Giáo viên hợp đồng Hà Nội không còn nước mắt để mà khóc

25/03/2020 06:00
Vũ Ninh
(GDVN) - Hà Nội những ngày này đang căng mình trong trận chiến chống dịch Covid-19. Thế nhưng tròn 1 năm trước cũng có 1 cuộc đấu tranh của giáo viên chưa có hồi kết.

Nước mắt nhà giáo, nỗi buồn Thủ Đô

Cuộc đấu tranh mà phóng viên muốn nói ở đây là cuộc tranh đấu của gần 3000 giáo viên hợp đồng thành phố Hà Nội bị lịch sử dày vò, bị hiện tại lãng quên.

Tròn 1 năm trước, ngày 24/3/2020, những lá đơn kêu cứu của 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt đầu được dư luận biết đến. Tiếp theo đó hàng trăm giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng đồng loạt lên tiếng khi đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.

Ông vua con nắm quyền sinh sát giáo viên là ai?
Ông vua con nắm quyền sinh sát giáo viên là ai?

Đằng sau những tiếng kêu cứu ấy là những sự kiện chưa từng có, phơi bày rõ mồn một những góc khuất của nghề giáo viên hợp đồng – nhiều vinh quang nhưng cũng đầy nước mắt.

Lần đầu tiên, cô giáo N.T.Q (Mỹ Đức) mới dám công khai mức lương mình nhận được trong gần 20 năm công tác: 1.2 triệu đồng/ tháng (mức lương hiện tại thấp hơn lương tối thiểu) và không được đóng bảo hiểm.

Cô Q. nói những lời gan ruột: Nhận mức lương ấy xấu hổ lắm, mình chẳng dám cho ai biết. Mỗi lần đi rút tiền đều phải xếp hàng cuối cùng rồi mới rút. Có ai biết lương giáo viên còn thua gấp 6-7 lần mức lương của phụ vữa.

Những ngày nắng tháng 6, tháng 7/ 2019, tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội, dư luận xã hội đã quen mặt những con người mặc cờ đỏ sao vàng đi tìm công lý. 

Trong những người đó, có cô giáo hơn 50 tuổi đời, ốm liệt giường vẫn “cố lết” xuống thành phố. Cũng có cô L.T.P (Ba Vì), địu đứa con mới hơn 2 tuổi đầu hòa vào trong đám đông của những người cùng cảnh ngộ. 

Trong đôi mắt hồn nhiên của đứa trẻ theo mẹ vẫn chưa hiểu chuyện gì? Chưa hiểu vì sao người mẹ vốn chỉ quen phấn trắng, bảng đen, quen đứng trên bục giảng lại bị đẩy xuống đường hòa vào những khuôn mặt mệt mỏi, những tiếng khóc nỉ non.

Hôm nay, tròn 1 năm giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn kêu cứu (Ảnh:thanhnien.vn)
Hôm nay, tròn 1 năm giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn kêu cứu (Ảnh:thanhnien.vn)

Tròn 1 năm Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đồng hành với giáo viên hợp đồng Hà Nội trên con đường đấu tranh đòi công lý. Chúng tôi tiếp xúc nhiều mảnh đời bất hạnh vì cái danh xưng nghề cao quý.

Đó là một thầy giáo trẻ đầy tài năng, giàu nhiệt huyết phải bỏ nghề sau 6 năm đi dạy với mức lương 1 triệu đồng/ tháng. Phẫn chí, thầy giáo nói: “Em sẽ vào miền Nam sau đó lên núi tu”.

Những ngày tháng rong ruổi tại huyện Ba Vì, chúng tôi theo chân cô giáo Thủy ra cánh đồng hoặc trang trại lợn. Mải mốt đi dạy về, cô Thủy khoác trên mình bộ quần áo “nhà nông” hớt hải ra chăm gà, chăm lợn. Chẳng còn đâu cái vẻ trang nhã của nghề cao quý. 

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta đừng cố gán ghép một cách khiên cưỡng cho giáo viên là nghề cao quý. Bởi khi vị thế của họ chẳng cao bằng anh nông dân thì lấy đâu ra mà quý.

Cuộc đấu tranh của hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn chưa có hồi kết (Ảnh:V.N)
Cuộc đấu tranh của hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn chưa có hồi kết (Ảnh:V.N)

Chẳng thế mà, mặc dù đã thừa nhận cái sai rõ mồn một nhưng Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức vẫn trả lời giáo viên: Chúng tôi không đóng bảo hiểm vì chúng tôi không có ngân sách. 

Chẳng có cái lý nào trên đời lại như vậy, ông cha ta có câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trước khi trách móc hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội: Vì sao lại chấp nhận mức lương thấp như vậy mà không bỏ nghề? Chúng ta hãy thử đặt ngược lại vấn đề: Nếu lấy tổng số giáo viên toàn thành phố Hà Nội trừ đi con số 3000 thì ngành giáo dục Thành phố sẽ đi về đâu? 

Và biết đâu trong số chính những người ký những quyết định đẩy giáo viên hợp đồng vào “thế khó” lại được dạy dỗ, được bồi dưỡng từ chính những thầy cô hợp đồng. Hai từ hợp đồng – biên chế vô tình khiến khoảng cách giữa các giáo viên, giữa giáo viên – học sinh trở nên xa vời vợi.

