Giáo viên lớp 1 phản biện Bộ Giáo dục, chương trình mới nặng chứ không nhẹ đâu!

07/03/2021 07:25
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần nhưng nhiều tỉnh thành trong đó có Bình Thuận học sinh vẫn đang phải học 10 buổi.

Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở khối lớp 1. Ngay từ khi học sinh nhập học, đã có nhiều ý kiến từ phía người dạy (giáo viên) và người học (phụ huynh học sinh) là kiến thức trong sách giáo khoa lớp 1 khá nặng, học sinh phải học vật vả và buộc đi học thêm nhiều mới có thể theo kịp.

Một bài đọc của học sinh lớp 1 theo chương trình mới(Ảnh: Đỗ Quyên)Một bài đọc của học sinh lớp 1 theo chương trình mới(Ảnh: Đỗ Quyên)

Tuy nhiên, người làm chương trình, người biên soạn sách giáo khoa vẫn không cho rằng chương trình nặng, kiến thức trong sách giáo khoa nặng, và ngay Bộ Giáo dục vẫn khẳng định chương trình đã được giảm tải nhiều so với trước đây.

Bài viết “… chương trình lớp 1 đã được giảm tải rất nhiều” của tác giả Thùy Linh đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã dẫn lời Bộ Giáo dục về việc trả lời chất vấn của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận: Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 1 quá nặng và có một số nội dung chưa phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định khi xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải trong chương trình để tăng tính trải nghiệm thực hành, cụ thể:

Về môn học đã giảm: Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp Tiểu học lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học, so với Chương trình 2006: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Về số giờ học: Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp Tiểu học, học sinh học 2.838 giờ, so với Chương trình 2006 ở cấp Tiểu học học sinh học 2.353 giờ.

Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn.

Chương trình 2006 là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Góc nhìn của giáo viên đứng lớp

Theo Bộ Giáo dục, chương trình mới đã giảm về môn học?

Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp Tiểu học lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học, so với Chương trình 2006: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Bộ nói là giảm môn nhưng thực chất các môn học vẫn không giảm mà được gộp 2-3 môn lại gọi là tích hợp. Kiểu tích hợp được in chung vào một cuốn sách nên ngỡ là giảm môn chứ khi dạy học vẫn tách biệt dạy từng môn riêng biệt.

Ví dụ: Ở bậc tiểu học: chương trình cũ, môn Lịch sử và môn Địa lý tách biệt. Nay, 2 môn này gọi chung là môn Lịch sử và Địa lý trở thành một môn học.

Chương trình mới gọi là môn Nghệ thuật được tích hợp từ 3 môn học cũ như Âm nhạc, Thủ công, Mỹ thuật. Nói là tích hợp thành môn nghệ thuật nhưng vẫn là 3 môn học tách biệt được in chung trong một cuốn sách.

Vì thế, nếu nói chương trình đã giảm tải về môn học thật sự chưa đúng mà chỉ giảm tải về tên gọi các môn học.

Bộ nói giảm tải về số giờ học: Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp Tiểu học, học sinh học 2.838 giờ, so với Chương trình 2006 ở cấp Tiểu học, học sinh học 2.353 giờ.

Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn.

Chương trình 2006 là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Thưa Bộ Giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần nhưng nhiều tỉnh thành trong đó có Bình Thuận học sinh vẫn đang phải học 10 buổi/tuần đấy ạ.

Học sinh vẫn ngày 2 buổi đến trường miệt mài học văn hóa chứ nào thấy tăng các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn? Một số trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cũng chỉ lồng ghép vào dăm bảy phút trong tiết chào cờ đầu tuần.

Mà cũng nhờ thế, giáo viên mới có thời gian cho học sinh cày kiến thức toán, tiếng Việt để rèn cho học sinh. Vì nếu ít thời gian quá trong khi kiến thức lại quá nhiều học sinh sẽ không thể tiếp thu nổi.

Chương trình nặng, kiến thức trong sách giáo khoa quá tải?

Mục tiêu của môn tiếng Việt dù với chương trình cũ hay mới thì học sinh học hết lớp 1, các em sẽ phải đọc thông viết thạo.

Để đạt được mục tiêu, sách giáo khoa lớp 1 trước đây, chương trình môn Tiếng Việt có 10 tiết/tuần, 19 tuần là học sinh đọc xong phần âm, 24 tuần thì học xong phần vần, tuần 25 mới luyện đọc văn bản khoảng 4-5 câu hoặc khổ thơ ngắn.

