Có một người thầy "đa năng" như thế!

23/06/2019 06:21
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Chính nghề dạy học đã tạo cho thầy niềm tin vào bản thân, cách diễn đạt trước đám đông, quan khách.

Ở thành phố Sóc Trăng cũng như các huyện (thị xã) trong tỉnh, khi khách hỏi cần người dẫn chương trình đám cưới “thật xôm tụ” thì mọi người nhớ ngay đến thầy Võ Hữu Phước.

Vào tuổi 63 nhưng thầy Phước vẫn rất phong độ, nhanh nhẹn, luôn nở nụ cười tươi khi gặp khách đến thăm.

Quê thầy ở xã Tân Thạnh (huyện Long Phú - Sóc Trăng), nay chỗ ở hiện tại là phường 3 (Thành phố Sóc Trăng).

Thầy cho biết, thầy đã học xong trung cấp sư phạm, vào nghề dạy học từ năm 1978, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1995 thầy xin nghỉ dạy ở nhà tiếp công việc cùng bà xã bán quán nước nhỏ. Tuy rời nghề nhưng thầy luôn giữ được phẩm chất của một nhà giáo.

Thầy Võ Hữu Phước (Ảnh: tác giả cung cấp).
 Thầy Võ Hữu Phước (Ảnh: tác giả cung cấp).

Nhận thấy mình có khả năng ca hát, nói năng hoạt bát, trôi chảy, thầy Phước thử làm người dẫn chương trình cho các đám cưới, đám hỏi trong địa bàn…

Thời gian đầu thật vất vả vì chưa quen công việc nhưng vốn là thầy giáo, cộng với niềm đam mê mãnh liệt cùng ý chí vươn lên, thầy đã tạo được niềm tin của mọi người.

Thầy nói rằng, có được thành công ấy, do mình chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các bậc đàn anh đi trướ, rồi nghề dạy nghề để mình tạo ra được bản sắc riêng, không lẫn vào người khác.

“Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”, thầy Phước là một người dẫn chương trình các đám cưới vui vẻ, sinh động và hát được hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Hoa), góp phần vui nhộn, sâu sắc cho những buổi lễ…

Thầy còn cho biết mình phải tìm hiểu phong tục, tập quán của người Việt, Hoa, Khmer (vì Sóc Trăng có ba dân tộc này cùng chung sống từ bao đời) để có cách thức thực hiện các buổi lễ phù hợp.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay lịch làm việc của thầy Phước đã kín chỗ tới tháng 12 âm lịch. Khắp nơi trong tỉnh, khách có đám cưới, đám hỏi đều tìm về thầy Phước để đặt được ngày lành tháng tốt, tìm được người dẫn chương trình ưng ý…

Bên cạnh đó, thầy Phước thực sự có “hoa tay” với bộ môn hội họa. Thầy chuyên về vẽ chân dung rất sống động, có hồn và luôn làm vừa lòng khách đặt vẽ.

Viết thư pháp cũng là thế mạnh khi thầy Phước viết thư pháp được hai thứ chữ (chữ Việt và chữ Hán).

Bức thư pháp của thầy Võ Hữu Phước (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bức thư pháp của thầy Võ Hữu Phước (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thầy tâm sự: viết thư pháp để giữ hồn cốt cha ông, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Khi viết, tâm mình phải thư thái, phấn chấn mới phả được cái hồn mình, cái tâm mình vào từng nét chữ, từng con chữ…

Đó là những đôi liễn treo trong đám cưới, một câu danh ngôn treo trong nhà, đó là những cặp câu đối đỏ ngày Xuân. Khách Việt kiều nhiều khi cũng ghé thăm và có khách đặt mua cả chục cặp liễn. Khách cho biết mang theo để đỡ nhớ nhà, nhớ quê…

Hai đứa con của thầy đều thành đạt, có nghề nghiệp ổn định. Đặc biệt có cháu ngoại Khánh Ngọc (9 tuổi), hát rất hay và hiện nay là thành viên của Đội văn nghệ thiếu nhi tỉnh.

Những thành công ấy, theo lời thầy Phước, không phải tự nhiên mà đến. Đó là sự vươn lên không mệt mỏi bằng ý chí và nghị lực của mình. Đó là do có sẵn lòng yêu nghề, say mê với nghề.

Chính nghề dạy học đã tạo cho thầy niềm tin vào bản thân, cách diễn đạt trước đám đông, quan khách.

Thầy tâm sự là mình phải tận tâm với công việc, nhiệt tình khi khách yêu cầu. Khi nhận lời thì làm đến nơi đến chốn cho hoàn hảo, tốt đẹp.

Mặt khác, khi có khách đặt hàng, mình tư vấn chu đáo cách tổ chức cho hoàn hảo. Luôn luôn coi “khách hàng là thượng đế”, cháy hết mình cho công việc diễn ra trôi chảy, kết thúc mỹ mãn, thành công.                                  

LÊ ĐỨC ĐỒNG