Có phụ huynh nào đồng ý rằng “đóng góp ở Hà Nội mới chỉ là dự kiến, chưa thu?”

29/09/2017 07:49
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Nguyễn Viết Cẩn cho rằng: “Có vấn đề là ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu các khoản để phục vụ cho mua sắm, xây dựng sửa chữa nhỏ".

Trước tình trạng lạm thu diễn ra phức tạp và gây bức xúc từ phía phụ huynh, xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Theo ông Cẩn, lạm thu là vấn đề Sở Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Sở đã có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi đầu năm, Giám đốc Sở đã tổ chức họp, quán triệt các trưởng phòng giáo dục và đào tạo, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.

Sở tổ chức 5 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra ngay từ đầu tháng 9. Yêu cầu các quận huyện cung cấp đường dây nóng để nhân dân phản ánh.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có đường dây nóng riêng.

Qua trao đổi, có thể thấy Sở Giáo dục và Đào tạo rất sát sao trong kiểm tra nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra nhiều nơi.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).

Trước mâu thuẫn đó, ông Nguyễn Viết Cẩn cho rằng: “Cá nhân tôi cũng đi kiểm tra, có vấn đề là ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu các khoản để phục vụ cho mua sắm, xây dựng sửa chữa nhỏ, như thế là không đúng”.

Qua trao đổi với ông Cẩn, có thể thấy việc làm của ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều nơi đang sai nguyên tắc.

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được tổ chức thu kinh phí phục vụ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Cùng lắm, hỗ trợ hoạt động cho học sinh chứ ban đại diện cha mẹ không được đứng ra quyên góp, mua sắm, xây dựng sửa chữa và chi cho các hoạt động của giáo viên, các thầy cô giáo.

“Chúng tôi đi kiểm tra và phát hiện đang có câu chuyện này. Hiện có hiện tượng như vậy gây bức xúc cho các bậc phụ huynh.

Chúng tôi rất mong, các bậc cha mẹ học sinh thực hiện đúng quy định” – ông Nguyễn Viết Cẩn nhấn mạnh.

Có phụ huynh nào đồng ý rằng “đóng góp ở Hà Nội mới chỉ là dự kiến, chưa thu?” ảnh 2Phụ huynh trường Uy Nỗ được nhận lại tiền lạm thu

Trước những giải thích về lạm thu do ban đại diện cha mẹ học sinh, phóng viên cho rằng để xảy ra việc này sở, phòng, Hiệu trưởng không thể chối bỏ được trách nhiệm.

Ông Nguyễn Viết Cẩn cho rằng: “Qua công tác kiểm tra, Sở đã yêu cầu chấn chỉnh các đồng chí hiệu trưởng các đơn vị, tất cả các khoản thu dù được ban cha mẹ học sinh đứng ra thu thì trách nhiệm vẫn thuộc về người đứng đầu đơn vị. Không thể đổ cho ban đại diện cho cha mẹ học sinh được.

Sở đã hướng dẫn quy trình rất rõ, ngay cả kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh tất cả phải xuất phát từ dự kiến, dự toán được thống nhất với giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng. Sau khi thống nhất rồi thì triển khai tới các bậc phụ huynh.

Kinh phí phải là tự nguyện không được bổ đầu, phải có người đóng, người không đóng, người đóng nhiều hay người đóng ít. Sau khi có kinh phí rồi thì lúc đó mới có kế hoạch chi tiêu.

Để ban đại diện cha mẹ học sinh đi phát động việc mua sắm, sửa chữa, xây lắp đó là lỗi của Hiệu trưởng”.

Ông Nguyễn Viết Cẩn thông tin thêm: “Hiện nay, qua thông tin đường dây nóng, thông tin phản ánh có một số thông tin đúng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện nay mới đang ở mức đang dự kiến các khoản thu và chúng tôi bắt dừng lại các khoản thu ấy.

Chúng tôi đề nghị với Ủy ban nhân dân các quận huyện tăng cường kiểm tra hướng dẫn, kiểm điểm trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc thực hiện các văn bản của Sở chưa được thấu đáo, nên đã có sai”.

Có phụ huynh nào đồng ý rằng “đóng góp ở Hà Nội mới chỉ là dự kiến, chưa thu?” ảnh 3Lạm thu, thứ xấu xa được sinh ra từ lòng tham và sự vô cảm

Một vấn đề được các phụ huynh rất quan tâm đó là việc huy động xã hội hóa trong giáo dục.

Vậy hiểu thế nào cho đúng về xã hội hóa trong giáo dục, trưởng phòng kế hoạch tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giải thích: “Những công trình phải cải tạo sửa chữa nhỏ, ngân sách chưa kịp thời đáp ứng phải kêu gọi kịp thời kêu gọi sự đóng góp từ phụ huynh học sinh.

Xã hội hóa những việc trên thì hiệu trưởng nhà trường phải đứng ra chịu trách nhiệm, làm quy trình 4 bước. Trước hết, phải thống nhất về chủ trương với các lực lượng trong nhà trường;

Xây dựng dự toán quy mô; xin ý kiến cấp trên chấp thuận về triển khai vận động.

Nhưng việc vận động phụ huynh không được bổ đầu, theo nguyên tắc tự nguyện”.

Trinh Phúc