Có đại học công 1 năm mất cả bộ môn vì trường tư hút hết giảng viên

16/10/2021 06:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong bối cảnh chuyển đổi như hiện nay thì dù là mô hình trường công hay trường tư thì đều có điểm mạnh riêng trong vấn đề thu hút nhân tài.

Qua chia sẻ của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho thấy việc tự chủ tài chính đã giúp nhà trường khuyến khích được nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên toàn trường cũng như có thể chiêu mộ được giảng viên, nhà khoa học giỏi về trường công tác. Từ đó, các thành tích của nhà trường tăng lên, danh tiếng cũng được củng cố, các đối tác uy tín của nhà trường cũng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, việc thu hút học sinh và phụ huynh lựa chọn trường để học cũng tăng lên rõ rệt. Từ việc tự chủ tài chính, nhà trường đẩy mạnh tư duy tự chủ và năng động trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Nhìn vào bức tranh tổng thể của giáo dục đại học nước ta cho thấy tự chủ đại học đang được triển khai trên mọi bình diện, tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường đại học còn ngần ngại theo mô hình tự chủ vì áp lực không còn nhận tiền từ ngân sách, mức học phí tăng lên làm giảm sức cạnh tranh của trường, dễ dẫn tới “chảy máu chất xám”.

Đánh giá về xu hướng cạnh tranh, thu hút sinh viên, giảng viên, nhà khoa học giỏi giữa các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng đây là xu hướng phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, đa dạng hóa giáo dục đại học trên toàn thế giới, có lợi chung cho toàn hệ thống giáo dục đại học.

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh: NVCC)

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, tại Việt Nam từ năm 2005 khi Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020 ra đời, đặc biệt năm 2012 có Luật Giáo dục đại học, đến năm 2018 Luật Giáo dục đại học sửa đổi thì các cơ sở giáo dục đại học được tăng cường tính tự chủ sinh ra cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi ngày càng mạnh dẫn tới thị trường nhân lực giảng viên bắt đầu hình thành.

Cụ thể, trước đây việc giảng viên chuyển từ trường này sang trường khác rất phức tạp vì những rào cản thủ tục từ Luật Viên chức và những rào cản từ truyền thống, văn hóa khác. Còn nay thì mọi thứ dễ dàng hơn, những giảng viên có trình độ dễ được các trường thu hút, tạo điều kiện để làm việc phù hợp với năng lực, từ đó nâng cao chất lượng cho bản thân các trường đại học.

Thời gian qua đóng góp của người giỏi vào sự phát triển của đất nước còn hạn chế bởi những rào cản về cơ chế, chính sách, bố trí việc làm chưa phù hợp; cơ hội thăng tiến bị hạn chế; thu nhập, đãi ngộ thiếu thỏa đáng…Trước thực trạng này đặt ra bài toán cơ sở giáo dục đại học muốn thu hút một giảng viên, nhà khoa học giỏi tới làm việc thì cần đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó phải kể đến là thu nhập.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Phạm Hiệp, khi công tác ở các trường đại học công thì lương của giảng viên được tính theo ngạch bậc mà Bộ Nội vụ quy định, nhưng ngoài lương còn có thu nhập tăng thêm- đây là khoản mà các trường hoàn toàn chủ động được nhờ sự tự chủ của mình.

Theo đó họ có nhiều phương án để tăng thu nhập cho giảng viên ví như trả cho giờ giảng dạy, tiền đề tài dự án nghiên cứu, triển khai hay thưởng bài báo khoa học.

“Đúng là chi tiêu ở khối trường công có rắc rối về thủ tục hơn so với trường tư nhưng bù lại trường công lại được nhiều lợi thế đơn cử như việc được tham gia một số dự án, đề tài của nhà nước mà trường tư chẳng bao giờ có được”, chuyên gia Phạm Hiệp cho rằng dù là trường công hay trường tư cũng cần khai thác ưu thế của mình để thu hút giảng viên.

Thu nhập không phải là yếu tố quan trọng nhất

Thu nhập luôn là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong đó có giảng viên, tuy nhiên theo quan điểm của Tiến sĩ Phạm Hiệp, môi trường tạo điều kiện cho họ phát triển nghề nghiệp tốt mới là yếu tố quan trọng nhất.

Bởi lẽ thực tế qua quan sát Tiến sĩ Hiệp thấy, với nhân lực đặc thù là giảng viên khi có môi trường phát triển tốt thì chính họ lại là người đem lại nguồn thu thêm cho nhà trường và cho bản thân họ. Do đó, giữa một bên mức lương cao cố định do nhà trường chi trả nhưng gò bó với một bên là mức lương có thể thấp hơn nhưng cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt thì nhiều người đã lựa chọn phương án thứ 2.

Đánh giá về sự dịch chuyển của giảng viên, nhà khoa học giỏi từ trường công sang tư thì có vẻ các trường đại học phía Nam nhập cuộc sớm hơn. Tuy vậy các trường ở miền Bắc gần đây đã có hiện tượng di chuyển giảng viên ngày càng mạnh mẽ.

Đầu tiên phải kể đến luồng di chuyển có thể từ trường công sang trường tư. Đã có chuyện có trường đại học công trong một năm mất nguyên cả 1 bộ môn vì có một trường tư rất phát triển về lĩnh vực đó đã hút hết giảng viên.

Nhưng chiều ngược lại thì cũng cho thấy, lác đác có nhiều giảng viên đang từ trường tư lại quay về trường công bởi trường công khi “mất” đi nhân tài mà tự chủ nhiều hơn làm cho họ có nhiều đổi mới hơn trong quản lý nhân sự khiến chính sách thu hút hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, một luồng thu hút giảng viên giỏi nữa là người Việt học xong tiến sĩ ở nước ngoài ở lại làm giảng viên một thời gian hoặc mới học xong tiến sĩ chọn con đường về nước.

Tiến sĩ Phạm Hiệp đánh giá, nếu trước đây, điều kiện làm việc trong nước kém, ai đi cũng muốn ở lại nước ngoài một thời gian không ít thì nhiều nhưng giờ điều kiện trong nước tốt lên thì nhiều người xác định lâu dài vẫn về nước sinh sống, do đó khi học xong họ muốn quay trở về ngay. Chưa kể nhiều người ở một số ngành nhất định như Kinh tế, Tài chính, Khoa học xã hội thì về nước còn có điều kiện phát triển tốt hơn ở nước ngoài.

Phân tích như Tiến sĩ Phạm Hiệp để thấy, trong bối cảnh chuyển đổi như hiện nay thì dù là mô hình trường công hay trường tư thì đều có điểm mạnh riêng trong vấn đề thu hút nhân tài do đó về nguyên tắc thì đừng nhìn vào vào điểm yếu của mình, điểm mạnh của đối thủ mà hãy nhìn điểm mạnh của mình, điểm yếu của đối thủ để làm động lực cạnh tranh, bởi giảng viên – chất lượng – thương hiệu là mối quan hệ hữu cơ.

Nếu trường tư không thu hút được sinh viên trong 1 năm là họ sẽ có nguy cơ đi xuống vì không có nguồn thu trong khi đó trường công vẫn được ngân sách cấp một khoản nhất định. Còn đối với trường đã tự chủ ngoài việc vẫn được tiếp cận nguồn đề tài, dự án riêng của Nhà nước thì bản thân họ đã là các trường có thương hiệu nên không gặp khó trong tuyển sinh.

Cuối cùng, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng: “Nếu người lãnh đạo thực tâm muốn thu hút người tài thì sẽ có cách để chiêu mộ họ, chỉ sợ nhất là nói mạnh miệng chứ thực tế lại không làm. Bản thân tôi từng chứng kiến nhiều lãnh đạo có cơ chế, chính sách rất linh động khi thu hút người tài trong nội bộ nhà trường.

Ví dụ có chuyên viên vốn ở Phòng Đào tạo, Phòng Hợp tác quốc tế định học xong tiến sĩ sẽ chuyển sang làm giảng viên nhưng mới đang là nghiên cứu sinh đã công bố được 1 bài báo quốc tế là đã được đáp ứng nguyện vọng làm giảng viên, vì lãnh đạo nhà trường tin rằng đã công bố được bài báo thì sẽ làm giảng viên được”.

Chưa kể nhiều lĩnh vực trước đây nhà nước bao cấp mạnh rồi dần dần tự chủ ít, đến tự chủ hoàn toàn rất nhanh như báo chí, y khoa họ cạnh tranh nhân lực rất sòng phẳng, văn minh. Chuyện phóng viên di chuyển từ báo này sang báo khác, bác sĩ từ bệnh viện này qua bệnh viện khác công tác là chuyện bình thường, do đó đối với lĩnh vực giáo dục đại học giảng viên từ trường nọ sang trường kia là chuyện bình thường, làm được như vậy thì giảng viên, sinh viên càng được lợi nhiều – đây là 2 đối tượng quan trọng nhất của trường đại học.

Thùy Linh