Phương án tuyển sinh riêng của ĐH Phan Châu Trinh:

'Điểm thi đại học chỉ có giá trị 20%, thế là đủ'

20/03/2013 07:13
Đ.Q
(GDVN) - ThS Đỗ Thế, Hiệu phó Trường ĐH Phan Châu Trinh trả lời Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh đề án tuyển sinh riêng mà trường sẽ trình lên Bộ GD&ĐT.
Như tin đã đưa, Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) đã đề ra phương án tuyển sinh riêng gồm 5 tiêu chí, trong đó điểm thi ĐH, CĐ chỉ chiếm 1/5 (20%) giá trị xét tuyển thí sinh vào trường. Đây được xem là đề xuất đột phá, chưa từng có về tuyển sinh ở Việt Nam, bởi trước nay tất cả các trường đều tuyển từ “điểm sàn” của cuộc thi ĐH, CĐ toàn quốc (thi 3 chung). 
5 tiêu chí xét tuyển gồm: 
- Điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của Bộ GD&ĐT, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
- Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
- Kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ phổ thông trung học).
- Kết quả kiểm tra về khả năng tư duy của thí sinh (do nhà trường tổ chức).
- Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh ĐH Phan Châu Trinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích... của thí sinh.

Học sinh THPT ở Quảng Nam xem tờ rơi giới thiệu của ĐH Phan Châu Trinh - Hội An tại sự kiện "Vì khát vọng Việt - Đưa trường học đến thí sinh" hôm 16/3. Ảnh: Người Lao Động.
Học sinh THPT ở Quảng Nam xem tờ rơi giới thiệu của ĐH Phan Châu Trinh - Hội An tại sự kiện "Vì khát vọng Việt - Đưa trường học đến thí sinh" hôm 16/3. Ảnh: Người Lao Động.
“Không đánh giá thấp cuộc thi ĐH, CĐ do Bộ tổ chức”
Trao đổi với phóng viên Giaoduc.net.vn, ThS Đỗ Thế khẳng định: Coi điểm thi ĐH, CĐ chỉ là 1 trong 5 tiêu chí và chiếm 20% giá trị xét tuyển không có nghĩa Trường ĐH Phan Châu Trinh đánh giá thấp cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tuy nhiên, xét tổng thể trong mối quan hệ với các tiêu chí tuyển sinh khác, chỉ cần 20% là đủ.

ThS Đỗ Thế lý giải: Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay các em chỉ thi 3 môn, trong khi đánh giá năng lực của một học sinh cần rất nhiều yếu tố. “Chúng tôi thấy rằng, điều quan trọng hơn một kỳ thi là phải quan tâm, đánh giá các em trong cả một quá trình. Đã là thi thì sẽ có yếu tố học tài thi phận, trong khi, quá trình học 3 năm sẽ phản ánh được đầy đủ, chính xác nỗ lực cũng như khả năng của các em”.

"Sau 3 năm học, kỳ thi Tốt nghiệp THPT thi 6 môn tuy không phản ánh hết tất cả những gì các em được học nhưng phạm vi đánh giá cũng rộng hơn là thi 3 môn, và kết quả này lại có giá trị vĩnh viễn với mỗi học sinh. Vì thế, chúng tôi cũng tính điểm thi Tốt nghiệp THPT chiếm 20% giá trị xét tuyển".

ThS Đỗ Thế cho rằng, thành tựu của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhất là Mỹ, rất đáng học tập, trong đó có cách thức tuyển sinh vào ĐH, CĐ tận dụng kết quả học, thi trung học. Trước nghi ngại lâu nay của dư luận rằng bối cảnh ở Việt Nam khác các nước, kết quả học  nhiều khi không chính xác do bệnh thành tích, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có nhiều tiêu cực, ThS Đỗ Thế cho rằng đó chỉ là thiểu số. 

“Không có phương án đánh giá nào tuyệt đối chính xác 100%, nhưng việc coi quá trình học THPT và thi tốt nghiệp làm tiêu chí xét tuyển là phù hợp nhất, đánh giá tương đối toàn diện thí sinh. Còn những tiêu cực mà báo chí nêu ra chúng tôi cho rằng chỉ là một số trường hợp cá biệt, nhìn tổng thể nền giáo dục phổ thông vẫn cung cấp đầy đủ tri thức cho học sinh để có thể học đại học".
 
Nhưng dù là kết quả học hay kết quả thi thì theo ThS Đỗ Thế nó chỉ thể hiện được tri thức mà các em đã tiếp thu được, chưa cho thấy rõ năng lực tư duy của các em. Vì thế, bài kiểm tra về khả năng tư duy do nhà trường tổ chức sẽ giúp đánh giá được điều này. Bên cạnh đó, trong các buổi phỏng vấn sẽ cho thấy được kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích... của thí sinh. 

“Phỏng vấn vừa là để đánh giá, cho điểm, vừa là để phát hiện những năng lực đặc biệt của các em. Nhà trường cho rằng, không có thí sinh nào kém tất cả mọi mặt, mà sẽ giỏi mặt này hoặc mặt khác, vấn đề chỉ là có phát hiện ra được khả năng đó hay không”.  

"Đề án rất hay"

Trả lời Giaoduc.net.vn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, (Hiệp hội) cho biết đã nhận được đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh. Ông nói: "Đề án rất hay", thể hiện ở mấy điểm sau: 

- Đánh giá quá trình học phổ thông của thí sinh, việc các em trải quả 6 học kỳ đủ để có cái nhìn toàn diện.
 
- Tính may rủi, điều tất yếu phát sinh trong một kỳ thi, bị triệt tiêu và không còn là lo ngại của thí sinh nữa. 

- Các bài kiểm tra riêng, các cuộc phỏng vấn do nhà trường tổ chức và cách nhân hệ số sẽ giúp thí sinh chọn lựa chính xác ngành học phù hợp với thiên hướng, năng lực của mình. 

Qua đây, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ sự đồng tình cao với việc Bộ GD&ĐT đã cho phép cho các trường lập đề án tuyển sinh riêng trình Bộ duyệt. Còn về lâu dài, theo quan điểm của Hiệp hội, cần bỏ kỳ thi “3 chung”.

"Thay cho kỳ thi này, Bộ nên sớm có cách tổ chức nghiêm túc và tốt kỳ thi THPT để từ đó làm cơ sở để tất cả các trường xét tuyển dựa trên nhu cầu và đặc thù của mình", ông nói. 

Hiện tại, Hiệp hội đã gửi đề án tuyển sinh của Trường ĐH Phan Châu Trinh cho tất cả các thành viên để ghi nhận ý kiến phản hồi, góp ý, từ đó tổng hợp lại thành hệ thống, gửi sang Bộ GD&ĐT tham khảo, xem xét những mô hình hay, hiệu quả. 
Đ.Q