Nghĩa là 250 tiết thì học sinh mới biết đọc và giáo viên mới bắt đầu rèn cho các em viết chữ nhỏ, chữ hoa và cũng chỉ dừng lại ở việc viết tập chép (nhìn mẫu chép lại).

Để trẻ làm quen với việc nghe-hiểu và viết thì thầy cô giáo cũng chỉ cho các em luyện viết những câu ngắn. Cuối học kỳ 1, học sinh chỉ phải đọc văn bản hơn 20 tiếng.

Vậy mà kết thúc chương trình lớp 1 vào tuần 35, các em đã đạt chuẩn căn bản là đọc thông và viết thạo.

Cuối học kỳ 1, học sinh lớp 1 chương trình 2006 chỉ phải đọc bài tập đọc hơn 20 chữ (Ảnh: Đỗ Quyên)

Cuối học kỳ 1, học sinh lớp 1 chương trình 2006 chỉ phải đọc bài tập đọc hơn 20 chữ (Ảnh: Đỗ Quyên)

Thế nhưng sách giáo khoa hiện nay, chỉ mới tuần 4 nhưng học sinh đã phải đọc 2 âm T và Th, đọc hiểu đoạn văn bản 4 câu “Thỏ và gà” và phải trả lời câu hỏi “Thỏ đi bẻ gì?”.

Tuần 12, học sinh đã phải học 3 vần ươm, iêm, yêm và đọc hiểu một đoạn văn bản khá dài để trả lời câu hỏi với 3 đáp án.

Cuối học kỳ 1, học sinh lớp 1 mới phải đọc bài tập đọc gần 80 tiếng, ngoài ra phải hiểu để trả lời 2 câu hỏi (Ảnh: Đỗ Quyên)

Cuối học kỳ 1, học sinh lớp 1 mới phải đọc bài tập đọc gần 80 tiếng, ngoài ra phải hiểu để trả lời 2 câu hỏi (Ảnh: Đỗ Quyên)

Sang giữa học kỳ 1, học sinh đã học gần hết âm, vần, gần hết học kỳ 1, các em đã phải biết đọc lưu loát một đoạn văn dài, biết viết và phải nghe viết một bài chính tả (yêu cầu này với chương trình cũ phải đến cuối học kỳ 2).

Cuối học kỳ 1, học sinh phải đọc văn bản dài gần 80 tiếng và phải đọc hiểu để trả lời 2 đáp án.

Đầu học kỳ 2, học sinh lớp 1 đã phải đọc một bài tập đọc dài của lớp 2 chương trình hiện hành đưa vào chương trình mới.

Bị ép phần đọc, phần viết cũng yêu cầu dạy rất nhanh. Nếu như chương trình cũ, tuần 25 học sinh mới viết chữ nhỏ, viết chữ hoa thì có bộ sách tuần 4 các em đã phải viết chữ nhỏ, chữ hoa.

Một tiết học mà học sinh buộc phải thuộc 4 âm vần với vô số những từ mở rộng và kèm theo đoạn văn, đoạn thơ. Đọc và luyện viết để ghi nhớ ngay trong tiết học vì nếu để đến mai thì những âm vần mới, đoạn văn, đoạn thơ mới lại chất chồng, và mỗi ngày âm vần cũ chưa thuộc lại được bổ sung biết bao âm vần mới.

Một số trang sách minh họa ở trên, chúng tôi chỉ chọn bộ sách được giáo viên cho là nhẹ nhất so với 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 còn lại. Nghĩa là, sách tiếng Việt của 4 bộ sách còn lại kiến thức còn nặng hơn nhiều.

Có tận mắt chứng kiến hằng ngày giáo viên lớp 1 mệt bở hơi tai hướng dẫn, học sinh phải vất vả luyện đọc nhưng vẫn không thể thuộc vì bài quá dài.

Có tận mắt nhìn thấy sau mỗi buổi tan trường, phụ huynh cho con ăn vội vàng thứ gì đó lót dạ để các em kịp vào lớp học thêm, có chứng kiến hằng đêm ba mẹ lại miệt mài ngồi học cùng con đến tận khuya và vợ chồng bất hòa cũng vì dạy hoài nhưng con không nhớ nổi mặt chữ thì mới thật sự cảm nhận được kiến thức các em đang phải học nặng như thế nào?

Còn việc người lớn cứ mang suy nghĩ, sự hiểu biết của mình để đánh giá, để nhận định âu cũng có phần chưa thực tế.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên