Có những giáo viên không dám dạy môn học mà mình đã được đào tạo!

15/08/2019 06:46
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Khi thầy cô không có chuyên môn thì việc dạy cũng chỉ là cách làm đối phó, dạy cho có chứ làm sao hiểu được nội dung, bản chất của môn học mà mình đang giảng.

Bước vào đầu năm học mới, việc đầu tiên là các nhà trường phải thực hiện việc phân công giáo viên giảng dạy trong năm. Việc giáo viên đào tạo môn nào thì dạy môn đó là chuyện đương nhiên không có gì phải bàn cãi.

Vậy nhưng, thực tế vẫn có những giáo viên sợ dạy môn học mà mình đã được đào tạo, sợ dạy những lớp cuối cấp. Chuyện tưởng chừng nghịch lý nhưng lại đang diễn ra ở một số trường phổ thông hiện nay.

Một số giáo viên thích dạy các môn phụ để đỡ vất vả hơn (Ảnh minh họa: TTXVN)
Một số giáo viên thích dạy các môn phụ để đỡ vất vả hơn (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tâm lý của nhiều người khi thi vào các trường sư phạm thì thích vào các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh…và những thí sinh vào được những ngành học được xem là môn chính thường có điểm chuẩn cao hơn.

Nhưng, khi ra trường về các trường nông thôn- nơi mà học sinh không có nhu cầu học thêm thì một số một số giáo viên lại thích dạy các môn phụ, cho dù môn đó bản thân người thầy không hề được đào tạo.

Chính vì một số môn học hiện nay ở trường phổ thông thiếu hoặc không có giáo viên chuyên ngành nên có nhiều người chọn các môn này để dạy.

Bởi, dạy các môn được xem là phụ thì nhẹ về kiến thức, ít phải đầu tư, ít bị cấp trên kiểm tra, ít khi phải thực hiện thao giảng chuyên đề và cũng ít khi bị dự giờ khi có các đoàn thanh, kiểm tra về trường.

Vì thế, nhiều khi phân giảng dạy đầu năm có những chuyện khôi hài là giáo viên “xí phần” dạy các môn mà mình không được đào tạo.

Ở cấp trung học cơ sở hiện nay có môn học nghe qua thì rất hấp dẫn đó là môn Công nghệ nhưng thực tế thì môn học này có rất ít giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, thậm chí có môn không hề có giáo viên chuyên ngành.

Đa phần là giáo viên dạy "tay ngang" mà thôi. Đối với Công nghệ lớp 8, lớp 9 thì giáo viên Vật lý dạy. Công nghệ lớp 7 được phân công cho giáo viên môn Sinh học và môn Công nghệ 6 được phân công cho giáo viên…Ngữ văn đảm nhận.

Có những giáo viên không dám dạy môn học mà mình đã được đào tạo! ảnh 2Tôi đố giáo viên yếu chuyên môn dám nhận dạy lớp chọn

Chính vì một số giáo viên sau một vài năm được phân công dạy môn Công nghệ nên khi nhà trường phân công dạy cả môn chính được đào tạo thì họ thường ngại ngần và tìm cách để thoái thác.

Nhất là đối với môn Công nghệ lớp 6 thì thường dạy nhàn hơn rất nhiều đối với dạy môn Ngữ văn.

Bởi, ít phải chấm bài mà môn học này có nhiều tiết thực hành nên giáo viên Văn có nhiều người xin dạy. Thậm chí khi nhà trường phân công môn Văn thì họ lấy lý do lâu ngày không dạy Văn để tìm cách thoái thác.

Nhất là môn Văn bây giờ có nhiều học sinh không thích thú. Hơn nữa, môn học này phải nói nhiều, giảng nhiều, ghi nhiều và lượng kiến thức thì tương đối lớn. Trong khi, mỗi tiết học môn Công nghệ thì thường chỉ có mấy gạch đầu dòng là xong.

Không chỉ môn Công nghệ mà ngay cả môn Giáo dục công dân hiện nay cũng nhiều người thích thú được dạy. Đặc biệt là đối với một số thầy cô làm Ban giám hiệu thì thường tự phân cho mình mấy tiết theo quy định.

Có điều, bản thân những thầy cô ấy lại không được đào tạo chuyên ngành Giáo dục công dân. Nhưng, nếu dạy môn mà mình đã được đào tạo thì vất vả, thậm chí là khó khăn khi phải xem lại kiến thức môn học.

Thực trạng này diễn ra khá nhiều ở các trường phổ thông.

Tất nhiên, khi thầy cô không có chuyên môn thì việc dạy cũng chỉ là cách đối phó, dạy cho có chứ làm sao hiểu được nội dung, bản chất của môn học mà mình đang giảng. Mọi thiệt thòi đương nhiên sẽ thuộc về các em học sinh.

Đối với những lớp cuối cấp thì một số giáo viên sợ nặng kiến thức nên khi được phân công thì một số người cũng tìm cách thoái thác. Bởi, những lớp cuối cấp thường phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức của cả cấp học nên rất nặng về kiến thức.

Nhất là những môn mà gắn với các kỳ thi chuyển cấp thì đòi hỏi càng cao hơn.

Muốn dạy được những lớp cuối cấp thì bắt buộc phải có cái nhìn bao quát và nắm khái quát được toàn bộ kiến thức môn học đó trong cả cấp học.

Hơn nữa, những lớp cuối cấp thì bắt buộc phải ôn thi học sinh giỏi, các môn thi chuyển cấp còn phải ôn tập trong hè, trong khi thời điểm đó thì các giáo viên khác đã được nghỉ rồi.

Vì vậy, khi được phân công cũng khiến cho một số giáo viên sợ và tìm cách từ chối.

Tư tưởng dạy khối nào, dạy môn nào cứ muốn dạy mãi một khối đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số giáo viên hiện nay. Bởi dạy một một môn, dạy một khối thì sẽ quen thuộc, không phải soạn giáo án, làm lại bài kiểm tra và tất nhiên không phải đầu tư cho những bài giảng mới.

Thực tế cho thấy, không phải cứ đào tạo như nhau là giáo viên có trình độ, năng lực như nhau và càng không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình và dám tự tin làm chủ tất cả kiến thức môn học trong toàn cấp học.

Bởi, cứ nhìn vào việc phân công nhiệm vụ đầu năm học thì mọi người sẽ thấy một điều rất rõ là có những giáo viên luôn muốn cái lợi, luôn muốn việc nhẹ nhàng cho mình, còn ai vất vả, dạy nhiều tiết, kiêm nhiệm công việc nhiều cũng kệ mặc!

NGUYỄN NGUYÊN