Giáo viên chưa đạt chuẩn, có cần chạy bằng không?

10/09/2019 06:29
Lê Mai
(GDVN) - Trước sức ép của "chuẩn", không ít giáo viên đã “đi tắt, đón đầu” trang bị cho mình một tấm bằng đạt chuẩn.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên vừa mới ban hành vào năm 2018, cùng Luật Giáo dục sửa đổi sắp có hiệu lực từ 1/7/2020, đã có những quy định chuẩn, về trình độ giáo viên.

Theo đó, bậc học mầm non giáo viên phải có trình độ cao đẳng. Giáo viên tiểu học, trung học phải đạt trình độ đào tạo đại học.

Không ít giáo viên, trước sức ép của “chuẩn”, đã “đi tắt, đón đầu” trang bị cho mình một tấm bằng đạt chuẩn.

Những giáo viên có trình độ trung cấp hay cao đẳng, chỉ đào tạo trong một thời gian ngắn sẽ hoàn thiện về bằng cấp; chỉ cần nộp đủ tiền học phí, tiền chống trượt, đến học để hợp thức hóa, tham gia thi là… có bằng.

Trước sức ép của "chuẩn", không ít giáo viên đã “đi tắt, đón đầu” trang bị cho mình một tấm bằng đạt chuẩn. (Ảnh minh họa: VTV)
Trước sức ép của "chuẩn", không ít giáo viên đã “đi tắt, đón đầu” trang bị cho mình một tấm bằng đạt chuẩn. (Ảnh minh họa: VTV)

Những tấm “bằng thật, học giả” chỉ có giá trị đối phó, không có giá trị thực, nâng cao chất lượng giảng dạy; thế nhưng làm khổ không ít giáo viên, gây mất niềm tin xã hội.

Lộ trình thực hiện chương trình mới cũng là thời điểm luật giáo dục bắt đầu thực hiện. Giáo viên chưa “đạt chuẩn” bằng cấp, đang băn khoăn, lo lắng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói:

“Hiện nay theo thống kê, trên 60% đội ngũ có trình độ đại học trở lên, còn gần 35% chưa đạt chuẩn thì phải tăng cường tạo cơ hội cho thầy cô học tập bồi dưỡng.

Về độ tuổi, đa số thầy cô trình độ trung cấp hoặc cao đẳng thì chỉ vài năm nữa về hưu. Chúng ta phải trân trọng sự cống hiến của họ.

Khốn khổ cho nhà giáo chúng tôi, biết lấy tiền đâu đi học chứng chỉ nghề nghiệp?
Khốn khổ cho nhà giáo chúng tôi, biết lấy tiền đâu đi học chứng chỉ nghề nghiệp?

Trong giai đoạn vừa qua, họ là người tạo những nền móng, nền tảng. Họ sẽ khó vượt qua những khó khăn khi thực hiện chương trình mới.

Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện đạt chuẩn cho giáo viên đang còn trẻ, nhiều thời gian công tác và tuyển giáo viên mới, thì hiện nay ngành đang quan tâm đến sự giúp đỡ trong tinh thần chia sẻ để những giáo viên sắp về hưu có thể tự tin cống hiến tiếp.

Bộ không bắt buộc họ phải đạt chuẩn, vì chuẩn chỉ là một trong các điều kiện, còn sự tâm huyết, kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là sự yêu nghề của thế hệ trước cần trân trọng. Đây là việc làm Bộ trưởng rất quan tâm.

Việc tập huấn giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch 263, trong đó có bốn đối tượng được tập huấn, bồi dưỡng.

Đó là, cán bộ lãnh đạo, quản lý của sở, phòng Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng; Tổ trưởng chuyên môn; Giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 theo lộ trình. 

Trong năm nay Bộ chỉ đạo hoàn tất việc tập huấn cho lãnh đạo cấp sở, cấp phòng, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và yêu cầu nhà trường lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm 2020 - 2021, để khi triển khai tập huấn, đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 cho năm sau sẽ được ưu tiên.

100% đội ngũ giáo viên này phải được tập huấn trước khi thực hiện chương trình. Sang năm sẽ làm lớp 2, 6, năm nữa lớp 3, 10…”.

Như vậy, Bộ đã coi trọng công tác bồi dưỡng giáo viên, thay vì bắt buộc giáo viên phải đạt chuẩn bằng cấp.

Giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp, chỉ cần có kinh nghiệm, tâm huyết, yêu nghề, tự trau dồi kiến thức chuyên môn; thay vì mất tiền “chạy” bằng đạt chuẩn, vẫn đủ điều kiện thực hiện chương trình mới.                                                                                            

Tài liệu tham khảo:

baotintuc.vn/giao-duc/giao-vien-khong-bat-buoc-dat-chuan-neu-co-kinh-nghiem-tam-huyet-voi-nghe-20190904204758265.htm

Lê Mai