Hậu tiến sĩ bị "lãng quên"

20/07/2021 06:30
Phó giáo sư Lưu Tiến Hiệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không quá đáng khi nói học xong tiến sĩ mới chỉ là học một nghề cao cấp để sau này dấn thân vào “nghề” nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.

Gần đây giới đại học thảo luận sôi nổi về quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành. Trong một đất nước trải qua các mô hình đại học khác nhau trong một khoảng thời gian không dài, việc các quy chế liên quan đến giáo dục đại học phải điều chỉnh liên tục cũng là bình thường. Tuy nhiên, những thay đổi về giáo dục đại học đều cần phải nhằm mục đích tiếp cận rồi hội nhập với nền giáo dục quốc tế.

Trong bài viết hôm nay tôi có một số ý kiến về vấn đề tiến sĩ, nhưng ở giai đoạn sau khi có bằng tiến sĩ, đó là hậu tiến sĩ.

Ở Việt Nam, giai đoạn hậu tiến sĩ thường không được đề cập trong các quy chế, nghĩa là không có giai đoạn hậu tiến sĩ.

Hậu tiến sĩ có hai quá trình riêng biệt. Hậu tiến sĩ (post-doctorate) thường để chỉ giai đoạn nghiên cứu sau khi có tiến sĩ, chuẩn bị cho quá trình tuyển dụng để trở thành giảng viên đại học, giai đoạn này thường kéo dài khoảng một năm. Quá trình hậu tiến sĩ này nhằm giúp người học vừa tốt nghiệp tiến sĩ làm nghiên cứu ở một trường đại học để lấy kinh nghiệm và để “xin việc”. Bài viết này tôi không đề cập đến giai đoạn này.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Vietnamnet

Ảnh minh họa: nguồn Báo Vietnamnet

Có một hình thái hậu tiến sĩ thứ hai, tôi tự đặt ra để dễ xác định vì quá trình hậu tiến sĩ này cũng diễn ra sau khi học xong tiến sĩ và đi làm một số năm ở một trường đại học.

Bỏ qua những yếu tố về tính hội nhập quốc tế thì Quy chế đào tạo tiến sĩ của Việt Nam dường như tạo cho người đỗ cảm giác là sau khi đạt bằng tiến sĩ cũng là đạt đến đỉnh cao của kiến thức. Điều này là một ngộ nhận.

Theo sự hiểu biết của tôi có bằng tiến sĩ mới chỉ là bước đầu trên con đường khoa học của mình. Khi chuẩn bị tiến sĩ, nói nôm na đó cũng là giai đoạn “học nghề” nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu sinh phải tìm hiểu trong quá khứ đã có những công trình nào viết về đề tài của mình, và rồi phải đọc hiểu những công trình này. Nếu là khoa học thực nghiệm phải biết xây dựng dụng cụ, máy móc thí nghiệm để đo đạc. Có kết quả phải biết tập hợp, đánh giá, trình bày, chuẩn bị bài đăng trong tạp chí, viết luận văn…Còn phải biết làm việc với người hướng dẫn, đồng nghiệp, bạn bè.

Nghiên cứu sinh trải qua rất nhiều công đoạn, mà nhiều công đoạn này lần đầu tiên nghiên cứu sinh mới làm quen. