Các chuyên gia giáo dục ủng hộ mạnh tay với tiêu cực ở Bắc Giang

12/06/2012 11:29
Bích Thảo (Tổng hợp)
(GDVN) - Vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang đã thực sự gây ra một cú sốc lớn đối với nền giáo dục Việt Nam. Nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu đã phải thốt lên rằng quá đau lòng và thất vọng khi xem clip gian lận trong thi cử.
Các chuyên gia giáo dục mổ xẻ nguyên nhân tiêu cực ở Đồi Ngô

PGS. Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã phải thốt lên rằng thực sự đau lòng và thấy đáng buồn khi xem những clip gian lận thi cử tại Bắc Giang.

PGS. Trần Xuân Nhĩ phải thốt lên rằng thực sự đau lòng và đáng buồn khi xem Clip gian lận thi cử
PGS. Trần Xuân Nhĩ phải thốt lên rằng thực sự đau lòng và đáng buồn khi xem Clip gian lận thi cử

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ gốc rễ của vấn đề là đạo đức của nhiều bộ phận trong xã hội đang ngày càng xuống cấp. Ông nói: “Trước tiên là đạo đức của không ít người thầy giáo ngày càng bị tha hóa. Những con người không đủ tư cách, làm việc thiếu trách nhiệm và không đạt được yêu cầu của một người thầy.
Những người thầy được giao nhiệm vụ trông coi thi nhưng lại không làm đúng trách nhiệm của mình. Nếu thầy được giao nhiệm vụ mà làm việc nghiêm túc, theo đúng quy chế thi cử trong phòng thi thì làm sao mà thí sinh có thể gian lận được. Có lẽ ở  đây còn có một động cơ nào đó như việc thành tích giữa các trường khác.
Nguyên nhân thứ hai, một phần cũng là do nhiều học sinh thiếu đạo đức, thiếu ý thức, học giả nhưng muốn bằng thật. Hiện nay không thiếu gì học sinh chỉ thích chơi bời, nhưng khi thi cử lại muốn mình được điểm cao, được lên lớp. Và tất nhiên là khi không chịu bỏ công sức mà lại mong có kết quả tốt thì ắt sẽ xảy ra tiêu cực, gian lận.
Ngoài ra việc thi cử của chúng ta quá bị xem nặng thành ra lại đổ áp lực lên các nhà trường cũng như cho các em học sinh. Một kì thi nặng nề về điểm số và thành tích chỉ tạo điều kiện cho gian lận, tiêu cực sinh sôi mà thôi”.
Một người tâm huyết và thường xuyên có những đóng góp cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam là PGS. Văn Như Cương lại đánh giá sự việc tiêu cực ở Đồi Ngô là vô cùng nghiêm trọng.

Theo ông đây là việc làm có tính hệ thống, được dàn dựng, móc nối, thông đồng từ trước. Không những thế, ông còn cho rằng, việc làm này của Trường THPT DL Đồi Ngô có nguyên nhân sâu xa từ lợi ích kinh tế.

PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh
PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh

Ông phân tích: “Những giáo viên của Trường Đồi Ngô không có nhiệm vụ coi thi ở lại trường làm công tác phục vụ trường thi, nhưng thực chất là được bố trí ở lại để giải đề ném cho thí sinh chép. 
Các giám thị coi thi làm ngơ cho thí sinh lộng hành, vậy đây cũng là một điểm cần phải làm rõ, xem họ có được hưởng quyền lợi gì về mặt kinh tế không mà lại dễ dãi đến thế”.

PGS.TS Phạm Sỹ Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ sau Đại học chỉ ra rằng sự buông lỏng kỷ cương của cơ sở giáo dục, hội đồng thi, sự coi thường kỷ cương pháp luật của một số giảng viên cũng như lãnh đạo trường mà chưa bị xử lý một cách thích đáng cũng chính là yếu tố dẫn đến việc tiêu cực ngày càng trầm trọng như hiện nay.

Cần giải quyết tận gốc vấn đề

Các chuyên gia đề tin rằng không chỉ riêng ở Hội đồng Đồi Ngô, Bắc Giang xảy ra hiện tượng tiêu cực này chắc chắn ở nhiều hội đồng thi khác cũng có hiện tượng tiêu cực như thế này. Liệu rằng có thể đẩy lùi căn bệnh này, làm thanh sạch hệ thống giáo dục Việt Nam?

