Bốn nội dung yêu cầu báo cáo đều chạm đúng điểm yếu của các nhà trường hiện nay

05/03/2018 06:57
KIÊN TRUNG
(GDVN) - 4 nội dung yêu cầu của báo cáo đều “chạm” đúng vào những tồn tại, điểm yếu của các cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông lẫn đại học, cao đẳng hiện nay.

LTS: Bày tỏ quan điểm của mình trước bốn nội dung yêu cầu báo cáo về việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy giáo Kiên Trung đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong trường học như: duy trì hát quốc ca, tập thể dục đầu giờ, giữa giờ...

Theo đó công văn yêu cầu báo cáo cụ thể 4 nội dung sau:

Thứ nhất, báo cáo việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường, xây dựng và sử dụng khẩu hiệu trong khuôn viên trường học theo hướng dẫn tại Công văn số 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25/01/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, báo cáo việc thực hiện quy định về tổ chức cho học sinh, sinh viên trực tiếp lao động tập thể, vệ sinh lớp học và các công trình trong khuôn viên nhà trường.

Thứ 3, báo cáo tình hình thực hiện tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, tập thể dục tại chỗ và hô các khẩu ngữ cho học sinh, sinh viên sau khi tập thể dục; việc xây dựng và sử dụng các công trình thể thao phục vụ cho việc tập luyện của học sinh, sinh viên.

Bốn nội dung yêu cầu báo cáo đều chạm đúng điểm yếu của các nhà trường hiện nay ảnh 1Bộ Giáo dục yêu cầu báo cáo việc duy trì hát quốc ca trong nhà trường

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu báo cáo việc thực hiện và duy trì hát Quốc ca trong các Lễ chào cờ; tình hình tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường.

Là một thầy giáo, cán bộ giáo dục đang ở nhà trường phổ thông, tôi nhận thấy, 4 nội dung yêu cầu báo cáo nêu trên đều “chạm” đúng vào những tồn tại, điểm yếu của các cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông lẫn đại học, cao đẳng hiện nay.

Về nội dung thứ nhất, tôi đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25/01/2017 về hướng dẫn mang tính chất thống nhất, đồng bộ đối với tất cả cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước trong việc xây dựng, triển khai bộ quy tắc ứng xử và sử dụng các khẩu hiệu trong khuôn viên trường học. Tránh tình trạng tùy tiện mỗi trường mỗi kiểu chẳng giống ai, nơi có, nơi không.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào mức độ quan tâm, nhắc nhở, đôn đốc và kiểm tra của các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Ban giám hiệu các nhà trường sau một năm văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực.

Nói thật, nhiều địa phương, nhà trường, vì mải mê với các hoạt động dạy - học, chuyên môn, các phong trào thi đua, thi cử mà đang hời hợt, xem nhẹ nhiệm vụ, yêu cầu này.

Các cấp quản lý giáo dục thử kiểm tra thực tế sẽ thấy, còn không ít trường chưa hình thành, thống nhất được bộ quy tắc ứng xử, chưa nói gì đến chuyện áp dụng trong thực tiễn, công việc.

Các khẩu hiệu thì ôi thôi đủ kiểu, cũ nát, xiêu vẹo, treo lung tung, chữ được chữ mất, đứng sát đọc chẳng ra chữ, đứng xa thì chịu thua….

Theo tôi, khẩu hiệu trong khuôn viên trường học là cần thiết nhưng cũng không nên lạm dụng quá nhiều, đụng đâu cũng có. Đối với thầy cô giáo và các em học sinh chỉ cần vài ba khẩu hiệu là đủ rồi.

Tất nhiên, phải phù hợp, thẩm mỹ, ngắn gọn đồng thời gửi gắm, truyền tải được các giá trị, ý nghĩa đến mọi người gắn với từng giai đoạn phát triển của nhà trường.  

Những nội dung yêu cầu báo cáo đề chạm đúng điểm yếu của các nhà trường hiện nay (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
Những  nội dung yêu cầu báo cáo đề chạm đúng điểm yếu của các nhà trường hiện nay (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).

Về nội dung tổ chức cho học sinh, sinh viên trực tiếp lao động tập thể, vệ sinh lớp học và các công trình trong khuôn viên nhà trường.

Có thể nói, một số địa phương, trường học đã, đang thực hiện khá, tốt. Đơn cử như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường học trên địa bàn không thuê dịch vụ làm việc này, chỉ thuê dịch vụ tại các khu vực như khu vệ sinh, sân trường.

Định kỳ tổ chức các buổi lao động tập thể với sự tham gia của cả giáo viên, nhân viên và học sinh, nhằm tạo ý thức lao động, giữ vệ sinh chung và tạo cảnh quan sư phạm.

Báo chí từng phản ánh, là trường đầu tiên tại Hà Nội đào tạo theo chuẩn giáo dục Hoa Kỳ, cơ sở vật chất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, Trường phổ thông liên cấp Olympia vẫn duy trì hoạt động dọn vệ sinh trường lớp sau mỗi buổi học cho học sinh từ khối 1 đến khối 12. Đây cũng là một hoạt động học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh lớp học.

Tại Trường phổ thông liên cấp Olympia, hoạt động trực nhật được chia làm nhiều mức độ khác nhau phù hợp với lứa tuổi:

Học sinh tiểu học lau bàn ghế, sắp xếp lại ngăn bàn, gấp giẻ lau bảng, sắp xếp bàn ghế…, lớp 4 có thêm nhiệm vụ lau hành lang, lớp học và hút bụi.

