Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu

28/11/2019 06:23
LÃ TIẾN
(GDVN) - Bạch Long Vỹ, nơi đảo xa. Trường của em là tình yêu tổ quốc. Tuy xa đất liền- tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu.

Đó là lời bài thơ được cô giáo Vũ Thị Hà (sinh năm 1969, giáo viên Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ, Hải Phòng) sáng tác, sau đó tự phổ nhạc để cho các em học sinh hát vào mỗi buổi học.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) là hòn đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 110 km với 7 tiếng chạy tàu.

Ở nơi hải đảo xa xôi, muôn trùng sóng gió có những thầy cô vẫn ngày ngày kiên trì bám biển, bám đảo, chăm lo dạy dỗ học trò.

Trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu đó phải kể đến cô giáo Vũ Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ.

Cô giáo Vũ Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) (Ảnh: CTV)
Cô giáo Vũ Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) (Ảnh: CTV)

Sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Cát Bà, trong gia đình có truyền thống hiếu học nên ngay từ nhỏ, cô Hà đã được chứng kiến nỗi vất vả, gian nan của người dân chài.

Bám trụ nơi đảo xa từ nhỏ, bản thân cô đã từng nếm trải và đồng cảm với những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em trên đảo.

Chính vì vậy, lớn lên cô đã chọn học ngành sư phạm để được làm cô giáo dạy chữ cho học sinh.

Năm 1986, cô Hà thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (nay là trường Đại học Hải Phòng).

Đến năm 1989, sau khi tốt nghiệp, cô giáo trẻ Vũ Thị Hà được phân công dạy học ở Trường Tiểu học Lê Thiện (huyện An Dương, Hải Phòng).

Thời điểm này, đời sống người dân, các giáo viên ngày ấy rất khó khăn nhưng vì yêu nghề, mến trẻ nên cô Hà vẫn nhiệt huyết, hăng say công tác.

Trong những năm tháng công tác trong đất liền, cô giáo Hà vẫn nung nấu ý định có ngày được cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người nơi biển đảo quê hương.

Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?
Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?

Vào dịp hè năm 1996, trong lần về quê thăm sức khỏe gia đình, cô Hà gặp người bạn của bố đang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vỹ.

Qua trò chuyện, ông biết cô là giáo viên và bày tỏ mong muốn muốn mời cô ra đảo công tác.

Cô giáo Hà chia sẻ: Cái duyên được gặp bác Chủ tịch huyện Bạch Long Vỹ đã giúp tôi thực hiện được hoài bão mình từng ấp ủ.

Vậy là bất chấp sự góp ý của đồng nghiệp, thậm chí can ngăn từ phía gia đình tôi đã “khăn gói” lên tàu ra bám đảo”.

Tháng 9/1996, cô giáo trẻ đã quyết định tạm biệt Hải Phòng, tạm biệt ngôi trường tiểu học Lê Thiện  với những đồng nghiệp và học sinh thân yêu để đến với đảo Bạch Long Vỹ.

Mặc dù lường trước mọi khó khăn khi ra công tác tại đảo, nhưng cô Hà cũng không ngờ Bạch Long Vỹ lại gian nan, vất vả đến vậy.

Sau khi lên đảo, cô giáo Hà đến trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ nhận nhiệm vụ.

Nhìn những đứa trẻ ngây ngô, quần áo xộc xệch đến lớp mà cô Hà không cầm được lòng mình.

Cô đã tự dặn mình, ngôi trường này sẽ là ngôi nhà thứ 2 của mình, mình phải có bổn phận là người mẹ hiền thứ hai của các em.

Theo hồi tưởng của cô giáo Hà, Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ khi mới thành lập cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn mọi thứ.

Khi cô Hà về trường, cô đã cùng một đồng nghiệp khác phải mượn địa điểm dạy học ở khắp nơi, từ ủy ban huyện cho đến nhà dân.

Phòng học tạm bợ, lớp học ghép nhiều lứa tuổi, đồ dùng học tập, sách giáo khoa thì vô cùng hiếm hoi.

Lớp học trên đảo Bạch Long Vỹ không đông nhưng lúc nào cũng ấp áp tình người (Ảnh: CTV)
Lớp học trên đảo Bạch Long Vỹ không đông nhưng lúc nào cũng ấp áp tình người (Ảnh: CTV)

Cô giáo Hà cho biết: “Ai đó từng nhận xét, Bạch Long Vỹ với gió biển, cát trắng và những con đường mòn thật đúng.

Đời sống của mọi người dân rất khó khăn nên họ cũng không có điều kiệm chăm lo cho giáo dục.

Nhiều lúc tôi cũng thấy nản nhưng được sự quan tâm của chính quyền, phụ huynh, đặc biệt là sự yêu quý của học sinh là sợi dây níu giữ mình ở lại”.

Với những cống hiến của những thế hệ nhà giáo nơi đây, trong đó có cô giáo Hà, hiện nay, ngôi trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ có cơ sở vật chất khá đầy đủ với các dãy phòng học khang trang, sạch sẽ.

Cô giáo Thảo bắc nhịp cầu, đưa học sinh khiếm thị Hải Phòng tới tương lai
Cô giáo Thảo bắc nhịp cầu, đưa học sinh khiếm thị Hải Phòng tới tương lai

Năm học này, nhà trường có 46 học sinh, trong đó có 26 trẻ mầm non và 20 trẻ tiểu học. Trường, lớp ít học sinh nhưng không vì thế mà kém vui.

Tại trường không chỉ dạy văn hóa mà cô Hà còn kiêm dạy học sinh cả các môn phụ như Mỹ thuật, hát nhạc, kỹ năng sống…

Đặc biệt, cô Hà còn tự sáng tác một bài thơ mang tên “Ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu”, sau đó cô trò tự phổ nhạc và hát vào mỗi buổi học.

Nói đến đây, cô giáo Hà phát điệu và cô trò cùng nhau hát vang: “Ngôi trường của em nằm bên bờ biển xanh. Hai hàng cây đi đến trường xanh ngát.

Cô giáo dịu hiền dìu dắt các em thơ. Xây cho ngôi trường mãi mãi tươi đẹp hơn.

Bạch Long Vỹ nơi đảo xa. Trường của em là tiền tiêu tổ quốc. Tuy xa đất liền…tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường.

Sống bên chúng em là các chú bộ đội. Hình ảnh các chú in đậm trong tim em. Luôn chắp tay súng giữ lấy đảo thân yêu. Bảo vệ tổ quốc cho đất nước tươi đẹp hơn.

Bạch Long Vỹ, nơi đảo xa. Trường của em là tình yêu tổ quốc. Tuy xa đất liền- tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu”.

Với những cống hiến cho ngành giáo dục, năm 2016, cô Vũ Thị Hà được Trung ương Đoàn thanh niên tặng Bằng khen Nhà giáo tiêu biểu xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng giáo dục thế hệ trẻ.

Cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen Nhà giáo tiêu biểu xuất sắc trong công tác tại huyện đảo, xã đảo.

LÃ TIẾN