Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Ngãi: Học bạ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp là vô lý

12/08/2021 06:55
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc sử dụng 30% điểm học bạ để xét tốt nghiệp sẽ gây ra hệ lụy dẫn đến các trường, các sở giáo dục địa phương nâng điểm để nâng cao thành tích.

Trong quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các địa phương xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh theo công thức 70% điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông + 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh.

Công thức tính này đã tạo ra nhiều luồng quan điểm trái chiều nhau. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, 30% điểm học bạ trung học phổ thông lớp 12 như một chiếc “phao cứu sinh” đối với học sinh yếu, chỉ nhằm mục đích làm đẹp số liệu thống kê tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương cũng như cả nước.

Bởi chỉ nếu căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tại các địa phương sẽ sụt giảm rất nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh để tránh tiêu cực. Ảnh: AN

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh để tránh tiêu cực. Ảnh: AN

Trao đổi với Tạp chí Điện tử giáo Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho rằng, để “xổ mẻ” vấn đề này cũng cần có thời gian nghiên cứu kỹ bởi mỗi người lại có một cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau.

“Theo tôi, việc cộng 30% điểm trung bình lớp 12 là vô lý và không công bằng. Nó tạo ra một bức tranh giáo dục không công bằng giữa các địa phương.

Nếu năm nay thực hiện phương án cộng điểm học bạ trong xét tốt nghiệp thì sang năm vẫn phải tiếp tục. Như vậy, nếu các đơn vị thực hiện không nghiêm túc sẽ dẫn đến việc “đẩy điểm” học bạ này lên nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp.

Nó sẽ phát sinh những hệ lụy, không công bằng ngay giữa các sở của các tỉnh, thành, thậm chí là giữa các trường phổ thông.

Nó cũng sẽ kéo theo việc không dạy thật, học thật. Bởi lúc này, tỉnh nào cũng cố đẩy điểm cho học trò lên thì kết quả sẽ không thực chất”.

Cũng theo ông Thái thì nếu không có cộng điểm 30% học bạ thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhiều địa phương sẽ không cao như vậy. Dẫn đến nhiều địa phương “học thật, thi thật” lại chịu nhiều thiệt thòi.

“Sắp tới, Bộ sẽ chủ trì hội nghị triển khai năm học mới đối với bậc trung học phổ thông thì nếu Bộ có ý kiến thì các sở sẽ tham gia phản biện lại.

Sau đó, nếu có thống nhất thì mới tính đến phương án (cộng bao nhiêu % điểm học bạ trong xét tốt nghiệp – pv).

Còn theo tôi thì phải quán triệt đến các trường, các thầy cô và các em học sinh thực hiện “dạy thật, học thật” để có được những kết quả thực sự cho đúng.

Bởi cái gốc của vấn đề là hiện tại các trường đại học chỉ cần học sinh học trung bình khá là vào được đại học. Do đó, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên thực chất để tạo đầu vào thật tốt (học sinh thi điểm cao thì sẽ xét tuyển vào các trường tốp cao – pv).

Đừng tạo cho các em sự không trung thực. Một đầu vào yếu kém thì sau này sẽ không tốt cho các em.

Theo tôi thì không nên thực hiện cộng 30% điểm học bạ mà phải tìm ra phương án giải quyết được tận gốc vấn đề.

Mục đích của giáo dục là đào tạo ra một thế hệ có trách nhiệm với bản thân và đất nước, chứ không phải dựa dẫm vào những điều kiện để vào được các trường đại học tốt. Để rồi đầu ra vẫn cầm tấm bằng đại học trên tay nhưng tạo hệ quả xấu cho xã hội”, ông Thái chia sẻ thêm.

Xoay quanh vấn đề này, một Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông ở Quảng Ngãi cũng cho rằng, lâu nay, cũng đã xảy ra nhiều trường hợp giáo viên “làm đẹp” học bạ của học sinh để tạo điều kiện cho các em có điểm cao.

“Ngay chính giữa các trường phổ thông trong cùng một địa phương cũng có sự so sánh về tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, chứ chưa nói đến giữa các tỉnh, thành.

Nếu một trường, một Sở không nghiêm túc, cho phép nâng được điểm học bạ thì trường khác, Sở khác cũng sẽ dễ dàng thống nhất cho giáo viên nâng điểm cho học sinh. Lúc đó, bức tranh giáo dục sẽ chỉ là bảng thành tích giả tạo”, vị Hiệu trưởng này cho biết.

AN NGUYÊN