Có ai đi học từ xa giống tôi không?

11/06/2017 06:14
Thuận Phương
(GDVN) - “Có cả giáo viên đang trong thời gian ở cữ mà vẫn thi đỗ tốt nghiệp đấy. Chuyện học hộ, thi hộ là chuyện bình thường ở đây”.

LTS: Chia sẻ câu chuyện đi học từ xa của mình, tác giả Thuận Phương chỉ ra rất nhiều bất cập trong hình thức đào tạo này.

“Học giả nhưng thi thật”, muốn đạt điểm cao để tốt nghiệp thì học viên phải đóng quỹ lớp để đi thầy cô. Vì vậy, tính nghiêm túc và thực chất của hình thức đào tạo từ xa bị xem nhẹ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vốn là người ham học và có lực học khá tốt, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tôi đã ước ao sau này mình sẽ vào một trường đại học có tiếng nào đấy. 

Năm 1987 đúng vào năm tôi thi đại học, gia đình đã gặp biến cố về kinh tế nên ước mơ bước chân vào giảng đường bao năm đành gác lại. 

Học trung cấp sư phạm ra trường làm cô giáo tiểu học nhưng nỗi khát khao được ai đó gọi hai từ “sinh viên” vẫn cứ âm ỉ mãi trong lòng. 

Trước năm 2000 nghe tin có trường đại học ở miền Trung vào mở lớp đại học từ xa cho giáo viên tỉnh nhà. Mặc dù chưa biết nhiều về loại hình đào tạo này nhưng được đăng kí theo học với tôi đã là hạnh phúc.

Thực tế chất lượng đào tạo hệ từ xa không mang tính thực chất. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Thực tế chất lượng đào tạo hệ từ xa không mang tính thực chất. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Sau thời gian làm thủ tục, tôi nhận được kế hoạch học tập chi tiết như thời gian học là 3 năm nhưng học tập trung là 2 tháng hè với một số học phần quan trọng. 

Ngoài ra, chúng tôi phải tự hoàn thành một số môn học bằng cách soạn bài vào vở tự học và làm một số bài kiểm tra theo đề kiểm tra nhà trường gửi về.

Vì khao khát được học nên tôi cũng rất chăm chỉ nghiên cứu tài liệu. Tưởng ai cũng như mình nhưng tôi đã nhầm khi có một vài đồng nghiệp đến nhờ tôi làm bài hộ, mượn vở tự học của tôi để chép lại. 

Thấy mình tỏ ra lo lắng vì sợ bài giống nhau, đồng nghiệp an ủi “đừng lo, mấy người học khóa trước nói họ cũng làm thế mà có sao đâu”.

Năm đầu tiên ra nơi học tập trung, danh sách ghi tên rất đông nhưng nhiều người vắng mặt. 

Giảng viên chỉ vào dạy còn mọi chuyện đều do lớp trưởng quán xuyến điều hành. 

Có ai đi học từ xa giống tôi không? ảnh 2

Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa?

Đã có lần, tôi thắc mắc “học như thế lấy đâu kiến thức để thi?”, có người nhìn tôi cười mỉa mai, người bảo rằng tôi là đồ “ngố”, đồ “tẩm”, “mày trên cung trăng rớt xuống à”? Đã bảo là học “từ” thi “xa” mà cứ thắc mắc hoài.

Nghe mọi người nói thế sau này nghĩ ra mới thấy mình cũng ngố thật. Bởi họ nhanh nhạy nên đã tìm hiểu kĩ thông tin từ các bạn đồng nghiệp học khóa trước. 

Còn tôi vẫn cứ ôm ảo tưởng học là phải nghiêm túc mới có thể thi đỗ. Ít sau đó, cũng tình cờ nói chuyện về việc học với một số giáo viên khóa trước, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều mà mình không thể biết. 

Họ nói rằng, rảnh thì đi học tập trung, bận có thể ở nhà, miễn cứ nộp “tiền ngu” (tiền quỹ lớp) đầy đủ là được. 

Tôi còn nghe được những điều tưởng như là bí mật lại được nhiều người rỉ tai nhau: “Có cả giáo viên đang trong thời gian ở cữ mà vẫn thi đỗ tốt nghiệp đấy. Chuyện học hộ, thi hộ là chuyện bình thường ở đây”.

Lúc này thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng “tại sao lại phải nộp tiền quỹ nhiều như thế”. Hai năm đầu còn đỡ, năm cuối thi tốt nghiệp tiền quỹ đóng đến nóng cả mặt. 

Có đôi người tỏ ý không bằng lòng (trong đó có tôi) vì mình học hành nghiêm túc thì “làm sao phải thế?".

Có ai đi học từ xa giống tôi không? ảnh 3

Học đào tạo từ xa sẽ được ghi trong văn bằng tốt nghiệp

Nhưng “đã là sống trong một tập thể các anh chị phải tuân theo quy định, nội quy chung. Nếu cứ cương quyết không hợp tác sẽ ảnh hưởng đến việc chung của nhiều người”. 

Lời lớp trưởng trở nên gay gắt nhưng rồi cũng dịu giọng: “Thầy cô nghĩ mình học hành như thế này là đủ kiến thức để thi sao? Nếu coi thi nghiêm túc phỏng được mấy người đỗ? Học giả thi thật chỉ có trượt vỏ chuối”. 

Vào ngày thi, giám thị có cũng như không. Các giám thị coi thi cứ ngồi trên ghế mà ngó mông lung, đọc báo hoặc nói chuyện với nhau để các học viên bên dưới tha hồ mở tài liệu ra chép, copy bài rồi hỏi nhau cứ loạn xì ngầu lên.

Ba buổi thi kết thúc và năm đó tỉ lệ đỗ tốt nghiệp gần như 100%.

Ngày nhận bằng tốt nghiệp, trong khi bao người cũng xúng xính “mũ áo cân đai” hồ hởi cầm tấm bằng đại học để chụp hình kỉ niệm. 

Tôi thì cứ thấy xấu hổ thế nào bởi tấm bằng ấy nó chẳng được đánh đổi bằng sự nỗ lực, bằng quyết tâm và bằng kiến thức của người học.

Thuận Phương