Con học trực tuyến cha mẹ đừng khoán hết cho thầy cô, đừng nghĩ ai cũng dạy thêm

25/11/2021 06:38
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cứ sau vài câu trao đổi của giáo viên, bao giờ cũng nghe được lời đề nghị kiểu như: “Cô có dạy thêm không cho em gửi bé với”…

Chuyện có những giáo viên muốn kéo học sinh về lớp học thêm nên phản ánh trò học yếu để phụ huynh nóng ruột xin cho con đi học thêm vẫn luôn xảy ra trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, không phải thầy cô giáo nào cũng dùng “thủ thuật” kiếm tiền không trong sạch này.

Nhiều giáo viên sợ khi phải trao đổi tình hình học tập của học trò với phụ huynh

Điều đáng buồn là, một vài hiện tượng đã làm không ít phụ huynh nhận định phiến diện rằng thầy cô giáo nào chẳng thế. Vì vậy, giáo viên chúng tôi rất ngại khi phải trao đổi với phụ huynh chuyện học sinh nào đó chểnh mảng trong học tập và có lực học khá yếu ở lớp.

Giáo viên cứ nghĩ, trao đổi để phụ huynh hiểu và cùng thầy cô hỗ trợ học sinh nhưng do quá nhạy cảm nên có phụ huynh lại nghĩ thầy cô giáo đang mồi chài để dạy thêm. Người viết bài cũng đã gặp không ít lần như thế. Cứ sau vài câu trao đổi, bao giờ cũng nghe được lời đề nghị kiểu như: “Cô có dạy thêm không cho em gửi bé với”…

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: GDVN.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: GDVN.

Mỗi lần thế, tôi đều cương quyết không bao giờ nhận dạy kiểu này và luôn giải thích để phụ huynh hiểu, giáo viên trao đổi chỉ với một mục đích duy nhất để cha mẹ hiểu rõ lực học và thái độ học tập của bé ở trường rồi cùng giáo viên hợp tác giúp đỡ các bé.

Nhiều đồng nghiệp kể rằng, họ cũng thường lâm vào tình cảnh ấy. Cứ mỗi lần trao đổi việc học của học sinh với phụ huynh thì bao giờ sau đó cũng là sự gửi gắm nhờ cô thầy dạy thêm, cứ y như mình muốn dạy thêm rồi bịa ra chuyện trò học yếu vậy.

Một số cha mẹ còn lên các hội nhóm tố cáo hoặc bóng gió kiểu con mình học không đến nỗi nào nhưng cứ bị cô thầy mắng vốn miết, chắc tại không đi học thêm.

Thế rồi, nhiều người cũng mới nghe nói thế, chưa biết ngọn ngành đã vào mạt sát giáo viên bằng những ngôn từ không chấp nhận được.

Vì thế, sợ mang điều tiếng không hay, sợ bị quàng vào cổ cái tiếng ép học sinh đi học thêm cũng chẳng dễ dàng thanh minh hay rửa sạch, giáo viên chúng tôi đã hạn chế hoặc khá e dè mỗi khi quyết định trao đổi việc học của các em với phụ huynh.

Ngồi hỗ trợ con học, nhiều phụ huynh mới hiểu rõ lực học của con

Một số cha mẹ đặc biệt những người luôn bận rộn với công việc mà ít có thời gian chăm lo việc học của con nên cũng không biết rõ con cái mình học hành thế nào.

Có em học lớp 2, đọc bài thì ê a mà giáo viên chúng tôi thường nói đọc tháng năm một tiếng, tháng mười một tiếng nhưng ba mẹ còn không hề biết.

Khi được thầy cô giáo trao đổi vẫn khẳng định con tôi đọc bài trôi chảy lắm mà, tối nào bảo học bài cũng mang sách ra đọc vanh vách.

Chúng tôi đã phải chỉ cho một số phụ huynh cách kiểm tra thực lực việc học của các bé, không để bé tự giở sách đọc vì có em sẽ đọc những bài mình thuộc vẹt mà không rành mặt chữ.

Ba mẹ hãy lấy một cuốn sách khác hoặc giở bất kỳ một bài nào ở phần cuối sách chỉ vài dòng yêu cầu bé đọc là biết ngay. Đã có phụ huynh thừa nhận là con mình thật sự đọc quá yếu.

Trẻ học trực tuyến cũng là giai đoạn nhiều phụ huynh không thể đi làm nên có thời gian ngồi bên con để hỗ trợ các em học. Trực tiếp nghe những học sinh khác đọc bài, trả lời câu hỏi cũng như chứng kiến con mình học thì chẳng cần ai nói phụ huynh cũng hiểu rất rõ lực học của con thế nào, bé đứng ở vị trí nào trong lớp, bé còn môn nào yếu hay yếu tất cả các môn.

Sau những buổi theo học trực tiếp cùng con, đã có không ít phụ huynh gọi điện thành thật chia sẻ với giáo viên kiểu: em biết con em học còn yếu lắm, học thua bạn bè nhiều nên gia đình nhờ cô (thầy) quan tâm giúp đỡ bé hơn. Gia đình cũng sẽ sắp xếp thời gian để kèm thêm cho cháu ở nhà.

Cũng nhờ nhận thấy điều này, một số phụ huynh đã không còn suy nghĩ thầy cô giáo phản ánh con học yếu vì mục đích dạy thêm và bỏ công kèm thêm con từ việc đọc, viết, làm toán. Nhờ đó, có em cũng tiến bộ khá nhanh.

Muốn con học hành tiến bộ thì gia đình không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường. Sự tương tác qua lại giữa giáo viên và phụ huynh là vô cùng quan trọng trong việc dạy và giáo dục trẻ. Thầy cô sẽ hiểu hơn việc học tập, sinh hoạt của học sinh ở nhà, phụ huynh cũng nắm rõ việc học của con trên lớp.

Nhờ những phản ánh, những chia sẻ thường xuyên, thầy cô và ba mẹ học trò sẽ có những nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những chệch choạc mà các em đang gặp phải cũng như có được sự khích lệ, động viên đối với những học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, giúp cho các em mỗi ngày học tập tốt hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên