Có nên quy định triết lý giáo dục vào Luật?

14/05/2019 06:47
AN NGUYÊN
(GDVN) - Không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (viết tắt là Thường trực Ủy ban) vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trong đó, có đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được gửi đến các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Không đưa triết lý giáo dục vào Luật

Một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về triết lý giáo dục trong dự thảo Luật.

Tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật giáo dục. (Ảnh: học sinh Đà Nẵng tham dự ngày hội văn hóa dân gian).
Tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật giáo dục. (Ảnh: học sinh Đà Nẵng tham dự ngày hội văn hóa dân gian).

Thường trực Ủy ban nhận thấy, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.

Thực tế Việt Nam không đi ngoài nguyên tắc này, trong suốt thời gian qua từ lúc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục nhận được câu hỏi về triết lý giáo dục

Tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng.

Nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục.

Đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này.

Theo đó, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng sắp xếp lại kết cấu Chương I, bổ sung các quy định về mục tiêu (diều 2), tính chất, nguyên lý (điều 3) và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (điều 4) cùng một số quy định khác của dự thảo Luật.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông

Nhiều đại biểu đề nghị quy định về  và khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm cụ thể các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, cấu trúc bậc trình độ và chuẩn đầu ra của các cấp học, trình độ đào tạo.

Làm rõ tính chất mở, liên thông, hướng nghiệp, phân luồng và bổ sung chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Thu về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

Quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học (điều 6).

Để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (điều 9) và liên thông (điều 10);

Làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Một số đại biểu đề nghị làm rõ các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường nhằm xác định rõ tính chất hoạt động của các trường tư thục.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật chỉnh lý quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập (đối với giáo dục mầm non) và trường tư thục.

Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư.

Theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường theo hướng chỉ chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (điều 48).

AN NGUYÊN