Giảm tải SGK: "Đừng biến GV - HS thành chong chóng!"

25/08/2011 06:50
Xuân Trung
(GDVN) - Đó là ý kiến góp ý của nhiều thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng.

Bộ khiến giáo viên quay như chong chóng

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản xin góp ý từ các nhà giáo, nhà quản lí giáo dục và toàn xã hội về chương trình điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng tinh giảm, trong đó có giảm tải SGK. Việc điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giảm để cho việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường.

Trong nội dung điều chỉnh SGK, học sinh không phải mua sách mới. Ảnh Xuân Trung
Trong nội dung điều chỉnh SGK, học sinh không phải mua sách mới. Ảnh Xuân Trung

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích tạo điều kiện học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn và giáo viên (GV) có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo yêu cầu của CT giáo dục phổ thông.

Theo phương hướng mà Bộ đưa ra sẽ tập chung ở năm nội dung điều chỉnh, giảm tải. Nhiều nhà giáo và nhà quản lí giáo dục đã có những ý kiến nhận định và chia sẻ về vấn đề này.

Là một thầy giáo dạy lịch sử ở ba lớp cấp 3, thầy Tuấn Anh (GV trường THPT Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho rằng, chương trình SGK đã bất cập từ lâu, ngay cả kiến thức kĩ năng cũng không hợp lí. Với chương trình SGK như hiện nay, Bộ đang làm cho GV quay như chong chóng.

“Kiến thức thì năm nào cũng điều chỉnh, khiến cho GV luôn luôn bị động, yêu cầu càng ngày càng giảm tải, nhưng thực tế đề thi môn sử vừa qua hơi trái khoáy. Về mặt logic, khi  một chương trình đã sử dụng được 5 năm, mà bây giờ cắt xén, giảm tải ít nhiều sẽ phá vỡ cấu trúc của chương trình, điều đó là điều chắc chắn. Như vậy, một lần nữa GV lại bị đẩy vào thế bị động” anh Tuấn Anh cho biết.

Theo anh Tuấn Anh, cụ thể chương trình SGK lịch sử cấp 3 có rất nhiều chỗ trùng lặp, có vấn đề lớp dưới đã học, lớp trên vẫn học lại. Anh Tuấn Anh dẫn chứng: “SGK lịch sử hiện nay tuy là sửa đổi nhưng vẫn bộc lộ bất cập. Riêng phần lịch sử thế  giới quá nặng về sự kiện, cung cấp thông tin, trong khi đó lịch sử Việt Nam lại mang tính chất chính trị nhiều. Nên giao phần đánh giá sự kiện cho học sinh và GV, tránh hiện tượng áp đặt như bây giờ, như vậy mới gọi là giảm tải”.

Đồng quan điểm, trên cương vị là người quản lí và giảng dạy, bà Phạm Thị Anh Đào (Phó hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Q. Tây Hồ, Hà Nội) thừa nhận, SGK hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập, chưa hợp lí khi đưa vào các tiết học để dạy học sinh.

Bà Đào cho biết, bản thân đang dạy môn Ngữ văn tại trường, nhưng cũng có nhiều điều không hài lòng về chương trình SGK: “SGK bây giờ đồng ý là trình bày đẹp hơn nhưng khó dạy hơn so với bộ sách cũ.

Đối với  học sinh lớp 7 học môn Ngữ văn mà đưa văn nghị luận đã là nặng với các em rồi, nhưng lại còn thêm phần những tác phẩm trung đại nữa là quá khó khăn đối với học sinh khi tiếp thu. Vì thế, khi GV muốn truyền đạt kiến thức thật kĩ, thật sâu để các em hiểu, nhưng không đủ thời lượng để giảng” bà Phạm Thị Anh Đào nói rõ những bất cập trong SGK Ngữ văn hiện nay.

Theo bà Đào, chương trình Ngữ văn lớp 8, lớp 9 thì phù hợp, duy chỉ có CT trình lớp 7, SGK đưa các tác phẩm thơ đường, thơ trung đại vào học là hơi sớm, học sinh khó tiếp thu.

Chương trình bất cập, kĩ năng viết văn ngày một kém

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) lại có cách nhìn cho chương trình giảm tải theo cách nghĩ: “Giảm tải cũng phải tính đến  tùy vùng miền, tùy đối tượng học sinh, tùy phương pháp để áp dụng cho phù hợp”. Theo bà Yến, giảm tải hay không giảm tải cũng tùy thuộc vào chất lượng từng trường, năng lực của giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức tới học sinh.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

 Chị Mai Thị Hằng, GV dạy văn trường tiểu học Hoàng Đạo, Hoàng Hóa, Thanh Hóa cũng cho rằng, ở cấp tiểu học mà phân môn kể chuyện, đưa tập làm văn vào học thì học sinh rất khó để xây dựng cốt chuyện. Vì sự việc đến với các em ít nên học sinh không để ý và hầu như không làm được bài những môn đó.

“Phần đọc hiểu cũng tương tự, đối với học sinh nông thôn mà để đọc hiểu được 4 chương trình trong 40 phút là rất khó, GV cũng không xoay được. Trường tôi, nhiều khi phải cắt giảm các tiết kĩ thuật để bù vào lượng tiết giảng môn văn. Tuy thế, GV phải tập dạy nhiều lần mới gói gọn chương trình trong 40 phút học” chị Hằng cho biết.

Theo chị Hằng, chương trình hiện nay tuy có đổi mới nhưng không thể bắt kịp với chương trình cũ. Ngay như phần Tập làm văn ở cấp tiểu học, chương trình mới có ít tiết để cho học sinh tự lập dàn bài, miêu tả. Do vậy, kĩ năng viết văn của học sinh bây giờ ngày một kém.

Được biết, trong năm học này GV sẽ được cấp tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, GV chỉ cần hướng dẫn học sinh đánh dấu những bài, những phần không yêu cầu phải học, phải làm, những phần cần điều chỉnh trong SGK.  Như vậy, GV và học sinh không phải mua SGK mới trong năm học này.

Xuân Trung