Các nhà xuất bản đang tăng tốc quảng bá bộ sách giáo khoa mới của mình

20/12/2019 06:48
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Những gì mà chúng ta thấy là cuộc chạy đua của các nhà xuất bản đang tìm cách để quảng bá, nhấn mạnh những ưu điểm, lợi thế về bộ sách giáo khoa của mình.

Còn khoảng 8 tháng nữa là Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện giảng dạy ở lớp 1 và điều mà chúng ta đang thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng là các nhà xuất bản đang ráo riết quảng bá bộ sách giáo khoa của mình.

Các nhà xuất bản đang gửi các thông điệp về những ưu điểm, lợi thế về bộ sách giáo khoa mà đơn vị mình biên soạn, xuất bản. Chính vì thế, khi đọc những bài báo về sách giáo khoa mới trong những ngày qua, chúng ta không khó để nhận ra một cuộc chạy đua ngầm có phần khốc liệt đang diễn ra.

Các tác giả sách giáo khoa Cánh Diều giới thiệu bộ sách của mình (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Các tác giả sách giáo khoa Cánh Diều giới thiệu bộ sách của mình (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Lợi thế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang tạm chững lại

Nếu đem so sánh 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với bộ sách mang tên “Cánh Diều” thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có phần lợi thế hơn.

Bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có hệ thống phân phối, phát hành sách giáo khoa ở khắp các địa phương.

Thế nên, ngay sau khi các bộ sách được Bộ phê duyệt thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tọa đàm, giới thiệu sản phẩm của mình đến nhiều địa phương như: Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai…

Nhưng, lợi thế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang tạm thời bị chững lại bởi “sự cố” chi tiền thù lao cho 11 lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bị phanh phui, dư luận lên tiếng.

Ủy ban nhân nhân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về sự việc này.

Nhiều bài báo, nhiều chuyên gia lên tiếng về việc lãnh đạo Sở nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì khó có thể chọn sách khách quan, minh bạch cho địa phương mình.

Các nhà xuất bản đang tăng tốc quảng bá bộ sách giáo khoa mới của mình ảnh 2Cán bộ nhận tiền của Nhà xuất bản nói thẳng ra là đi đêm với nhau để chọn sách

Chính vì sự “lấn cấn” cho sự cố này nên thời gian gần đây, việc tổ chức, tọa đàm, giới thiệu 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có phần yên ắng hơn.

Những lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng ít đăng đàn để quảng bá những sản phẩm của mình.

Thay vào đó, chúng ta đang thấy sự xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với tần suất dày đặc hơn của lãnh đạo nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa “Cánh Diều” trong những ngày qua.

Bộ sách “Cánh Diều” nơi tụ hội của phần lớn những người viết chương trình môn học

Thông qua các buổi tọa đàm và những chia sẻ của người trong cuộc, chúng ta được biết, bộ sách “Cánh Diều” là bộ sách có 100% bản mẫu được Hội đồng Thẩm định Quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận tuyệt đối, không có bản mẫu sách giáo khoa nào bị loại.

Không chỉ vậy,  bộ sách “Cánh Diều” còn là bộ sách duy nhất hiện nay có đầy đủ sách giáo khoa dành cho tất cả các môn học của lớp 1 theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thầy Đỗ Đức Thái – Chủ biên sách giáo khoa môn Toán lớp 1 chia sẻ: “Điểm thành công lớn nhất của bộ sách là được viết ra bởi những người làm chương trình. Bộ sách được viết lần đầu tiên vào năm 2015 và đã được thực nghiệm rất nhiều lần”.

Còn thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới- Chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 thì cho biết: "Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Công ty VEPIC đã chuẩn bị rất chu đáo.

Bởi, họ mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó có Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Chủ biên Chương trình các môn Ngữ văn, Toán, Vật lí, Địa lí, Hóa học, Khoa học tự nhiên, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, tham gia biên soạn sách giáo khoa".

Chính sự phối hợp, chuẩn bị công phu của đơn vị chủ quản khi mời được phần lớn thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, đây lại là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên, nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Ban thẩm định nên trong buổi đọa đàm ngày 17/12 thì chúng ta thấy các tác giả đã nói đến rất nhiều ưu điểm.

Sự cạnh tranh thị trường sách giáo khoa trong những năm tới có gay gắt?

Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh trong kinh doanh là điều tất yếu giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một sản phẩm, cùng hướng vào một thị trường tiêu thụ.

Nhất là sách giáo khoa tới đây sẽ có sự vào cuộc của một số Nhà xuất bản chứ không còn sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhưng, sản phẩm sách giáo khoa khác với những sản phẩm đơn thuần khác bởi người sử dụng sản phẩm này là học sinh và giáo viên. Người mua sách giáo khoa là phụ huynh học sinh và các nhà trường.

Hơn nữa, Chương trình mới xác định “chương trình” mới là quan trọng nhất còn sách giáo khoa chỉ là “tư liệu” cho chương trình môn học.

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra cho thấy sự cạnh tranh của các nhà xuất bản dù âm thầm nhưng cách phát biểu, chia sẻ của người trong cuộc và cả sự “đi đêm” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy đang có phần khốc liệt.

Chọn bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản nào đối với các nhà trường, các địa phương trong thời gian tới có lẽ sẽ không đơn thuần là chất lượng sách và cũng không hẳn là vì học sinh và các giáo viên ở các nhà trường!

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sach-toan-hien-hanh-phai-giao-su-toan-hoc-co-trinh-do-tot-moi-hieu-het-duoc-post205481.gd

//viettimes.vn/co-gi-moi-trong-bo-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-dau-tien-374214.html

//viettimes.vn/bo-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-dau-tien-chinh-thuc-ra-mat-376042.html

NGUYỄN CAO