Giáo viên tăng tốc giúp học sinh làm bài thi để hoàn thành chỉ tiêu

02/12/2019 06:31
Trúc Mai
(GDVN) - Thầy cô chỉ dạy một môn, nhiều khi còn phải nhìn giáo án đọc cho các em viết phần bài học, sao có thể bắt học trò phải học thuộc lòng hàng chục môn một lúc?

Năm học 2019-2020 đã bước sang tuần học thứ 16, thời điểm này nhiều thầy cô giáo đang tăng tốc giúp học sinh làm bài thi cho tốt để đạt chỉ tiêu môn học nhà trường giao.

Đề cương, nỗi ám ảnh của nhiều học sinh (Ảnh Báo Vietnamnet.vn)
Đề cương, nỗi ám ảnh của nhiều học sinh (Ảnh Báo Vietnamnet.vn)

Có muôn vàn cách giúp học trò như thầy cô giảng dạy nhiệt tình hơn, giảng bài kĩ hơn, kèm kĩ đối tượng học sinh yếu, kém, tăng cường thời gian phụ đạo, thậm chí xin thêm thời gian của một số môn nghệ thuật để giảng thêm bài cho các em…

Nhưng những biện pháp kể trên cần phải có thời gian và hiệu quả không khả quan trong khi thời gian kết thúc học kỳ 1 đã cận kề.

Cách mà nhiều giáo viên áp dụng nhất hiện nay (cũng là cách thầy cô đã dùng bao nhiêu năm nay) là cho đề cương ngắn, soạn sẵn, phô tô sẵn đề cương, trao tận tay từng học sinh và năn nỉ các em về học thuộc.

“Cơm nấu sẵn, dọn ra mâm chỉ việc ngồi ăn còn để đổ ra ngoài”

Một số thầy cô giáo dạy Sử, Địa lý, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng, Công nghệ…thường hay than phiền học sinh không chịu học bài. Không chỉ những học sinh yếu, nhiều học sinh có lực học khá, giỏi cũng thường xuyên như thế.

Giáo viên tăng tốc giúp học sinh làm bài thi để hoàn thành chỉ tiêu ảnh 2
Đề cương, nỗi ám ảnh của cả… phụ huynh!

Trong khi, chỉ tiêu đạt điểm 5 trở lên ở những môn học này, nhà trường luôn giao ở mức 95-98%.

Có giáo viên nói vui nhưng đầy chua chát: “Nếu đánh giá thực chất, chưa quá bán học sinh đạt được. Nhưng mà như thế thì trò tiêu mà thầy cũng tiêu theo”.

Để an toàn, để chắc chắn chỉ tiêu nhà trường giao đạt được thì chẳng có cách nào khác ngoài việc “nấu cơm, dọn sẵn mời chúng ăn”.

Theo chia sẻ của một số đồng nghiệp, vẫn có những học sinh dù đề cương có sẵn vẫn không chịu học. Ngày vào kiểm tra tập trung luôn trong tâm trạng chờ mong gặp giáo viên coi thi dễ để mở ra chép.

Những môn học thuộc lòng đã thế, những môn có phần bài tập như Toán, Anh, Lý, Hóa…giáo viên cũng phải soạn đề cương lý thuyết và cho một số dạng bài tập (đã giải sẵn) điển hình.

Có giáo viên khẳng định với học sinh (cũng là một cách dụ để các em hứng thú học bài) chỉ cần học thuộc lý thuyết và cách giải bài tập ở đề cương này thì vào thi kiểm tra không phải sợ điều gì cả.

Cái lý của học sinh

Một số học sinh khá, giỏi khi được hỏi: “Tại sao có đề cương mà vẫn không chịu học bài?”

Nhiều em nói toẹt suy nghĩ luôn: “Con tập trung mấy môn thi đại học nên không có thời gian học hết tất cả các môn”.

Em nói rằng, môn nào thầy cô cũng bắt học thuộc nên học không nỗi. Nhìn vào đề cương chữ không là chữ đã thấy ngán rồi”.

Có em cho biết mình không có thời gian để học. Ngày 2 buổi đi học ở trường, tối chạy xô các lớp học thêm. Về nhà đêm nào cũng 10 giờ đêm còn phải chuẩn bị bài ngày mai đến lớp.

Đổi mới phương pháp dạy học nhưng cách kiểm tra vẫn cũ

Giáo viên tăng tốc giúp học sinh làm bài thi để hoàn thành chỉ tiêu ảnh 3
Đề cương, một kiểu cấy, sạ mới

Rõ ràng học sinh không chịu học bài, lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về các em.

Cũng đã có học sinh lên tiếng, thầy cô chỉ dạy một môn, nhiều khi còn phải nhìn giáo án đọc cho các em viết phần bài học, sao có thể bắt học trò phải học thuộc lòng hàng chục môn một lúc?

Nhiều năm nay, ngành giáo dục liên tục đổi mới phương pháp dạy học. Thế nhưng cách kiểm tra, đánh giá môn học vẫn cũ như năm nào. Những cái đề kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm, phần nhiều năm này xào lại của năm kia.

Vẫn cách ra đề thiên về học thuộc để tái hiện. Thế nên dù trò có giỏi, có năng lực bao nhiêu không học thuộc vẫn khó khăn cho việc làm bài.

Thầy cô bị áp lực về chỉ tiêu, học trò bị áp lực phải học thuộc một lượng kiến thức khá nhiều nên đâm ra chán nản, buông xuôi. Bởi thế, dù “cơm nấu ra, dọn sẵn nhưng có em quyết không ăn hoặc ăn vẫn đổ ra ngoài”.

Khắc phục tình trạng này chỉ còn cách cần đổi mới cách dạy và đặc biệt là cách kiểm tra đánh giá thiếu tính tư duy như hiện nay.

Trúc Mai