Giáo viên hạng II đau đầu tìm minh chứng để giữ hạng khi chuyển xếp lương mới

21/10/2021 06:37
Trần Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đi tìm các minh chứng cho hạng giáo viên theo các thông tư mới là không hề dễ dàng khi việc lưu trữ hồ sơ của giáo viên ở mỗi trường mỗi khác.

​Ngày 12 tháng 3 năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD “Về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập”.

Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.

Mặc dù cho đến thời điểm này chùm thông tư ban hành ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vẫn còn nhiều chỗ bất cập, tuy nhiên để đảm bảo việc chuyển đổi mã số theo chức danh nghề nghiệp viên chức được kịp thời, đến nay nhiều địa phương đã tiến hành rà soát, lập danh sách để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm chức danh giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Mỗi địa phương hiểu văn bản mỗi kiểu

Theo nội dung thông tư 02/2021, đối với giáo viên tiểu học được xếp hạng theo mã số chức danh nghề nghiệp theo thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học như sau:

a) Giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);

b) Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);

c) Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28).

Một số hiệu trưởng các trường tiểu học cho rằng nếu giáo viên tiểu học đang được xếp mã số hạng II, III theo thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu có đầy đạt trình độ chuẩn đào tạo và có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng tương ứng thì sẽ nghiễm nhiên được chuyển sang hạng II, III theo thông tư 02/2021 của BGDĐT.

Vì vậy khi triển khai thông tư này các trường chỉ yêu cầu giáo viên thu thập minh chứng về tiêu chuẩn (tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ),còn phần nhiệm vụ thì không yêu cầu.

Do đó ở những đơn vị này, số giáo viên được chuyển sang hạng II khá lớn, vì phần lớn trước đây những giáo viên có trình độ đại học đều được chuyển sang hạng II.

Ngược lại một số trường ngoài yêu cầu về tiêu chuẩn còn buộc giáo viên phải căn cứ vào nhiệm vụ của từng hạng chức danh nghề nghiệp để bổ sung minh chứng. Nếu giáo viên nào thiếu một nhiệm vụ, đồng nghĩa với việc xuống hạng. Chính điều này đã làm khó cho giáo viên khi không phải ai cũng được phân công các nhiệm vụ như chủ trì các cuộc họp chuyên môn, tập huấn chuyên môn, kiểm tra giáo viên…

Bù đầu đi tìm minh chứng

Việc đi tìm các minh chứng cho hạng giáo viên theo các thông tư mới là không hề dễ dàng khi việc lưu trữ hồ sơ của giáo viên ở mỗi trường mỗi khác.

Cô Ng. T. H (Phú Yên) có thâm niên giảng dạy 26 năm cho biết, ngày mới ra trường, cô được phân công về một trường vùng cao, tại đây cô được nhà trường phân công làm tổ trưởng chuyên môn trong 2 năm. Sau đó cô chuyển công tác về trường hiện tại với nhiệm vụ là giáo viên.

Vì vậy khi tìm minh chứng cho nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II về “Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên”, cô phải về đơn vị cũ nhờ nhà trường xác nhận và trích các biên bản của tổ chuyên môn.

Tuy nhiên vị hiệu trưởng hiện tại không thể giúp đỡ được vì hồ sơ tổ chuyên môn cách đây 20 năm hiện không còn, trong khi ông mới về công tác tại trường này chưa được một nhiệm kỳ.

Cô H cũng cho biết thêm, tại trường cô có một số giáo viên hạng II nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng do không được phân công làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nên không giữ được hạng.

Trong khi đó có tổ trưởng chuyên môn chưa tham gia một kỳ hội giảng giáo viên giỏi cấp huyện nào, chỉ một lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng vì có chức vụ nên may mắn được giữ hạng.

Do Bộ Giáo dục và Đào tạo không có một hướng dẫn cụ thể nào về việc thu thập minh chứng của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nên ở mỗi địa phương, mỗi trường học hướng dẫn thu thập minh chứng mỗi khác.

Cùng là hạng chức danh nghề nghiệp như nhau nhưng có trường yêu cầu giáo viên phải bổ sung tất cả các minh chứng như bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua các cấp, trong khi có trường chỉ yêu cầu một trong các minh chứng trên. Có hiệu trưởng còn yêu cầu giáo viên phải photo các chuyên đề đã chủ trì, giáo án dạy chuyên đề…

Bộ Giáo dục nên điều chỉnh xếp hạng giáo viên

Các thông tư ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời đến nay đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Việc chuyển xếp lương sang mã số mới ít nhiều có lợi cho một số giáo viên, nhất là giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở lâu nay có bằng đại học nhưng hưởng lương cao đẳng, trung cấp.

Do đó nên tạo điều kiện để những đối tượng này được sớm hưởng mức lương theo trình độ đại học, còn những đối tượng khác thì phiên sang mức lương tương đương.

Cụ thể giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09), hạng III (mã số V.07.03.08), hạng II (mã số V.07.03.07) được chuyển sang hạng III (mã số V.07.03.29); giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12), hạng II (mã số V.07.04.11) được chuyển sang hạng III (mã số V.07.04.32); giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) chuyển sang hạng II (mã số V.07.04.31).

Có thể nói chưa có một thông tư nào về chuyển mã số cho giáo viên của ngành giáo dục từ trước đến nay lại mang đến cho giáo viên nhiều tâm tư như vậy.

Người viết bài này cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp thụ hưởng những chính sách để có những điều chỉnh phù hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Vinh