Nhiều giáo viên nhọc nhằn, vất vả mưu sinh (Ảnh:V.N)
Nhiều giáo viên nhọc nhằn, vất vả mưu sinh (Ảnh:V.N)

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến cảm thán: “Sau 1 năm đấu tranh đòi quyền lợi của giáo viên hợp đồng thành phố  Hà Nội nhiều khi như đi vào ngõ cụt và đứng trước nguy cơ lớn mất việc, mất nghề sau khi đã cống hiến cho ngành giáo dục Thủ đô hàng chục năm, thậm chí có người sắp nghỉ hưu. 

Cung bậc cảm xúc của giáo viên hợp đồng chúng tôi nhiều lúc như vỡ oà khi được lãnh đạo hứa hẹn nhiều lần nhưng nhiều lúc như rơi xuống vực thẳm vì sau nhiều tháng ngày đấu tranh đòi quyền lợi gian khổ chúng tôi vẫn chỉ nhận được con số 0 vì những lời hứa đó vẫn chỉ là lời nói suông”.

Hà Nội khi nào mới giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng

Cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đang căng mình chống dịch Covid-19.

Trong thời điểm này, nhiều giáo viên hợp đồng thành phố Hà Nội cũng ý thức được rằng bất kỳ lời kêu cứu nào được đưa ra trong thời điểm này đều rất nhạy cảm.

Thế nhưng, không có ai vì cái tay bị gãy mà cái chân không thể đi lại được. Bộ Y tế đã ban hành hơn 1000 văn bản các loại trong đợt dịch này vỏn vẹn chỉ có vài tháng mà vẫn giải quyết đâu ra đấy. 

Chậm chỉ đạo đặc cách, Hà Nội đang làm khổ giáo viên, làm khó các trường
Chậm chỉ đạo đặc cách, Hà Nội đang làm khổ giáo viên, làm khó các trường

Trong khi đó chỉ có một công văn 5378 của Bộ Nội vụ, thành phố Hà Nội xử lý gần nửa năm vẫn chưa xong.

Đó là chưa kể nửa đầu năm 2019; Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu thành phố Hà Nội phải giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng.

Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã nhiều lần lên sóng phát biểu: Sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng tại Hà Nội, không giáo viên nào phải chịu thiệt thòi.

Thế nhưng, đến thời điểm này gần hết quý I năm 2020, thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết được những vấn đề mà mình đã hứa.

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội có quyền sốt ruột. Vì đến thời điểm này giáo viên nhiều nơi đã bị cắt hợp đồng đồng nghĩa với việc họ đã thất nghiệp. Những giáo viên được mời thỉnh giảng cũng không có thu nhập vì các trường đóng cửa.

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu lấy lý do chống dịch Covid-19, vậy chẳng lẽ tất cả các cơ quan Nhà nước (trong đó có Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ và Ủy ban Nhân dân các Quận, huyện, thị xã) đều phải dừng mọi hoạt động chuyên môn để tập trung chống dịch hay sao?

Sau khi Bộ Nội vụ có công văn 5378 nhiều địa phương đã xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa làm xong (Ảnh:V.N)
Sau khi Bộ Nội vụ có công văn 5378 nhiều địa phương đã xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa làm xong (Ảnh:V.N)

Và quan trọng là mọi chủ trương, cơ sở pháp lý, lề lối đã có tại sao không đặc cách cho giáo viên. Việc đợt hết dịch Covid-19 đến khi nào dịch mới kết thúc?

Từ cuối năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đã trải qua tối thiểu là 4 lần rà soát, tổng hợp danh sách các giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được xét đặc cách. 

Quả bóng được dẫn đến sát vòng cấm, chỉ cần sút vào lưới trống là vào. Thế nhưng, không hiểu vì sao người ta cứ dùng dằng mãi không muốn đá quả bóng đó vào lưới. Hoặc giáo viên lo sợ hơn là quả bóng đó sẽ được đá đi đá lại rồi lại đá ra ngoài.

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến tâm tư: “Hiện nay dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Chúng tôi đang thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để dập dịch. 

Thế nhưng tôi thiết nghĩ sóng sóng với việc dập dịch thì chúng tôi và các cơ quan vẫn làm việc bình thường nên việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn diễn ra theo quy trình và thời gian như đã định của thành phố Hà Nội. 

Hạn định đó đang đến rất gần và hàng nghìn giáo viên hợp đồng Hà Nội chúng tôi mong mỏi lãnh đạo Hà Nội hãy thực hiện lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân vì việc đấu tranh đòi quyền lợi của giáo viên hợp đồng  Hà Nội diễn ra tròn 1 năm nay rồi. 

Chúng tôi nhiều người đã mất việc và nay chờ từng ngày mong nhận được quyết định đặc cách của lãnh đạo thành phố Hà Nội để có thể tiếp tục được cống hiến cho giáo dục Thủ đô”.

Có nhiều giáo viên hợp đồng nói rằng: Họ đã chờ đợi cả thanh xuân, chờ đợi nửa đời người, Thành phố Hà Nội đừng bắt họ chờ đợi thêm nữa.Họ hết nước mắt để khóc rồi!

Vũ Ninh