ra kỳ thi viên chức.
Thời điểm này mọi người vẫn cố gắng ôn thi nhưng tâm trạng rất bất an và lo lắng. Chúng tôi cũng mong có một mốc thời gian cụ thể sẽ diễn ra kỳ thi để chúng tôi có phương án ôn tập tốt nhất”.
Xin lỗi! Nhưng chúng tôi không đợi được
Mặc dù có nhiều văn bản cũng như phát ngôn nói rằng: Sẽ xem xét các phương án giải quyết vấn đề của giáo viên hợp đồng thành phố.
Nhưng đến thời điểm này nhiều giáo viên đã không còn cơ hội để được xem xét giải quyết nữa vì đã bị cắt hợp đồng.
Hà Nội cũng nên nói một lời với hơn 2.000 giáo viên hợp đồngNội dung |
Theo thông tin từ các giáo viên hợp đồng Sơn Tây cung cấp. Hiện nay tại thị xã Sơn Tây đã có 3 trường chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Cụ thể:
Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn: 3 giáo viên bị cắt hợp đồng
Trường Trung học cơ sở Đường Lâm: 6 giáo viên bị cắt hợp đồng
Trường Trung học cơ sở Trung Hưng: 1 giáo viên bị cắt hợp đồng
Đơn cử các trường hợp của thầy Nguyễn Viết Tiến đã có 17 năm công tác tại Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn cũng mới bị cắt hợp đồng từ tháng 6/2019.
Điều đáng nói là trong suốt thời gian công tác nhiều giáo viên hợp đồng không được tham dự kỳ thi viên chức nào vì thị xã không có tổ chức (đối với một số môn).
Như vậy số giáo viên kia không có cơ hội được tham gia thi viên chức cũng không có cơ hội đợi một quyết định của thành phố.
Nhiều giáo viên tại các huyện khác cũng tâm sự: Họ sẽ bị cắt hợp đồng vào ngày 31/8/2019 tới đây.
Trước khi có quyết định chính thức về việc xử lý các trường hợp giáo viên hợp đồng thì nhiều thầy cô đã bị cắt hợp đồng từ tháng 6/2019 (Ảnh: V.N) |
Nếu như trong quãng thời gian này thành phố không đưa ra một phương án cụ thể giải quyết “nạn nhân lịch sử” thì số giáo viên hợp đồng này sẽ bị cắt hợp đồng.
Thầy Nguyễn Viết Tiến đại diện cho tiếng nói của giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây cho biết:
“Ngày 4/6/2019 tôi đại diện cho tập thể giáo viên hợp đồng ở ba cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở của Thị xã Sơn Tây có gửi đơn xin xét đặc cách vào viên chức giáo dục Hà Nội năm 2019 tới ông Nguyễn Đức Chung: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng của các cấp lãnh đạo Thành Phố.
Hiện nay trên địa bàn Thị xã Sơn Tây có 91 giáo viên hợp đồng ở ba cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Người hợp đồng ít nhất là 4 năm, người nhiều nhất là 23 năm.
Tôi thiết nghĩ 23 là nửa đời người, thậm chí có người là cả cuộc đời. Bản thân tôi công tác trong ngành giáo dục được 17 năm”.
Thầy Nguyễn Viết Tiến đại diện cho hơn 90 giáo viên hợp đồng huyện Sơn Tây mong thành phố có một cơ chế nhân văn (Ảnh: V.N) |
Đại diện giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây kêu gọi một cơ chế nhân văn dành cho các giáo viên hợp đồng:
“Chúng tôi được Ủy ban thị xã Sơn Tây ký hợp đồng liên tục và chúng tôi luôn hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chính vì vậy chúng tôi xin đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và hơn nữa chúng tôi mong ông Nguyễn Đức Chung hãy mở rộng lòng nhân ái, tình thương bao la, bao dung độ lượng xét đặc cách cho chúng tôi vào viên chức giáo dục Hà Nội năm 2019 theo tinh thần của Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012.
Đó là một quyết sách thấu tình đạt lý, mang tính nhân văn cao cả, thấu hiểu được “tiếng lòng” của toàn thể 91 giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây nói riêng và 2000 giáo viên hợp đồng thành phố Hà Nội nói riêng”.
Trên thực tế nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không còn có cơ hội đợi một phương án giải quyết của thành phố vì họ đã bị cắt hợp đồng. Số phận của các giáo viên hợp đồng còn lại vẫn còn là một dấu hỏi lớn.