Cậu học trò nghèo và khát vọng đổi đời trên con đường tri thức

12/09/2017 06:09
Phan Tuyết
(GDVN) - Nguyễn Văn Quang ở xóm Bái Mồ xã Quảng Nhân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đành gác lại ước mơ trở thành kĩ sư vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đạt điểm thi cao nhất khối A của lớp chọn 12T1 Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (Thanh Hóa), em Nguyễn Văn Quang đã đăng ký vào Học viện Kĩ thuật quân sự.

Thực ra, Quang ước mơ trở thành kĩ sư Ngành Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa (Đại học Bách Khoa Hà Nội), nhưng vì gia đình quá khó khăn nên em đành gác lại ước mơ. 

Sáng lên lớp, chiều hái rau, vớt bèo

Đến thôn Bái Mồ, xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) hỏi Quang sẽ thấy nhiều người dân nói về em bằng sự cảm phục, yêu quý.

Người khen em ngoan hiền học giỏi, người thì ước ao mình có được một đứa con như thế. Người lại khen ba mẹ em có phúc và khéo nuôi dạy con.

Tìm hiểu thêm về gia cảnh nhà em mới thấy những lời khen mà nhiều người dành cho Quang chẳng sai tí nào.

Em Nguyễn Văn Quang (xóm Bái Mồ, xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá). Ảnh: Phan Tuyết.
Em Nguyễn Văn Quang (xóm Bái Mồ, xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá). Ảnh: Phan Tuyết.

Em là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ em, bà Lê Thị Thiệu đã mắc căn bệnh sỏi mật hơn 10 năm nay nên sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng không thể làm được các công việc nặng.

Đã thế, mẹ thường xuyên đi viện nên tiền thuốc thang hàng tháng cũng rất tốn kém. Kinh tế gia đình đều đổ dồn lên vai người bố.

Nguồn thu chính chỉ là ba sào ruộng bạc màu. Những năm được mùa, gạo cũng tạm đủ ăn, nhưng nơi này hàng năm vẫn thường hay gánh chịu nạn thiên tai lũ lụt nên phải cải thiện kinh tế bằng cách nuôi heo, nuôi gà.

Thương mẹ sức yếu, lại muốn bố yên tâm đi làm thêm bên ngoài kiếm tiền nuôi anh trai Quang học đại học, lo tiền chữa bệnh cho mẹ, nên ngay từ khi học cấp 2, một buổi đến trường, buổi còn lại Quang chăm bầy heo hơn 10 con với vài chục con gà.

Cậu học trò nghèo và khát vọng đổi đời trên con đường tri thức ảnh 2

Nữ sinh lớp 11 gồng mình chống chọi với bạo bệnh mong sớm được đến trường

Ở nhiều vùng quê nghèo, các gia đình thường phải tận dụng việc hái rau, băm bèo nấu với cám để giảm chi phí mới mong có lời.

Gia đình Quang cũng nuôi heo theo cách ấy. Ngoài thời gian đến trường, em dành nhiều thời gian ở ngoài đồng hái rau, vớt bèo.

Về nhà, em còn kiêm luôn biết bao công việc khác như: nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc khi mẹ bệnh… Em nói mình thường ngồi vào bàn học lúc 8 giờ 30 phút khi mọi việc đã kết thúc.

Hạnh phúc vì có thầy cô luôn ở bên

Có lẽ do làm nhiều nên suốt thời cấp 1, cấp 2, Quang học cũng không nổi trội gì. Nói về điều này, thầy Lê Văn Cường - giáo viên dạy môn Vật Lý của em ở Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 cho biết: “Quang thật ra rất thông minh nhưng do gia đình quá khó khăn, mải làm nên cũng chưa phát huy hết năng lực.

Vào cấp 3 sau vài tháng, giáo viên của trường đã phát hiện ra em rất nổi trội về các môn Toán, Lý, Hóa nên thầy cô đã tập trung vào bồi dưỡng, giúp đỡ”.

Quang được vào học lớp chọn của trường, được học tăng cường ở lớp 27 điểm mà theo thầy Lê Văn Dỵ - Hiệu trưởng nhà trường: “Lớp 27 điểm nhà trường mở ra để ôn luyện kiến thức nâng cao theo năng lực của học sinh trên tinh thần tự nguyện”.

Lớp 12, Quang đạt 2 giải 3 Toán và Lý cấp tỉnh. Tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, em đạt điểm 29.15 điểm (Toán 9.4, Lý 9.75 và Hóa 10).

Khi nghe chúng tôi hỏi "bí quyết học để đạt thành tích cao như thế?", Quang cho biết: “Gia đình em không có máy tính để tham khảo thêm các dạng bài trên ấy. Em chỉ học trong sách giáo khoa và học bồi dưỡng do chính thầy cô dạy trên trường”.

Cậu học trò nghèo và khát vọng đổi đời trên con đường tri thức ảnh 3

Mẹ chạy thận, con không có tiền đến lớp

Trầm tư hồi lâu, em nói tiếp: “Không nhờ sự quan tâm của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy thì em không thể có thành tích học tập tốt như vậy.

Tất cả kiến thức em có được đều do thầy cô của trường giảng dạy, em không đi học thêm ở ngoài, không học trên mạng vì gia đình em không có máy tính.

Thầy cô giáo trực tiếp dạy em ôn thi ở trường suốt 3 năm không lấy một đồng thù lao nào.

Thầy cô còn luôn hỏi han để biết được em đang gặp khó khăn gì, kịp thời an ủi, chia sẻ, động viên và giúp đỡ”.

Thầy Cường cho biết: “Thấu hiểu hoàn cảnh của Quang, nhà trường cũng luôn giúp đỡ em bằng những phần quà, những suất học bổng khi có nhà tài trợ và miễn toàn bộ học phí, tiền học phụ đạo cho em suốt 3 năm”.

Nói về ước mơ, Quang bảo rằng rất thích học Khoa Điện tử Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trở thành kỹ sư, nhưng gia đình không có tiền để cho em theo học.

Ba, mẹ khuyên: “Để đỡ gánh nặng cho gia đình, để con tiếp tục có thể theo học nên đăng kí vào Học viện Kỹ thuật quân sự”. Và, Quang đã quyết định lựa chọn theo lời khuyên của ba, mẹ để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Thực ra, giữa ước mơ và thực tế luôn có một khoảng cách khó mà với tới, nhưng ở ngôi trường mà Quang không có ý định lựa chọn từ đầu lại rất có thể sẽ là nơi mang đến nhiều tốt đẹp cho em.

Chia tay Quang, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh một cậu bé có dáng dấp thư sinh, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn là một nghị lực sống mạnh mẽ.

Em đã biết vươn lên trong cuộc sống gia đình còn nghèo khó để chinh phục con đường tri thức với khát vọng sẽ đổi đời.

Hy vọng sự chia sẻ, động viên của mọi người sẽ là động lực mạnh mẽ giúp em vững bước đi trên con đường mình đã chọn.

Phan Tuyết