Chuyển hướng đầu tư ngân sách giáo dục từ cơ sở sang người học

13/10/2019 07:12
Tùng Dương
(GDVN) - Chúng ta cứ rót ngân sách cho các cơ sở công lập, còn các cơ sở dân lập phải tự đầu tư, nhưng thực tế họ lại không được hưởng lợi từ chính sách của nhà nước.

Ngày 9/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao”.

Tới dự Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ quan điểm về vấn đề này:

Thay đổi cơ chế tài chính, tại sao tôi nói điều này? Tôi nhìn thấy hướng phát triển Y tế sẽ vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giáo dục của chúng ta cũng vậy, phải vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thay đổi tư duy từ chỗ chuyển đầu tư cho cơ sở sang đầu tư cho đại học, tính đúng tính đủ.

Những đối tượng nào mà nhà nước bao cấp thì bao cấp cho đủ nữa, những đối tượng nào được bao cấp một phần thì sẽ tính kiểu đó, và những đối tượng nào không được bao cấp thì phải tự chi trả đầy đủ.

Thay đổi cơ chế tài chính sẽ tạo ra một sự cạnh tranh, việc chế độ chính sách đối với các nhà giáo, cũng như là vấn đề tính toán cơ sở vật chất của các cơ sở Giáo dục thì chuyện đó cũng là bài toán.

Thay vì chuyện bây giờ chúng ta cứ rót mãi ngân sách cho các cơ sở công lập, trong khi các cơ sở dân lập họ phải tự đầu tư rất nhiều, nhưng việc họ hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước trên phương diện giấy tờ thì có, nhưng thực tế thì lại không.

Nhưng nếu ta thay đổi cơ chế tài chính thì khi học sinh chạy vào đâu thì tiền sẽ vào đấy, và lúc bấy giờ trường nào tốt sẽ thu hút được học sinh, và phân cấp những trường có chất lượng đến đâu sẽ được thu học phí đến đó.

Đối với người dân thì nhà nước có khả năng đến đâu sẽ chi trả đến đấy, còn nếu muốn học chất lượng cao hơn thì họ phải đóng góp tiền vào để hưởng dịch vụ cao hơn.

Không ngại vấn đề trường chuyên vì đó là nơi đào tạo nhân tài, nhà nước muốn đào tạo nhân tài thì đầu tư vào đó cho thành trường đẳng cấp cao, và như vậy sẽ tránh được hàng loạt các tiêu cực như chạy trường, chạy lớp…rồi chuyện lạm thu, dạy thêm học thêm cũng từ thay đổi cơ chế tài chính sẽ không xảy ra... 

Tất cả những văn bản từ nghị quyết Trung ương 2 về Giáo dục từ năm 1996 cho tới nay thì thấy rõ đường lối của Đảng đi vượt thời đại, đây là kết quả tư duy sáng tạo của rất nhiều người thì mới ra được văn bản trúng, đúng và vượt tầm thời đại như vậy.

Những việc đi vào cuộc sống như thế này thì đường lối đã rất rõ, nhưng thể chế hóa đường lối thì có vấn đề, vấn đề ở cơ sở thực hiện những văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cũng như là những quy định về quy phạm pháp luật là có vấn đề.

Tùng Dương