Từ cấp 2, học sinh sẽ làm thêm một số công việc như lau bàn ghế, dọn nhà ăn và giúp các cô chú tại bộ phận nhà ăn chia cơm cho học sinh các khối lớp khác.

Bốn nội dung yêu cầu báo cáo đều chạm đúng điểm yếu của các nhà trường hiện nay ảnh 3Sao không có "Giáo dục lao động và đức tính trung thực"?

Lãnh đạo nhà trường luôn xác định công việc này cũng giống như nhiệm vụ học tập.

Ở tỉnh Bắc Giang, hầu hết các trường học, cấp học, nhất ở vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa, việc dọn vệ sinh lớp học, sân trường đều do học sinh đảm nhiệm.

Tôi từng có dịp đến tham quan Trường đại học Tôn Đức Thắng ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy vệ sinh, môi trường, khuôn viên nơi đây rất sạch, đẹp và ý thức lao động, bảo quản cơ sở vật chất, môi trường, vệ sinh của đại bộ phận sinh viên nhà trường khá tốt.

Tuy vậy, công tác nêu trên ở nhiều cơ sở giáo dục từ bậc phổ thông đến cao đẳng, đại học chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Do đó, các dãy phòng học, phòng thí nghiệm từ ngoài hành lang đến vào bên trong đầy bụi bặm, mạng nhện đu bám, rác, giấy, chai, lọ, bao bóng...tứ tung.

Còn nhà vệ sinh dành cho học sinh, sinh viên thì khỏi phải nói, đi chưa tới cửa đã không chịu nổi mùi hôi, mùi khai...bốc lên rồi....

Lấy lý do, phụ huynh không cho con em bẩn chân tay, áo quần, hoặc sợ xảy ra rủi ro trong lao động, quét dọn, lau chùi, chỉ chuyên tâm học hành, bài vở.

Nhà trường, thầy cô giáo đỡ tốn thời gian, công sức phân công, nhắc nhở, quản lý, kiểm tra việc trực tiếp lao động, vệ sinh của các em nên nhiều cơ sở giáo dục đã làm trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tự thỏa thuận với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và tập thể lớp tiến hành "dịch vụ hóa" hoạt động này, tức thuê người ngoài, bảo vệ nhà trường làm, cuối tháng thanh toán tiền cho họ.

Trường, lớp có sạch sẽ, tươm tất nhưng lại mất hẳn đi tính giáo dục, rèn luyện trực tiếp học sinh, sinh viên biết, yêu lao động và có ý thức, trách nhiệm trong bảo quản vệ sinh môi trường chung.               

Trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề cập đến hoạt động tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, tập thể dục tại chỗ và hô các khẩu ngữ cho học sinh, sinh viên sau khi tập thể dục và đã tổ chức tập huấn cho các thầy cô giáo dạy môn thể dục ở các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, trên thực tế ở các địa phương vẫn diễn ra tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Mới lúc đầu thì hăng hái, nhiệt tình lắm nhưng lúc về sau lại thả nổi, bỏ bê, được chăng hay chớ...

Nhiều học sinh, sinh viên sau những tiết học, buổi học rất cần và muốn được vận động, tập thể dục tập thể, đúng cách để hồi phục, giảm bớt mỏi mệt, cải thiện sức khỏe, tinh thần.

Bốn nội dung yêu cầu báo cáo đều chạm đúng điểm yếu của các nhà trường hiện nay ảnh 4Không ít trường đã quên sự tồn tại của Hoạt động ngoài giờ lên lớp

Song nhà trường, tổ, nhóm thể dục thể chất chỉ "diễn" được một thời gian ngắn, rồi "lặng" luôn mà không có một lý do, thông báo chính thức nào.

Các vị ở trên hãy đi kiểm tra thực tế, đột xuất tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn mình quản lý sẽ thấy họ đã thực hiện như thế nào, ra sao nhé, chớ ngồi một chỗ phòng lạnh và chớ vội tin khi đọc xong các báo cáo, kế hoạch của cấp dưới gửi lên.

Tình trạng, trên bảo dưới không nghe, nói một đằng làm một nẻo, thậm chí chẳng làm gì cả...không phải là hiện tượng hiếm ở cấp cơ sở.   

Cuối cùng về nội dung thực hiện và duy trì hát Quốc ca trong các Lễ chào cờ, tình hình tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường. 

Ở vế thứ nhất, thực hiện và duy trì hát Quốc ca trong các Lễ chào cờ, nhìn chung các nhà trường chấp hành và triển khai nghiêm túc trong các tiết chào cờ...

Còn ở vế thứ hai, tình hình tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường đang có dấu hiệu rời rạc, kém hiệu quả, không thu hút được đội viên, đoàn viên, thanh thiếu niên nhiệt tình, say mê...trong các hoạt động, phong trào.

Nhiều cán bộ đoàn, đội chuyên trách và kiêm nhiệm càng cằn cỗi, chậm chạp, nghèo nàn, mỏi mệt với công việc, hoạt động mà mình đang phụ trách.

Hoạt động chuyên môn, dạy - học chính khóa, dạy - học thêm cùng với vô số nhiệm vụ liên quan đến thi cử, chỉ tiêu, thi đua, thành tích, báo cáo, họp hành, tập huấn... ở các đơn vị trường học phổ thông, cứ liên tục vây bủa, thúc bách thầy cô giáo, các em học sinh thì lấy đâu thời gian, tâm huyết nữa để họ dành cho những hoạt động mang tính phòng trào, tập thể như đoàn, đội? 

KIÊN TRUNG