PGS. Trần Xuân Nhĩ
PGS. Trần Xuân Nhĩ

PGS. Trần Xuân Nhĩ ra hướng giải quyết: “Theo tôi cần phải xử lí một cách nghiêm khắc những người trong clip, những người gian lận trong thi cử, những người thầy, người học trò tiêu cực. Phải làm nghiêm thì mới mong cảnh cáo được những người khác không làm việc gian lận như vậy nữa”

GS. Phạm Sỹ Tiến cho rằng trách nhiệm loại bỏ gian lận khỏi thi cử là trách nhiệm tất cả mọi người và muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì cần sự chung tay của toàn xã hội. Ông nói: “Xã hội cần phải chung tay, góp sức mới đẩy lùi được nạn tiêu cực trong giáo dục được. Và cũng cần nhiều hơn nữa những người dám đứng lên chống tiêu cực như thầy Khoa hay em học trò ở Bắc Giang.

Nhưng trước tiên hãy nghiêm túc kiểm điểm xem có phải chỉ ở hội đồng thi Đồi Ngô, Bắc Giang xe biển xanh có đến nhưng chỉ loáng thoáng bên ngoài? Khi bị phát hiện có lộn xộn, tiêu cực thì đoàn thanh tra, kiểm tra có bị kỷ luật gì không? Chúng ta cần có cơ chế kiểm tra, thanh tra của quần chúng tích cực mới mong có một nền giáo dục trong sạch và phát triển được”.

PGS. Văn Như Cương lại bày tỏ quan điểm rằng, Bộ GD&ĐT nên xem lại cách tổ chức thi tốt nghiệp hiện nay. "Theo tôi, nên tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hơn, chứ không nên căng thẳng quá như vậy, nó khiến biết bao gia đình vất vả mà suy cho cùng hiệu quả chúng ta đạt được lại không cao, không lấy gì làm vẻ vang. Một năm, hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học gần nhau, làm tốn kém rất nhiều tiền của. Năm nay, đề thi tốt nghiệp đã nhẹ hơn, ấy thế mà vẫn cứ có tiêu cực, mà lại là tiêu cực có liên quan đến nhiều người thì rõ ràng là cần xem lại khâu tổ chức".

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng) để hạn chế trong tiêu cực thi cử trước hết phải làm cho người học thấy được vai trò mình là người tự giác học, có học mới có kiến thức, không có chuyện cả năm không học và chỉ ngồi đợi đối phó với kỳ thi. Nếu vẫn còn tình trạng “ngồi chờ” này thì chuyện “nóng” trong thi cử sẽ không thể chấm  dứt. 

Cần tuyên dương HS quay clip tố cáo gian lận

Sau khi tố cáo những gian lận trong thi cử tại Bắc Giang học sinh quay clip đang rất lo lắng sợ bị đánh trượt trong kì thi. Lưỡng quốc Tiến sĩ Đỗ Văn Khang đã lên tiếng bảo vệ học sinh này, ông cho rằng: "Trong khi các em ấy đã làm thay việc mà Bộ giáo dục nên làm, trong những kỳ thi quan trọng cần có camera theo dõi. Hơn nữa, sự việc này được phát hiện tạo ra hiệu ứng tích cực góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Như vậy, việc các em làm đáng được tuyên dương chứ không phải xử phạt. Nếu kỷ luật các em thì tiêu cực sẽ ngày càng mạnh vì không ai dám đứng ra chống tiêu cực nữa".

Cũng đồng quan điểm cần phải bảo vệ người đã dũng cảm đứng lên tố cáo tiêu cực. PGS.Văn Như Cương cho rằng nếu chúng ta không bảo vệ người dũng cảm, mà lại khép họ vào tội này tội khác, trong khi biết rõ hành động này không phải vì vụ lợi cho cá nhân thì chẳng còn ai muốn đấu tranh với cái xấu nữa.

GS. Nguyễn Minh Thuyết
GS. Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết một người luôn tận tâm với nền giáo dục nước nhà thì cho rằng cần phải giải quyết nghiêm, dứt điểm vụ việc ở Đồi Ngô để có thể làm gương cho cả nước. Đối với học sinh "gian lận" để chống tiêu cực GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Nếu thi hành kỷ luật thí sinh đã cung cấp bằng chứng về vụ tiêu cực này thì điều đó sẽ triệt tiêu ý chí của những người muốn chống tiêu cực trong ngành giáo dục nói riêng và các ngành khác nói chung".

Thiết nghĩ Bộ Giáo dục & Đào tạo cần lắng nghe hơn nữa ý kiến của những người thầy tâm huyết, từng gắn bó với ngành giáo dục để có những cách giải quyết hiệu quả nhất. Đồng thời, chính người dân cần phải nghiêm khắc tố cáo tiêu cực và cùng nhau đẩy lùi căn bệnh gian lận này ra khỏi hệ thống giáo dục Việt Nam.



Bích Thảo (Tổng hợp)