Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư

06/07/2018 08:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Phó giám đốc sở đến trường Lương Thế Vinh kiểm tra lúc 10 giờ 30 sáng 3/7 thì 11 giờ 30 cùng ngày, Hiệu trưởng trường này mới nhận lệnh lên Sở lấy công văn.

Trong bài viết "Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội?", chúng tôi đã phân tích 3 nguyên nhân chính gây nên "náo động truyền thông" về việc tuyển sinh lớp 10 tại một số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội năm nay.

Giá như Sở Giáo dục Hà Nội cung cấp phổ điểm kịp thời, quy định thời hạn nộp hồ sơ nhập học rộng rãi như thành phố Hồ Chí Minh và không có sự khai thác sự kiện có phần thái quá từ truyền thông, có lẽ đã không xảy ra những cơn sốt.

Ở bài viết này, chúng tôi xin phân tích kỹ hơn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh qua công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 về việc tuyển sinh lớp 10 tại trường này, do Phó Giám đốc sở Phạm Văn Đại ký.

Đồng thời chúng tôi cũng phân tích làm rõ trách nhiệm 3 bên, cha mẹ học sinh rút hồ sơ - nhà trường - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hy vọng những chuyện buồn trong giáo dục Thủ đô như thế này sẽ không còn lặp lại trong những kỳ tuyển sinh tới.

Sự can thiệp thô bạo từ một công văn

Công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 về việc tuyển sinh lớp 10 tại trường Lương Thế Vinh, do Phó Giám đốc sở Phạm Văn Đại ký.

Công văn này chỉ nêu lý do Sở nhận được phản ánh của một số báo về việc tuyển sinh năm học 2018-2019 của trường Lương Thế Vinh, nhưng không đưa ra bất kỳ căn cứ pháp lý, không viện dẫn bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào để chỉ đạo nhà trường phải "hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ".

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Phó giám đốc Phạm Văn Đại ký, được cho là đã gửi cho truyền thông rồi Sở mới triệu lãnh đạo trường Lương Thế Vinh lên Sở lấy văn bản.
Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Phó giám đốc Phạm Văn Đại ký, được cho là đã gửi cho truyền thông rồi Sở mới triệu lãnh đạo trường Lương Thế Vinh lên Sở lấy văn bản.

Tại trường Lương Thế Vinh, khi cha mẹ học sinh đến nộp hồ sơ xin nhập học cho con đều được thông báo rõ ràng các khoản thu, tư vấn việc chọn trường theo điểm số và nguyện vọng;

Đồng thời nhà trường cũng lưu ý cha mẹ học sinh cân nhắc nộp hồ sơ vào trường này, bởi khi rút hồ sơ ra các khoản tiền sẽ không được trả lại, mà chuyển vào Quỹ Khuyến học của nhà trường.

Thông tin này cũng đăng công khai trên website của trường Lương Thế Vinh ngay từ đầu.

Đó là một thỏa thuận dân sự hợp pháp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, nằm trong quyền tự chủ tài chính của các trường tư thục, quy định tại Luật Giáo dục hiện hành, Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật dân sự.

Quyền tự chủ tài chính của các trường tư thục, trong đó có thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh về các khoản thu, được chính các lãnh đạo khác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thừa nhận. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng khi trả lời báo chí về vụ việc một số cha mẹ học sinh rút hồ sơ nhập học tại trường Tạ Quang Bửu, Lương Thế Vinh, đã khẳng định:

Theo quy định, trường ngoài công lập tự chủ về tài chính và được phép tự chủ trong tuyển sinh. Nhà trường thay đổi điểm chuẩn là tùy quyết định của ban giám hiệu sau khi căn cứ vào số lượng hồ sơ nộp về.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, ảnh: vnuf.edu.vn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, ảnh: vnuf.edu.vn.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Văn Cẩn nói rất rõ với báo chí: 

Những trường này (các trường tư thục nói chung, trường Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Từ, Nguyễn Tất Thành nói riêng, người viết chú thích) được tự thỏa thuận với phụ huynh về vấn đề đóng góp và học phí. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không có quyền can thiệp vào vấn đề này.

Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng Phạm Quốc Toản trả lời trên Báo Nhân Dân:

Việc trường Lương Thế Vinh niêm yết công khai trên website nhà trường các khoản phải đóng góp khi nộp hồ sơ nhập học và lưu ý cha mẹ học sinh sẽ không được trả lại các khoản tiền này nếu rút hồ sơ là dựa trên quan hệ thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện.

Không ai ép được các vị cha mẹ học sinh này, vì con họ chưa phải học sinh của nhà trường.

Trường ngoài công lập tự chủ về tài chính, về tuyển sinh, ngoài việc thực hiện mục tiêu giáo dục họ còn là doanh nghiệp, thế nên học sinh thực sự là khách hàng, là tự nguyện, không ai ép buộc được.

Ngay trong công văn số 1353/SGDĐT-QLT ngày 13/4/2018 về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2018-2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do chính thầy Phạm Văn Đại ký, cũng không có điều khoản nào yêu cầu các trường tư thục phải trả lại các khoản cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp khi nộp hồ sơ nhập học cho con vào trường tư.

Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư ảnh 3

Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp

Mục 3. Rút hồ sơ trong công văn này còn ghi rõ:

Học sinh trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường trung học phổ thông (công lập hoặc ngoài công lập), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ.

Việc một số cha mẹ học sinh muốn rút hồ sơ nhập học từ trường này chuyển qua trường khác, gần như mùa tuyển sinh nào ở Hà Nội cũng có.

Như vậy nếu trường nào không trả hồ sơ nhập học cho cha mẹ học sinh hoặc gây khó khăn cho họ trong việc rút hồ sơ, mới vi phạm quy định của Sở.

Những trường hợp như vậy cần lên án, thậm chí xử lý theo quy định.

Còn việc một số cha mẹ học sinh muốn rút hồ sơ nhập học từ trường tư thục chuyển sang trường khác đồng thời đòi lại các khoản đóng góp tự nguyện đã thỏa thuận, là vi phạm thỏa thuận.

Sự chạy đôn chạy đáo của một số cha mẹ học sinh muốn rút hồ sơ khỏi trường Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu...năm nay chính là bởi quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về thời hạn nộp hồ sơ nhập học "nội trong 3 ngày" vào các trường công lập.

Thời gian gấp gáp như vậy đã gây khó khăn cho việc rút hồ sơ của một số cha mẹ học sinh này, cũng như chính các trường bị rút hồ sơ, điều cả hai không ai mong muốn.

Ví dụ điển hình là thành phố Hồ Chí Minh giới hạn thời gian nộp hồ sơ nhập học trong 22 ngày, nên đã không xảy ra tình trạng lộn xộn như ngoài Hà Nội. 

Giá mà Hà Nội cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về phổ điểm cho cha mẹ học sinh, đồng thời cho phép nộp hồ sơ nhập học trong khoảng thời gian rộng rãi thay vì 3 ngày, có lẽ đã không xảy ra sự cố đáng tiếc. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới.
Giá mà Hà Nội cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về phổ điểm cho cha mẹ học sinh, đồng thời cho phép nộp hồ sơ nhập học trong khoảng thời gian rộng rãi thay vì 3 ngày, có lẽ đã không xảy ra sự cố đáng tiếc. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới.

Thiết nghĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần rút kinh nghiệm nghiêm túc về công tác tổ chức thi cử, chứ không phải chạy theo sự bức xúc của một số cha mẹ học sinh và một vài cơ quan báo chí để Phó giám đốc Phạm Văn Đại ra công văn chỉ đạo trái khoáy, can thiệp thô bạo xuống nhà trường như vậy.

Nếu theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Cẩn, thì chỉ đạo nói trên của Phó Giám đốc Phạm Văn Đại là phạm vào điều "Sở không được quyền can thiệp", yêu cầu đó của thầy Đại là trái luật.

Ứng xử "như cha mẹ dân" với trường tư?

Ngoài chỉ đạo nội dung chỉ đạo trái khoáy nói trên, cách chỉ đạo của lãnh đạo Sở cũng có nhiều vấn đề, theo chúng tôi cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Ngày 4/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Văn Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết:

10 giờ 30 phút ngày 3/7, bà Văn Thùy Dương được tiếp một vị Phó giám đốc Sở, ông Lê Ngọc Quang, cùng 2 cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đến trường Lương Thế Vinh làm việc về các thông tin báo chí phản ánh.

Vị Phó giám đốc Sở thông báo cho cô Văn Thùy Dương rằng, Sở vừa ký văn bản gửi trường sáng 3/7 (Công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018). 

Ngay lúc đó phóng viên báo VnExpress đã gọi điện cho bà Văn Thùy Dương để phỏng vấn về nội dung công văn này và cho biết, báo đã nhận được công văn nói trên.

Nhưng thời điểm đó trường Lương Thế Vinh chưa nhận được văn bản, bà Văn Thùy Dương còn đang tiếp lãnh đạo Sở, vừa mới được ông thông báo về công văn này.

Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư ảnh 5

Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình"

11 giờ 30 phút ngày 3/7, thầy Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh mới nhận được cuộc điện thoại của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bảo ông cử người lên Sở để lấy văn bản. 

Bà Văn Thùy Dương cho hay, đây không phải lần đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gọi các trường lên Sở lấy văn bản chỉ đạo, thay vì gửi đến các trường (qua email, qua bưu điện) như thông lệ.

Chưa nói tới nội dung công văn chỉ đạo này đã gây thiệt hại về tài chính cho trường Lương Thế Vinh, trường Tạ Quang Bửu, mà quan trọng hơn nó còn khiến dư luận hiểu sai về trách nhiệm tuân thủ thỏa thuận của một số cha mẹ học sinh rút hồ sơ nhưng muốn đòi lại tiền.

Chỉ từ một số trường hợp ấy, đang có những người quy chụp cho 2 trường này "chụp giật", "phản giáo dục", "không thể chấp nhận"...trên truyền thông, thậm chí có người còn mạt sát nhà trường và cán bộ tuyển sinh khi rút hồ sơ, trong khi lúc nộp hồ sơ xin học lại tỏ ra rất tử tế.

Những tổn thất về mặt tinh thần và uy tín từ cách chỉ đạo này của thầy Phạm Văn Đại không hề nhỏ.

Nó có thể làm méo mó cách nhìn của xã hội về các trường tư thục nói chung, những cơ sở đang gánh thay Nhà nước một phần trách nhiệm lo chỗ học cho con em nhân dân Thủ đô mà lâu nay một lời động viên từ Sở cũng chẳng được.

Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách hành chính theo hướng kiến tạo và phục vụ, cách làm việc của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần xem lại, nhất là với các nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Đó không chỉ là văn hóa ứng xử tối thiểu, mà còn là trách nhiệm của các công bộc của dân, chứ không phải "cha mẹ dân".

Cha mẹ học sinh rút hồ sơ và không đòi tiền "đặt cọc" thể hiện lòng tự trọng

Bà Văn Thùy Dương cho biết, có phụ huynh con thi được 51,5 điểm, nguyện vọng 1 vào trường Kim Liên, bà đã tư vấn rằng mức điểm ấy năm nay vào Kim Liên chắc chắn đỗ.

Nhưng vị phụ huynh này vẫn băn khoăn, nếu mà không đỗ thì sao? Bà Dương đã nói với vị này, nếu mà không đỗ thì quay về Lương Thế Vinh, nhà trường sẽ nhận nếu còn chỉ tiêu.

Bây giờ nếu nộp hồ sơ nhập học vào Lương Thế Vinh, cha mẹ học sinh sẽ không được trả lại các khoản tiền đã đóng góp nếu họ rút hồ sơ, và nếu nhà trường không đáp ứng được việc trả hồ sơ ngay cho vị này khi cần, mọi việc nhỡ nhàng, rất khổ.

Vị phụ huynh ấy vẫn quyết định nhập học cho con vào Lương Thế Vinh và vui vẻ chấp nhận các điều khoản thỏa thuận, vì hiểu rõ sự việc.

Thông báo của trường Lương Thế Vinh được niêm yết, đăng tải công khai.
Thông báo của trường Lương Thế Vinh được niêm yết, đăng tải công khai.

Thế nhưng cũng có một số cha mẹ học sinh khi đến với nhà trường xin nhập học cho con tỏ ra rất hăm hở, rất tử tế;

Có người được nhà trường tư vấn rõ ràng, 49 điểm chắc chắn đỗ trường Thăng Long năm nay và gia đình nên cân nhắc, cứ chờ trường Thăng Long công bố điểm chuẩn đã.

Vị này vẫn khăng khăng chỉ "yêu trường" và muốn cho con họ học Lương Thế Vinh.

Ngày hôm sau có điểm chuẩn các trường công lập, vị này đến rút hồ sơ với thái độ khác hẳn, thậm chí coi các thày cô ở ban tuyển sinh "như một thứ mạt hạng".

Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cứ can thiệp như công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018, sẽ dẫn đến thái độ rất tệ hại với giáo dục, với nhà trường, với thầy cô giáo từ một số vị cha mẹ học sinh.

Trong khi đó, thời điểm trường Lương Thế Vinh bắt đầu nhận hồ sơ nhập học, có rất nhiều người muốn gửi con em họ vào đây sau khi đã tìm hiểu kỹ càng.

Cho nên, để đảm bảo hạn chế tối đa hồ sơ ảo mỗi kỳ tuyển sinh, các trường tư thục bắt buộc phải có những điều khoản thỏa thuận với cha mẹ học sinh một cách công khai, minh bạch về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, trong đó có nghĩa vụ về tài chính.

Những khoản đóng góp này thực chất là một khoản đặt cọc chỗ học cho con với một số cha mẹ học sinh đang tìm kiếm phương án an toàn nhất khi lo lắng khả năng trượt trường công lập.

Vô hình trung, khi nhận những hồ sơ này đã khiến các học sinh khác thực sự muốn học tại trường Lương Thế Vình mất đi cơ hội, vì chỉ tiêu có hạn;

Nhà trường cũng mất đi cơ hội tuyển được những học sinh thực sự tìm hiểu kỹ càng và sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường lâu dài.

Trường Lương Thế Vinh đã trả lời một số vị cha mẹ học sinh muốn rút hồ sơ, công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 về việc tuyển sinh lớp 10 tại trường chỉ có hiệu lực từ ngày 3/7 nên nhà trường sẽ xem xét đề nghị của Sở từ ngày 3/7. 

Không phải đề nghị nào của Sở (trong công văn thầy Phạm Văn Đại "yêu cầu"), trường cũng phải thực hiện, vì thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh là một thỏa thuận dân sự đúng luật;

Tôn trọng thỏa thuận mình đã đặt bút ký vào sau khi được tư vấn, tìm hiểu kỹ càng chính là sự tự trọng với chính mình và tôn trọng nhà trường.

Hồng Thủy