Đã đến lúc Bộ phải bỏ mẫu giáo án 5512, giáo viên phải quên... giáo án cũ

15/06/2021 06:52
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo án mới phải chính mình làm, không xin, mua, có như thế mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện học thật, thi thật, nhân tài thật.

Không ít giáo viên đã than phiền “Học sinh toàn học vẹt, ra đề khác đi một tý là cắn bút”. Hay có những học sinh lên trả bài cũ đã nói với giáo viên “Thầy nhắc cho em mấy chữ đầu đi ạ”, chỉ cần nhắc mấy chữ đầu là y như rằng trò tuôn một mạch cho đến... hết bài.

Nguyên nhân của “học vẹt”, “học thuộc” có nhiều, nhưng chủ yếu do phong cách dạy “học thuộc” của giáo viên bộ môn. Giáo viên thấy học sinh học thuộc là cho điểm cao, cứ thế học thuộc trở thành cách học của học trò.

Khi “học thuộc, học vẹt”, học trò sẽ làm bài theo lối mòn, suy nghĩ theo định hướng, thiếu tính tư duy sáng tạo. Chính vì thế, những giáo viên có kinh nghiệm thường cho học sinh giải 1 bài toán bằng nhiều phương pháp khác nhau, học sinh có phương pháp giải khác thầy được khuyến khích cộng điểm.

Như vậy, cách dạy của giáo viên, cách đánh giá của giáo viên góp phần kích thích phát triển tư duy của học trò. Không ít người trưởng thành đã cảm thán “May mắn, mình được học với thầy/cô... ấy”.

Có người may mắn, có nghĩa có người ngược lại, học sinh học với những giáo viên lên lớp chỉ biết đọc sách giáo khoa cho... học sinh chép chắc chắn thuộc số này.

Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến

Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến

Đã đến lúc giáo viên phải quên giáo án cũ?

Đi học, đi dạy, người viết đã thấy giáo viên lên lớp gần như không mở giáo án, kể cả những giáo viên do người viết hướng dẫn tập sự.

Khi được hỏi “Tại sao không mở giáo án ra xem trong khi dạy”, giáo viên tập sự trả lời “Dạ em soạn kĩ, thuộc rồi ạ”.

Chính vì “thuộc giáo án” nên ưu điểm này trở thành “kì đà” cho đổi mới giáo dục hiện nay. Thật vô lý, tại sao thuộc giáo án lại thành khuyết điểm của giáo viên?

Thứ nhất, phần lớn giáo viên dạy học hiện nay đều đã thuộc giáo án, thế nhưng giáo án đó không phải dùng để dạy phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Phần lớn giáo án đó, cách dạy đó, vẫn là truyền thụ kiến thức, chưa đáp ứng được mục tiêu đổi mới hiện nay.

Thứ hai, nói là chương trình mới, thực ra chẳng có gì mới mấy, chỉ khác chăng là sắp xếp lại tiến trình kiến thức một chút. Vì thế nội dung sách giáo khoa mới ở một số môn tương đồng sách cũ (như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên...).

Việc tương đồng kiến thức, sách giáo khoa dẫn đến “lối cũ ta về” trong tư duy, trong cách dạy của giáo viên, thuộc giáo án thành ... kì đà cản mũi.

Thứ ba, mục tiêu của chương trình mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Học sinh có kiến thức nhờ hoạt động “thực hiện nhiệm vụ giáo viên giao”, tức là học kiến thức qua làm, chứ không phải do giáo viên truyền đạt lại.

Muốn vậy, giáo viên phải thiết kế các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế để giao việc cho học sinh làm, học sinh phải làm để học.

Như vậy, giáo viên phải quên hết giáo án cũ, thiết kế lại giáo án mới, dù dạy sách cũ (lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12 năm học 2021 - 2022).

Có cần nhắc lại, xác định lại phẩm chất, năng lực trong mỗi hoạt động của giáo án?

Dư luận đang phản đối giáo án (Kế hoạch bài dạy) theo Công văn 5512 vì tính hình thức của nó. Hình thức rõ nhất thể hiện ở việc nhắc lại, xác định lại phẩm chất, năng lực trong mỗi hoạt động dạy học.

Việc nhắc lại, xác định lại phẩm chất, năng lực, thực ra chỉ cần cắt dán thế nhưng bị phản đối vì nó... không cần thiết. Việc nhắc lại, xác định lại phẩm chất, năng lực chẳng khác gì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Vì thế, rất nhiều giáo viên cảm thấy “bất mãn”, tư tưởng không thông, khi ngồi soạn giáo án theo Công văn 5512. “Tư tưởng không thông vác bình tông không nổi” đừng nói đến vác chương trình 2018!

Soạn giáo án (Kế hoạch bài dạy) không phải để thanh tra, kiểm tra, mà để phục vụ cho việc giáo viên lên lớp, đạt mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Thanh kiểm tra giáo án chỉ trả lời câu hỏi: giáo viên lên lớp có giáo án hoặc không; không có mục đích đánh giá chất lượng giáo án. Tức là không cần phải soạn giáo án theo... mẫu nào cả.

Việc đánh giá giáo viên không đánh giá theo nội dung giáo án mà đánh giá cụ thể qua tiết dạy với những tiêu chí đã được ban hành. Hoạt động dạy học của giáo viên đã phát triển phẩm chất năng lực của học sinh chưa, đó mới là điều quan trọng nhất.

Trả lại tự do sáng tạo, đả thông tư tưởng nhà giáo, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo có động thái chỉ đạo bằng văn bản cụ thể: phụ lục trong Công văn 5512 là tài liệu tham khảo, thay vì chỉ đạo thực hiện theo mẫu như hiện nay.

Lối cũ ta về ... chắc chắn nhỏ lại, giáo viên chúng ta phải quên giáo án cũ thân thuộc, thiết kế lại giáo án mới, thay đổi tư duy của mình.

Giáo án mới phải chính mình làm, không xin, mua, có như thế mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện học thật, thi thật, nhân tài thật.

Trước khi chờ lãnh đạo THẬT, giáo viên chúng ta hãy THẬT trước, làm gương cho học trò và cho... lãnh đạo.

Tài liệu tham khảo: Công văn Số: 5512/BGDĐT-GDTrH


Hồng Nhung