Giáo viên Bình Thuận tiếp tục phản ánh việc thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi

27/05/2020 06:37
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phong trào, hội thi không ngoài mục đích giúp việc dạy và học được tốt hơn. Nhưng, nếu làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em thì cũng cần xem xét lại.

Bài viết “Thầy trò bơ phờ chạy chương trình, sao còn bắt thao giảng dự giờ lúc này?” của tác giả Phan Tuyết đăng trên Giáo dục Việt Nam đã phản ánh về việc một số trường học trên địa bàn thị xã La Gi vẫn bắt buộc giáo viên thao giảng dự giờ tại thời điểm này.

Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi lúc này là không phù hợp (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành Phố Hồ Chí Minh)

Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi lúc này là không phù hợp (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành Phố Hồ Chí Minh)

Sau bài viết, một số giáo viên thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận tiếp tục thông tin trường học của mình không chỉ buộc giáo viên thao giảng dự giờ mà còn tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và thanh tra chuyên môn giáo viên.

Chúng tôi hỏi: “Sao không phản ánh với nhà trường, thời điểm này nếu tổ chức những hoạt động ấy học sinh sẽ càng học đuối hơn và thầy cô mãi lo cho mình sao còn thời gian chăm lo cho học trò?

Và lúc ấy, giáo viên chắc chắn sẽ xao nhãng việc dạy và kèm cặp học sinh.

Thế nhưng những đồng nghiệp ấy nói rằng, ngay như hiệu phó chuyên môn nhà trường có ý kiến còn không được hiệu trưởng đồng ý thì giáo viên chúng em nói ai nghe?

Hiệu trưởng chỉ đưa ra lý do: “Làm theo lệnh của phòng giáo dục” là chẳng ai dám nói gì nữa.

Nhiệm vụ quan trọng nhất thời điểm này là gì?

Tổ chức thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi ngay thời điểm này chứng tỏ hiệu trưởng nhà trường đã đặt nặng hoạt động phong trào lên trên hoạt động học tập của học sinh.

Khi giáo viên đang phải lao vào các hoạt động phong trào ấy thì đương nhiên sẽ lơ là việc dạy và chăm lo tốt cho các em.

Khó có người nào cùng lúc đảm nhận thật tốt nhiều công việc một lúc. Và thế là, người gánh chịu hậu quả chỉ là học sinh.

Nếu bạn là giáo viên sẽ hiểu rõ sự áp lực, nỗi vất vả, sự mệt mỏi khi giáo viên dạy mà học sinh chẳng hiểu gì.

Có giáo viên nói ngày dạy 7 tiết về đến nhà nhìn cơm chẳng muốn ăn. Và chắc chắn ngày học 7 tiết, học sinh cũng chẳng thoải mái, sung sướng gì.

Lượng kiến thức mới một ngày phải học gấp đôi nhưng vẫn phải ôn luôn kiến thức cũ. Cái cũ chưa kịp nhớ, cái mới lại chất chồng và cứ thế trò đuối dần, thầy cô cũng mệt nhoài vì chúng.

Thương trò, thầy cô cũng phải tận tâm, tận lực vì học sinh. Nhưng tận tâm lúc nào trong khi chính thầy cô giáo ấy đang phải lo nghĩ cho bản thân mình?

Nào là soạn bài để thao giảng, soạn bài để dự thi giáo viên dạy giỏi, để tiếp thanh tra. Trong trường hợp này, nhiều người đã chọn giải pháp “tự cứu lấy mình” bằng cách lo cho bài dạy, lo cho hội thi còn học sinh được đâu hay đấy.

Hiệu trưởng làm việc máy móc, khổ giáo viên và học sinh

Kế hoạch đầu năm trường học nào cũng lên tổng số tiết dạy thao giảng dự giờ tổ, trường, cá nhân…phải đảm bảo một con số nhất định.

Chỉ tiêu sẽ đạt bao nhiêu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, thị…?

Nhưng dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ, nhiều kế hoạch của trường học cũng bị đảo lộn và khó đạt chỉ tiêu.

Gặp hiệu trưởng linh động sẽ tập trung nhiệm vụ quan trọng nhất là dạy và học của học sinh còn mọi chuyện sẽ gác lại qua năm học mới.

Thế nhưng vẫn còn những hiệu trưởng làm việc một cách máy móc (kế hoạch đã đưa ra phải bằng mọi cách thực hiện) nên đã chẳng cần quan tâm đến việc học của học sinh ra sao, việc dạy của giáo viên thế nào.

Xét cho cùng, mọi phong trào, mọi hội thi cũng không ngoài mục đích nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Nếu vì những phòng trào ấy, những hội thi ấy làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em thì cũng cần phải xem xét lại.

Phan Tuyết