Các góc khuất tiêu cực trong kỳ thi ở Hà Giang, Sơn La có được làm rõ?

11/09/2019 06:32
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Nếu chỉ dừng lại ở việc truy tố, xét xử đối với một số nhà giáo và vài cán bộ an ninh liên quan trực tiếp đến vụ án thì khó có thể đáp ứng kỳ vọng của dư luận!

Hơn một năm qua kể từ ngày phát hiện ra tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã là khoảng thời gian chờ đợi quá lâu của toàn xã hội về việc đem ra xét xử những người liên quan đến tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Ngày đem các bị can ra xét xử hiện đã cận kề bởi theo dự kiến thì ngày 16/9 tỉnh Sơn La sẽ xét xử và ngày 18/9 sẽ đến lượt Hà Giang. Liệu những góc khuất, sự nghi ngờ của dư luận lâu nay có được làm sáng tỏ hay không?

Ông Trần Xuân Yến và các đồng phạm của mình chuẩn bị được đem ra xét xử (Ảnh : VTV.vn)
Ông Trần Xuân Yến và các đồng phạm của mình chuẩn bị được đem ra xét xử (Ảnh : VTV.vn)

Dư luận xã hội đang trông chờ tòa án của 2 địa phương này sẽ làm rõ được động cơ, mục đích chính khi các bị can nâng điểm cho các thí sinh và những phụ huynh, những người liên quan cũng phải được đưa ra ánh sáng nhằm lập lại kỷ cương, phép nước và vực dậy uy tín cho ngành giáo dục.

Đối với Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm, đây là địa phương có ít thí sinh bị nâng điểm nhất trong 3 tỉnh đã xác định có tiêu cực. Thế nhưng, số lãnh đạo Sở Giáo dục lại có nhiều người tham gia và liên quan đến tiêu cực hơn 2 địa phương còn lại.

Chỉ riêng dàn lãnh đạo Sở Giáo dục Sơn La bị truy tố là 5 người. Trước khi bị truy tố, bắt giam thì họ đang gánh một trọng trách rất quan trọng, đó là: ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục;

Ông Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); bà Nguyễn Thanh Nhàn (Phó Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục);  bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí);

Bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị Sở Giáo dục). Ngoài ra, còn có ông Đặng Văn Thủy (Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Tô Hiệu)

Ngoài những lãnh đạo Sở đã bị truy tố thì lãnh đạo Sở Giáo dục Sơn La cũng còn nhiều người khác liên quan vào thời điểm xảy ra tiêu cực, đó là ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở- người bị tố là gửi 8 thí sinh).

Các ông: Nguyễn Duy Hoàng (Phó giám đốc Sở), Phan Ngọc Sơn  (Chánh Thanh tra Sở Giáo dục), Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng giáo dục trung học) thì có con được nâng điểm.

Không chỉ những lãnh đạo Sở, lãnh đạo nhà trường có liên quan mà có 2 cán bộ công an đã bị truy tố và nhiều phụ huynh đang là cán bộ, công-viên chức của địa phương này liên quan đến việc nâng điểm của các thí sinh.

Điều đáng lưu tâm nhất là một số bị can ở Sơn La đã khai nhận tiền của phụ huynh, của người trung gian và họ đã nộp lại cho cơ quan điều tra nhiều tỉ đồng. Có điều, phụ huynh đa phần “chỉ nhờ xem điểm trước” mà thôi. Không biết số tiền các bị can đã nộp lại được lấy từ đâu?

Đối với Hà Giang được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên mức độ hậu quả không lớn bằng 2 địa phương còn lại. Nhưng, điểm nhấn của địa phương này là số lượng thí sinh được phát hiện nhiều nhất với 107 thí sinh và 309 bài thi.

Có điều là 2 bị can trực tiếp là ông Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai với cơ quan điều tra là việc nâng điểm là do quen biết, bạn bè, người thân nên không có “yếu tố tiền bạc” trong việc nâng điểm cho 107 thí sinh- đây cũng là điều mà dư luận xã hội băn khoăn nhiều nhất!

Đã mất niềm tin, đừng làm mất niềm tin thêm nữa!

Đến thời điểm này, niềm tin vào một bộ phận cán bộ, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục của Hà Giang, Sơn và Hòa Bình đã làm mất đi niềm tin của người dân cả nước mà đặc biệt là người dân ở 3 địa phương này.

Những người trực tiếp nâng điểm mất uy tín, mất niềm tin với nhân dân đã đành, người “nhờ xem điểm trước”, người có con được nâng điểm mà đang tại vị càng khiến người dân thêm mất niềm tin hơn.

Các góc khuất tiêu cực trong kỳ thi ở Hà Giang, Sơn La có được làm rõ? ảnh 3Phiên tòa tại Sơn La làm rõ được động cơ nâng điểm thì mới thuyết phục!

Niềm tin còn đâu nữa khi họ nói một đàng mà làm một nẻo, niềm tin còn đâu nữa khi họ là cán bộ lãnh đạo mà lại đi trục lợi cho bản thân, gia đình mình, bất chấp tất cả.

Phiên tòa tới đây, những người được đem ra xét xử, những người liên quan đến việc nhờ vả, gửi gắm, những người có con được nâng điểm đa phần là lãnh đạo, những người có vị thế trong một số cơ quan, đơn vị của nhà nước.

Những thí sinh có cha mẹ là người lao động rất hiếm, nếu có cũng là người thân của một số bị can đã bị truy tố.

Vì thế, vụ án trong tuần tới thì các bị can đều đã từng là lãnh đạo, là đảng viên, là những người có một thời ngang dọc ở ngành giáo dục. Họ là Phó Giám đốc Sở, Trưởng phòng, bèo lắm cũng là chuyên viên, Phó hiệu trưởng nhà trường.

Những phụ huynh thì có người là Giám đốc, Phó giám đốc Sở, Phó chủ tịch huyện, thành phố…thậm chí có phụ huynh là Bí thư tỉnh ủy.

Nếu chỉ dừng lại ở việc truy tố, xét xử  đối với một số nhà giáo và một số cán bộ an ninh liên quan trực tiếp đến vụ án thì khó có thể đáp ứng kỳ vọng của dư luận. Lòng dân sẽ không bao giờ đồng tình với điều đó.

Những thông tin mà cơ quan chức năng đề nghị xử lý kỷ luật đối với các phụ huynh có con được nâng điểm xem chừng vẫn chưa thực sự làm yên lòng dư luận.

Việc Sơn La và Hà Giang đem vụ án tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 xét xử trong tuần tới là điều mà người dân đang chờ đợi. Nhưng, có lẽ sự chờ đợi nhiều nhất là những phụ huynh có con được nâng điểm sẽ được xử lý như thế nào?

Chừng nào mà họ vẫn còn nói "nhờ xem điểm trước" hoặc "không biết vì sao con được nâng điểm" thì niềm tin của người dân vẫn chưa tin vào việc xử lý nghiêm minh như một số lãnh đạo đã từng phát biểu, chia sẻ với báo chí trong thời gian qua.

NGUYỄN CAO