Để ông Đắc chỉ đạo thi quốc gia thì thật xấu hổ

07/06/2019 06:21
Trinh Phúc
(GDVN) - Năm 2018, ông Bùi Trọng Đắc là Chủ tịch hội đồng thi phổ thông quốc gia tỉnh Hòa Bình và để xảy ra gian lận nghiêm trọng. Năm nay, ông Đắc vẫn làm vị trí này.

Xử lý tiêu cực thi cử đang có nhiều bất cập. Đến nay, ông Bùi Trọng Đắc vẫn tại vị ghế Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình và năm nay tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng thi phổ thông Quốc gia của tỉnh này.

Vậy trách nhiệm công vụ của ông Đắc trong vụ việc này ở đâu? Dư luận đang chờ đợi câu trả lời công minh từ phía các cơ quan quản lý.

Về xứ lý trách nhiệm để xảy ra gian lận thi cử, không riêng gì ông Đắc đang tại vị, mà rất nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có con được nâng điểm vẫn chưa bị xử lý thỏa đáng, mặc dù sai phạm đến nay đã kéo dài gần một năm.

Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình (ảnh nguồn kinhtedothi).
Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình (ảnh nguồn kinhtedothi).

Bàn về việc xử lý sai phạm những cá nhân liên quan trong gian lận thi cử năm 2018, ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng: “Các cơ quan chức năng nhà nước mà ở đây là cấp Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương phải vào cuộc làm rõ.

Ngoài ra, tôi thấy vai trò của Quốc hội trong việc giám sát gian lận thi cử cũng chưa mạnh mẽ”.

Ông Cuông chia sẻ: “Vừa qua thảo luận về kinh tế, xã hội, phỏng vấn các đại biểu thấy các đại biểu lên tiếng về vấn đề này nhưng những ý kiến đều mang tính chất đại biểu.

Quan điểm của các Ủy ban của Quốc hội vào cuộc như thế nào, kiến nghị với Chính phủ làm rõ vấn đề này như thế nào thì đang còn yếu ớt, tiếng nói chưa mạnh mẽ”.

Đến bây giờ mà không một ai từ chức vì gian lận thi cử thì quả là vô lý
Đến bây giờ mà không một ai từ chức vì gian lận thi cử thì quả là vô lý

Ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Để cho Bộ Giáo dục, các địa phương tự xử mình rất khó.

Nên cần phải có Chính phủ phải vào cuộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng phải vào cuộc.

Phải làm mạnh mẽ thì mới biến chuyển được, có kết quả được.

Những vị liên quan như phụ huynh, người  nhờ vả đều phải làm rõ để xử lý”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, sáng 6/6, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải trình thêm một số vấn đề được nhiều vị đại biểu, đồng bào, cử tri quan tâm trước khi nhận các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn.

Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng: Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

Các kỳ thi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh, giảm chi phí của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một số địa phương, đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Chính phủ giải trình ra sao về gian lận thi cử trước Quốc hội?
Chính phủ giải trình ra sao về gian lận thi cử trước Quốc hội?

Trong đó, kỳ thi năm 2018 vừa qua, tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.

“Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm.

Nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại;

Giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Về vấn đề đạo đức xã hội, báo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày trước Quốc hội cho biết, triển khai Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách, giải pháp.

Chú trọng thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, văn minh trong gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội;

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ giữa “gia đình, nhà trường và xã hội”...

Trinh Phúc