Chậm chỉ đạo đặc cách, Hà Nội đang làm khổ giáo viên, làm khó các trường

14/01/2020 06:29
Vũ Ninh
(GDVN) - Sự chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề đặc cách giáo viên khiến cho các trường rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan do thiếu giáo viên.

Cô giáo T.T.H, giáo viên huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vừa nhận thêm công việc phụ trách Đoàn đội. Do nhiều năm không công tác trong lĩnh vực này khiến cô H. gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do được nhà trường đưa ra do giáo viên phụ trách lĩnh vực này bị cắt hợp đồng cho nên không có người thay thế. Cô H. chỉ là một trong nhiều giáo viên phải làm thêm công việc, tăng tiết dạy từ ngày 1/1/2020.

Giáo viên Hà Nội “ngậm cay, nuốt đắng”, Công đoàn Giáo dục ở đâu?
Giáo viên Hà Nội “ngậm cay, nuốt đắng”, Công đoàn Giáo dục ở đâu?

Toàn huyện Phúc Thọ có gần 200 giáo viên hợp đồng.

Nhưng từ ngày 1/1/2020 Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ không có quyết định gia hạn hợp đồng cho giáo viên.

Do vậy số giáo viên này đã chuyển sang chế độ thỉnh giảng và không được đóng bảo hiểm.

Sự chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề đặc cách cho giáo viên hợp đồng đã đẩy giáo viên và các trường vào thế khó.

Đối với giáo viên, trước tiên họ bị mất cơ hội được đặc cách, sau đó họ bị cắt hợp đồng, thu nhập giảm trong khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Đối với các trường, khó khăn lớn nhất của họ là thiếu giáo viên. Trong khi chờ đợi thông báo rõ ràng từ Thành phố, từ Huyện bắt buộc họ phải vá víu bằng cách thuê lại chính giáo viên (đã cắt hợp đồng) về thỉnh giảng và san sẻ gánh nặng cho các giáo viên biên chế khác.

Như vậy giáo viên đang từ hợp đồng chuyển sang thỉnh giảng. Trong khi khối lượng công việc của họ thì không thay đổi. Có thể dễ dàng nhận thấy ở đây người chịu thiệt thòi lớn nhất là giáo viên hợp đồng và cũng làm khó các trường.

Thiếu giáo viên, các trường phải thuê thỉnh giảng giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)
Thiếu giáo viên, các trường phải thuê thỉnh giảng giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Một vị hiệu trưởng tại Phúc Thọ tâm sự: “Ngoài chuyện nhân văn thì việc cắt hợp đồng giáo viên đẩy chỉnh các trường vào thế khó. Trước tiên là chúng tôi thiếu giáo viên chuyên môn. Các công việc khác cũng được bàn giao cho giáo viên hiện có của nhà trường. 

Nhà trường cũng rất mong Ủy ban Nhân dân huyện và Thành phố sớm có chỉ đạo để dứt điểm tình trạng này. Chứ để như này không chỉ khổ giáo viên mà còn khổ cả các trường”.

Liệu có sự thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm từ Ủy ban Nhân dân huyện chuyển sang cho các trường?

Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng, giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ cho biết: 

“Hiện nay Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ chưa có văn bản thông báo tiếp tục hợp đồng cho giáo viên cho nên toàn bộ số giáo viên hợp đồng đã chuyển sang chế độ bảo hiểm và không được đóng bảo hiểm nữa.

Có một số trường đến ngày 13/1/2020 đã quyết định cho giáo viên nghỉ việc. Lý do đưa ra là do không có ngân sách chi trả và huyện chưa có thông báo tiếp tục hợp đồng.

Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như chế độ, quyền lợi của giáo viên. 

Bản thân Ủy ban Nhân dân huyện là cơ quan quản lý, sử dụng lao động mà khi cho nghỉ chỉ bằng lời nói, không có một văn bản nào để hợp thức hóa vấn đề này”.

Thành phố Hà Nội đang làm khó giáo viên, làm khổ các trường (Ảnh:V.N)
Thành phố Hà Nội đang làm khó giáo viên, làm khổ các trường (Ảnh:V.N)

Hiện nay, hầu hết các trường công tại Hà Nội đều là trường chưa tự chủ tài chính. 

Điều này được được ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội gián tiếp thừa nhận:

“Qua rà soát ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đều khẳng định, mặc dù các trường hợp giáo viên có thời hạn lao động hợp đồng 5 năm trở lên nhưng đều là lao động hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ bảo đảm chi thường xuyên”.

Như vậy đồng nghĩa việc ký hợp đồng và ngân sách trả lương cho giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào Ủy ban huyện. 

Không được đóng bảo hiểm, giáo viên hợp đồng nguy cơ không được xét đặc cách
Không được đóng bảo hiểm, giáo viên hợp đồng nguy cơ không được xét đặc cách

Cho nên khi Huyện thông báo cắt hợp đồng của giáo viên ngay lập tức các trường gặp khó và phải tự bỏ tiền ra trả công cho hợp đồng thỉnh giảng.

Do vậy nhiều trường cũng mong muốn Thành phố sớm ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và giải quyết vấn đề đặc cách cho giáo viên hợp đồng.

Tại thời điểm này, sau văn bản hỏa tốc số 3269: Về việc công khai danh sách giáo viên hợp đồng thuộc đối tượng xét đặc cách theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cũng chưa có động thái gì mới trong việc chỉ đạo đặc cách cho giáo viên.

Với tình trạng kéo dài như hiện nay ít nhiều đã xáo trộn và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của Thủ đô. Thứ nhất là nhiều trường hiện đang thiếu giáo viên. 

Thứ hai nhiều giáo viên bị cắt hợp đồng cũng chưa thể yên tâm công tác khi tâm lý hoang mang, lo sợ không biết tương lai như thế nào?

Không chỉ riêng huyện Phúc Thọ mà nhiều Quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã ra thông báo cắt hợp đồng của giáo viên. Lý do chung chung các địa phương đưa ra là đợi chỉ đạo của Thành phố rồi mới ra thông báo tiếp theo.

Mong chờ quyết định xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)
Mong chờ quyết định xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)

Hệ quả không chỉ có một mà nhiều trường đang gặp khó do thiếu giáo viên. Trong khi đó các thầy cô chỉ được nhận mức công từ 35.000 đồng – 50.000 đồng/ tiết.

Một chính sách khi đưa ra bị o bế có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn con người. Không biết tiếp theo Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo việc giải quyết đặc cách cho giáo viên hợp đồng như thế nào? 

Nhưng hậu quả nhãn tiền trực tiếp đẩy hàng trăm giáo viên hợp đồng vào tình cảnh khó khăn khi Tết đến, Xuân về.

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây giãi bày: “Đối với những giáo viên bị cắt hợp đồng và mời thỉnh giảng lại cuộc sống rất khó khăn. Với mức công chỉ khoảng 50.000 đồng làm thế nào chúng tôi sống được. Trong khi đó nhiều huyện lại ra quyết định cắt hợp đồng ngay thềm Tết đến, Xuân về. Tôi cho rằng việc cắt hợp đồng giáo viên ngay trước Tết là một quyết định không nhân văn”.

Câu chuyện giáo viên hợp đồng tại Hà Nội kêu cứu cũng phơi bày nhiều điểm yếu kém trong công tác tuyển dụng viên chức, giáo viên. Hệ quả là hàng chục năm nay vẫn có nơi giáo viên không được đóng bảo hiểm, lương thấp, phải bươn trải đủ nghề để có thu nhập. Những câu chuyện đằng sau “nghề cao quý” thật chua xót!

Vũ Ninh