Gian lận thi cử thành đề tài nóng của học trò trong giờ học Văn

26/04/2019 06:54
Trinh Phúc
(GDVN) - “Các em không bị dao động, suy nghĩ tiêu cực mà cho rằng mỗi người hãy làm tốt bổn phận của mình, đừng vì người khác mà thôi không cống hiến nữa”.

Hiện nay, đang có tranh luận về việc có nên hay không công khai danh tính thí sinh và phụ huynh liên quan đến gian lận thi cử.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải công khai để đảm bảo tính minh bạch và tạo sự răn đe nhằm chấn chỉnh thi cử.

Chủ đề tranh luận này đã đi vào các tiết học Văn của học sinh phổ thông ở Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội.

Người trực tiếp đưa vấn đề này vào tiết học văn là cô giáo Lê Thị Phương, giáo viên môn Văn của trường.

Cô giáo Lê Thị Phương, giáo viên môn Văn của Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội (Trinh Phúc).
Cô giáo Lê Thị Phương, giáo viên môn Văn của Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội (Trinh Phúc).

Chia sẻ về phản ứng của học sinh khi bàn luận về một vấn đề có tính thời sự này, cô Lê Thị Phương kể: "Trong giờ nghị luận xã hội tôi đã đưa chủ đề này để các em tranh luận xem giải quyết thế nào.

Đã có sự thảo luận sôi nổi đến từ học sinh. Nhưng rất bất ngờ, khi bản thân các em giữ được tinh thần tích cực, lạc quan".

Theo cô Phương: “Tự nhiều em cho rằng, trong cuộc sống không tránh được vấn đề tiêu cực. Quan trọng là thái độ ứng xử với những vấn đề đó như thế nào.

Học sinh cho rằng, cần phải giữ niềm tin vào cái tốt đẹp sẽ chiến thắng cái xấu thì tất cả mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng.

Các em cũng cho rằng, khi có vấn đề tiêu cực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những xử lý kịp thời, hợp lý. Nên phải tin điều tốt đẹp phía trước và quan điểm của cô trò đều như vậy”.

Gian lận thi cử thành đề tài nóng của học trò trong giờ học Văn ảnh 2Nhân văn với kẻ gian lận điểm thi là dung túng để cái xấu có đất sống

Cô Phương còn kể, tiết học hôm ấy cô chỉ giữ vai trò người nghe học sinh chia sẻ quan điểm.

Các em còn cho rằng, không tán thành việc công khai danh tính thí sinh.

Bởi các em suy nghĩ, không ai tránh được sai lầm và những sai lầm đó đã có biện pháp xử lý như cho nghỉ học, hủy kết quả thi.

Xử lý như vậy đã thể hiện sự nghiêm minh nên mong trong xử lý gian lận thi cử phải đặt tính nhân văn để soi xét các vấn đề.

Cô giáo Phương cò tự hào bày tỏ: “Vấn đề tiêu cực thi cử đã không khiến các em bị dao động, suy nghĩ tiêu cực.

Mà các em cho rằng, mỗi người hãy làm tốt bổn phận của mình. Phải thể hiện được trách nhiệm với xã hội, đừng vì người khác mà không cống hiến nữa”.

Liên quan đến vấn đề gian lận thi, ngày 26/3, tại kỳ họp báo định kỳ quý I năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin liên quan đến gian lận kỳ thi ở Hòa Bình, Sơn La.

Trong đó, vấn đề công khai danh tính thí sinh liên quan đến sai phạm trong kỳ thi quốc gia 2017, 2018 được báo chí đặt ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng.

Theo ông Mai Văn Trinh đến nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chưa báo cáo, mặc dù đã có quy định ngày 25/3 Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Gian lận thi cử thành đề tài nóng của học trò trong giờ học Văn ảnh 3Bộ Giáo dục không chấp nhận thầy cô, học trò vướng gian lận thi cử

Còn việc công khai danh tính thí sinh thì ông Mai Văn Trinh cho rằng phải tuân thủ Hiến pháp 2013, Luật Dân sự, căn cứ vào cơ quan điều tra.

Việc công bố danh tính và công bố đến đâu là của cơ quan điều tra.

Ngoài ra ông Mai Văn Trinh còn cho rằng, chúng ta không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến các cháu.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Viết Lộc, chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi một số địa phương.

Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố.

Trinh Phúc