Các trường học sẽ thực hiện bằng cách nào để mỗi lớp không quá 20 học sinh?

23/04/2020 06:29
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ban giám hiệu nhà trường muốn, thầy cô muốn, phụ huynh muốn, học sinh cũng muốn nhà trường bố trí mỗi phòng học dưới 20 học sinh nhưng bố trí bằng cách nào?

Ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid- 19 có chiều hướng lắng xuống thì có những địa phương đã bắt đầu cho học sinh một số cấp đi học trở lại. Nhiều địa phương cũng đã có kế hoạch cho học sinh đi học vào đầu tuần tới hoặc đầu tháng 5 tới đây.

Dù chúng ta đều biết trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay thì việc học sinh đi học trở lại được bố trí sĩ số ít, các em ngồi xa nhau là rất cần thiết.

Nhưng, các trường sẽ bố trí như thế nào đây khi sĩ số học sinh đông mà trường lớp đã đang học 2 buổi/ngày.

Sĩ số học sinh của nhiều trường đang quá tải nên rất khó bố trí dưới 20 em/ lớp (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sĩ số học sinh của nhiều trường đang quá tải nên rất khó bố trí dưới 20 em/ lớp

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trước đến nay thì cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp.

Cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông không quá 45 học sinh/ lớp. Và, nhiều trường lâu nay đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động của các nhà trường phổ thông không phải bao giờ cũng tuân thủ được theo hướng dẫn của Bộ vì trường lớp thì cố định mà có nhiều nơi thuộc khu vực đô thị, khu công nghiệp thì sĩ số học sinh luôn tăng lên nên từ lâu đã có nhiều trường quá tải.

Đa phần ở các khu vực này có sĩ số vượt mức quy định của Bộ, nhiều lớp tiểu học trên 50 học sinh/lớp, thậm chí có những nơi gần 70 học sinh/lớp.

Các cấp học còn lại cũng có sĩ số trên 50 học sinh/ lớp và các lớp học này vẫn thường phải sử dụng 2 cuốn sổ gọi tên ghi điểm.

Những khó khăn này, từ lâu đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng một số nơi vẫn chưa thể khắc phục được.

Chính vì vậy, nhiều địa bàn hiện nay dẫn đến tình trạng quá tải sĩ số trong mỗi lớp học. Học sinh phải ngồi học sát sàn sạt với nhau bởi đa phần diện tích các lớp học hiện nay dao động khoảng trên dưới 50m2 mà thôi.

Khó khăn là vậy nhưng thầy và trò các trường học vẫn đang phải đối mặt hàng ngày trong nhiều năm qua và cũng chưa biết bao giờ các cơ quan chức năng mới giải quyết xong bài toán này.

Vậy nên, dù Bộ quy định sĩ số rất cụ thể nhưng trong thực tế thì chỉ có những khu vực miền núi và một số trường ở khu vực nông thôn thực hiện theo đúng hướng dẫn về bố trí sĩ số mà ngành quy định.

Các trường học sẽ thực hiện bằng cách nào để mỗi lớp không quá 20 học sinh?  ảnh 2Toàn bộ học sinh, học viên, sinh viên ở Cà Mau có thể đi học lại từ tuần tới

Mới đây, khi mà một số tỉnh như Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hóa cho học sinh đi học trở lại thì Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Trong đó, ông Độ cho rằng: “Để đảm bảo giãn cách xã hội, yêu cầu học sinh phải đảm bảo khoảng cách ngồi là 1,5m và phải tách lớp học. Những trường có lớp học quá đông học sinh phải tách làm đôi hoặc hơn nữa để giúp cho học sinh đảm bảo trong phòng học không quá 20 em. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo  sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể với các địa phương trong điều kiện cụ thể có dịch thì sẽ thêm một số các yêu cầu đảm bảo môi trường an toàn”.

Chúng tôi cho rằng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói không sai, thậm chí rất đúng trong tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng nó không phù hợp với tình hình thực tế tại các nhà trường.

Vì sao chúng tôi lại nói chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Độ không thực tế và không phù hợp? Bởi, dưới cơ sở sẽ không thể nào bố trí được sĩ số như những gì mà lãnh đạo ngành giáo dục yêu cầu.

Nhìn từ thực tế, chúng ta thấy hiện nay đa phần các trường học phổ thông hiện nay đang bố trí dạy cả 2 buổi/ngày vì không đủ trường lớp để các trường dạy 1 buổi.

Vì vậy, khi học sinh các cấp đi học trở lại thì cũng chừng ấy học sinh so với trước khi nghỉ để phòng chống dịch bệnh.

Vậy, các nhà trường sẽ bố trí ra sao nếu thực hiện theo đúng tính thần mà lãnh đạo Bộ mong muốn, chỉ đạo đây?

Ban giám hiệu nhà trường muốn, thầy cô muốn, phụ huynh muốn, học sinh cũng muốn nhà trường bố trí mỗi phòng học dưới 20 học sinh nhưng bố trí bằng cách nào khi mỗi lớp hiện tại đã đang vượt trần quy định của Bộ?

Chẳng hạn như lớp học đang có sĩ số 50 học sinh, bây giờ bố trí dưới 20 học sinh/lớp thì nó sẽ tăng số lớp học lên rất nhiều. Vì từ sĩ số 1 lớp học cũ sẽ phải bố trí thành gần 3 lớp học mới.

Các trường học sẽ thực hiện bằng cách nào để mỗi lớp không quá 20 học sinh?  ảnh 3Thanh Hóa cho học sinh đi học trở lại từ 21/4

Nhưng, trường lớp thì địa phương không bố trí thêm, học sinh tiểu học đã học 5 buổi/tuần, 2 cấp phổ thông còn lại học 6 buổi/tuần thì làm sao nhà trường có trường, lớp để mà bố trí đây?

Để giải quyết những khó khăn và đề phòng dịch bệnh còn khó lường thì ngành giáo dục cần phải thực tế hơn bởi tình hình trường lớp của các địa phương ở một số nơi còn quá tải

Vì thế, các địa phương cho học sinh đi học trở lại khi thấy trường học thực sự an toàn.

Khi học sinh đi học thì nhà trường luôn đề cao cảnh giác về dịch bệnh và có những khuyến cáo cần thiết về y tế cho các em học sinh.

Đặc biệt, nhân viên y tế của nhà trường cần theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh và đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường.

Hàng ngày, học sinh đến trường phải đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, được chuẩn bị các loại nước sát khuẩn, chuẩn bị các nơi rửa tay, vệ sinh đầy đủ. Khuyến cáo học sinh hạn chế tụ tập, trò chuyện và hạn chế tối đa các hoạt động tập thể trong nhà trường.

Còn chuyện “đảm bảo khoảng cách ngồi là 1,5m và phải tách lớp học. Những trường có lớp học quá đông học sinh phải tách làm đôi hoặc hơn nữa để giúp cho học sinh đảm bảo trong phòng học không quá 20 em” thì có lẽ sẽ khó thực hiện được đối với tất cả các trường học- dù ai cũng muốn điều này nhưng vì “lực bất tòng tâm”...

Tài liệu tham khảo:

//www.tienphong.vn/giao-duc/thu-truong-bo-giao-duc-tro-lai-lop-hoc-sinh-ngoi-cach-nhau-15-m-1646003.tpo

NHẬT DUY