Đánh giá chuẩn nghề nghiệp đang hành giáo viên nhiều nhất

23/03/2021 06:46
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo mà thôi.

Câu chuyện Bộ yêu cầu giáo viên tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp lên phần mềm tập huấn trực tuyến một lần nữa cho thấy sự bất cập trong việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm. Những việc này được xem là thừa thãi, không phát huy được hiệu quả, tác dụng.

Bằng cấp, chứng chỉ thì khi giáo viên được tuyển dụng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, đã nộp cho đơn vị; các loại kế hoạch, giáo án, phiếu dự giờ, biên bản hội họp….thì mỗi năm nhà trường, tổ chuyên phê duyệt, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ và lưu giữ biên bản.

Vậy mà, cuối năm giáo viên lại phải sao chụp và kẹp vào hồ sơ đánh giá chuẩn nghề nghiệp để minh chứng cho các tiêu chuẩn, tiêu chí để nhà trường lưu vào hồ sơ cá nhân.

Đối với năm học 2019-2020 giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên đến 2 lần. Cuối năm học trước một lần và bây giờ khi Bộ triển khai tập huấn trực tuyến thì phải làm lại thêm một lần nữa.

Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên là không cần thiết (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên là không cần thiết (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chồng chéo chuẩn về việc đánh giá, xếp loại giáo viên

Hiện nay, giáo viên phổ thông đang được hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Chung quy lại cũng chỉ đánh giá về trình độ, năng lực và đạo đức của người thầy trong 1 năm học. Trong đó, có những tiêu chí như: bằng cấp và chứng chỉ thì năm nào cũng giống năm nào, phô tô đi, phô tô lại để nộp cho nhà trường.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng quy định về chuẩn trình độ giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông là đại học và những giáo viên nào chưa đủ chuẩn thì tổ trưởng và Ban giám hiệu nhà trường đều biết rất rõ.

Chùm Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021 cũng quy định các tiêu chí về đạo đức, trình độ, năng lực của người thầy.

Đánh giá viên chức hàng năm của giáo viên cũng chủ yếu xoáy quanh trình độ, năng lực, đạo đức và sự chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những giáo viên là đảng viên cũng được đánh giá chừng ấy nội dung vào thời điểm cuối năm.

Như vậy, chúng ta thấy rằng mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo mà thôi.

Nhưng, nó chồng chéo lên nhau, cái này đã vậy, cái kia cũng thế, cũng chừng ấy nội dung nhưng được quy định ở nhiều văn bản, nhiều công đoạn khác nhau. Thành ra, nó thừa, có những loại giấy tờ không có tác dụng nhưng nhiều khi nó lại hành giáo viên khủng khiếp.

Chuẩn nghề nghiệp đang “hành” giáo viên nhiều nhất

Có lẽ, trong tất cả các ngành nghề hiện nay không có ngành nào có cách đánh giá cán bộ, viên chức của mình như ngành giáo dục.

Khi tuyển dụng giáo viên mỗi cấp học đã quy định về bằng cấp, chứng chỉ rồi mới tuyển dụng. Khi về trường công tác, giáo viên phải nộp toàn bộ hồ sơ về bằng cấp, chứng chỉ cho nhà trường và ký hợp đồng lao động.

Luật Giáo dục 2019 đã quy định về chuẩn trình độ của giáo viên. Thầy cô nào thiếu chuẩn trình độ thì sẽ được bố trí cho đi học nâng chuẩn.

Vậy, hàng năm giáo viên phải xét chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để làm gì? Những bằng cấp, chứng chỉ thì nhà trường đã lưu trong hồ sơ cá nhân. Trong một năm học thì giáo viên nào cũng được kiểm tra ít nhất 1-2 chuyên đề và hồ sơ này cũng được phó hiệu trưởng chuyên môn lưu giữ cẩn thận.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả hồ sơ cá nhân, chuyên môn của giáo viên trong từng năm đã được nhà trường lưu giữ.

Cuối năm học, mỗi giáo viên đều phải đánh giá viên chức theo hướng dẫn của Nghị định Chính phủ. Trong bản đánh giá, xếp loại viên chức này cũng đã bao hàm tất cả nhiệm vụ, thành tích mà giáo viên đã đạt được trong năm.

Vậy, giáo viên có cần thiết phải tự đánh giá, tổ chuyên môn, nhà trường có nhất thiết phải họp và xét chuẩn nghề nghiệp của giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT nữa hay không?

Có cần thiết phải bắt buộc giáo viên đi phô tô các loại giấy tờ đã có sẵn trong hồ sơ cá nhân lưu ở nhà trường để làm minh chứng cho các tiêu chí rồi lại nộp lại cho nhà trường hay không?

Năm nào cũng 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí mà theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý minh chứng thì chủ yếu tập trung từ các loại minh chứng: Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy; Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định.

Những minh chứng này được minh chứng cho nhiều tiêu chí.

Nhưng nó bất cập ở chỗ Phiếu đánh giá và phân loại viên chức trong năm thì cũng đánh giá, xếp loại cùng với thời điểm với chuẩn nghề nghiệp giáo viên (cuối năm học). Tuy nhiên, giáo viên lại phải sao chụp Phiếu đánh giá và phân loại viên chức để minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy của giáo viên thì nằm ở số liệu thống kê trên phần mềm và sổ điểm của nhà trường. Hơn nữa, giáo viên nào cũng đã thống kê để điền vào Phiếu đánh giá và phân loại viên chức cuối năm.

Điểm học sinh thì giáo viên vào phần mềm, sổ điểm thì nhà trường in, học bạ thì giáo viên vào và ký tên…tất cả nhà trường lưu giữ và chỉ cần một vài click chuột là kiểm tra được hết.

Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định thì lưu trong hồ sơ cá nhân và năm nào cũng phải bổ sung vào hồ sơ viên chức.

Vậy, có nhất thiết để giáo viên phải tự đánh giá trước và mỗi tiêu chí phải tìm đủ minh chứng cho mức độ tự xếp loại (tốt, khá, đạt, chưa đạt) của mình, sau đó đến tổ chuyên môn họp đánh giá, nhà trường họp đánh giá thêm một lần nữa.

Chúng tôi cho rằng nếu lãnh đạo ngành giáo dục mà lắng nghe dư luận, nhìn thấy sự bất cập và vô lý thì đã bỏ quy định xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ hàng chục năm trước chứ không phải đến năm 2018 lại tiếp tục ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông!

Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong những năm qua gần như không phát huy được tác dụng mà chống chéo với nhau khi cùng một nội dung mà phải đánh giá nhiều lần, phải minh chứng nhiều lần.

Có lẽ, đã đến lúc lãnh đạo Bộ Giáo dục cần nghiên cứu việc xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay một cách nghiêm túc để bỏ đi những loại giấy tờ vô bổ, không cần thiết.

Bởi vì, giáo viên đã được xếp loại viên chức hàng năm và bằng cấp, chứng chỉ thì đã được nhà trường lưu giữ, chuẩn trình độ đã được quy định tại Luật Giáo dục 2019. Muốn thi (xét) thăng hạng đã được quy định tại các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT rồi.

Vậy, giáo viên có cần thiết phải tự đánh giá, xếp loại và đi tìm minh chứng về chuẩn nghề nghiệp cho mình hàng năm nữa hay thôi?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO