Chuyện kể của người thầy vừa thoát kiếp chạy hợp đồng như chạy cơm từng bữa

16/07/2016 07:16
Bài và ảnh: Thủy Phan
(GDVN) - Hè người ta được nghỉ ngơi, mình thì lo sốt vó kiếm tiền chạy chữa xin hợp đồng mới. Đi dạy mà lương được bao nhiêu vừa lo xin hợp đồng hết.

Nói về sự khó khăn, bấp bênh của giáo viên hợp đồng có lẽ không lời nào có thể diễn tả hết.

Có những người thầy vì hoàn cảnh quá khó khăn nhưng phải “chạy” hợp đồng từng năm để bám trụ, họ đã từng có ý định bỏ nghề đi làm thuê.

Sốt vó “chạy” hợp đồng từng năm

Đi làm đã 5-6 năm nay, cả hai vợ chồng đều giáo viên nhưng đến bây giờ cuộc sống của gia đình thầy Nguyễn Quốc Chung (một giáo viên ở tỉnh Quảng Bình) mới bớt khó khăn hơn chút ít.

Thầy Chung may mắn được biên chế cách đây 1 năm sau thời gian 5 năm làm giáo viên hợp đồng, còn vợ thầy là cô Hương hiện vẫn dạy hợp đồng từng năm một, nay đây mai đó.

Nhớ lại khoảng thời gian khi đang là giáo viên hợp đồng, thầy Chung cho biết, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất mà thầy từng trải qua.

5 năm liên tục phải hợp đồng từng năm một, tiền lương không được bao nhiêu nhưng thiệt hại thì vô kể.

Thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên lại sốt vó "chạy" hợp đồng mới
Thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên lại sốt vó "chạy" hợp đồng mới

Có những thời điểm thầy đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề đi làm thuê kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Thầy Chung tâm sự: “Bố mẹ tôi là nông dân chỉ trông cậy vào mấy sào ruộng nên chuyện tiền nong lúc đó đối với tôi rất khó khăn, cứ phải tiêu trước tính sau. Có nhiều lúc tôi nghĩ mình không theo nổi cái nghề này nữa, tính kiếm nghề nào khác làm có tiền hơn để nuôi sống gia đình.

Nhưng nghĩ đến công sức, tiền bạc bố mẹ bỏ ra nuôi mình ăn học là lại thấy tiếc, rồi lại cố gắng. Hồi đó mà nhắc đến tiền là tôi thấy sợ lắm, vì năm nào cũng phải  vay mượn để bám đuổi cái nghề.

Trong khoảng thời gian làm hợp đồng, tôi đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Thế đó, cái nghề được gọi là cao quý nhất trong những nghề cao quý đó”, thầy Chung nói.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không có mối quan hệ nên để vượt qua ải hợp đồng, không cách nào khác là thầy phải tự mình phấn đấu, rồi đi học thêm văn bằng hai, rồi nhiều thứ “...” nữa.

Bao nhiêu năm phấn đấu, ao ước của vợ chồng thầy Chung vẫn chưa trọn vẹn. Cô Hương (vợ thầy Chung) 3 năm đi dạy thì mỗi năm dạy một nơi vì không xin được hợp đồng dài hạn.  

“Cứ thấy trường nào có chỗ trống là nhảy vào xin, mà không được nữa thì đành chịu. Hè người ta được nghỉ ngơi, mình thì lo sốt vó kiếm tiền chạy chữa xin hợp đồng mới.

Đi dạy mà lương được bao nhiêu vừa lo xin hợp đồng hết. Tốt nghiệp ra trường, nợ bố mẹ vay ngân hàng cho đi học còn chưa trả được, lại còng lưng vay tiền để xin hợp đồng.

Bây giờ chồng tôi đã vào biên chế nên đỡ được một khoản tiền xin hợp đồng hàng năm, đỡ tiền quà cáp các dịp lễ rất nhiều chứ trước khổ lắm. Nhiều lúc anh ấy đã muốn bỏ nghề đi nước ngoài làm ăn vì nhìn bạn bè xung quanh ai cũng có nhà cửa, xe cộ đàng hoàng.

Giờ tôi chỉ mong có được một chỗ dạy ổn định để yên tâm công tác, nhưng có lẽ điều đó rất khó. Sắp tới, huyện có tổ chức thi công chức giáo viên, nếu có chỉ tiêu thì tôi cũng đăng ký thi, dù biết rằng mình ít cơ hội nhưng cứ thử vận may vậy”, cô Hương cho biết.

Thấp thỏm vì không biết được dạy đến lúc nào

Đánh giá về giáo viên hợp đồng, nhiều nhà lãnh đạo giáo dục cùng chung nhận xét rằng, những giáo viên này thường cảm thấy thấp thỏm, lo âu vì không biết mình được dạy đến lúc nào. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ.

Thầy Đinh Thiêm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hưng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, trường thầy vừa có hai giáo viên bị chấm dứt hợp đồng sau 1-2 năm công tác tại trường vì năm học tới trường đã tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên biên chế.

“Các thầy cô hợp đồng cơ bản thì vẫn được hưởng những chế độ đãi ngộ như các giáo viên khác theo chế độ hiện hành, có điều họ không được công tác lâu dài nên tâm lý họ thường không ổn định.

Đối với những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, Nhà trường cũng chỉ biết trả lương đầy đủ cho các cô, rồi động viên tinh thần thôi chứ trường cũng khó khăn nên không có gì để chia sẻ thêm cả”, thầy Thiêm nói.

Cũng như thầy Thiêm, thầy Võ Anh Tuân, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho rằng, đối với giáo viên hợp đồng, sự bấp bênh chỉ là một phần, còn tâm lý mới là điều đáng nói.

Những giáo viên này lúc nào cũng thấp thỏm vì không biết năm tới mình có được hợp đồng tiếp nữa hay không? Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ.

“Giáo viên hợp đồng khó khăn nhiều lắm, vì vậy mà chúng tôi luôn tạo điều kiện như được hưởng mọi chế độ như giáo viên chính thức, rồi quan tâm hơn đến chuyện ăn ở ... cho các thấy cô thấy an tâm và phần nào được an ủi để có động lực làm việc hơn. Điều này rất quan trọng ược Nhà trường đưa vào chỉ tiêu hết”, thầy Tuân cho biết.

Bài và ảnh: Thủy Phan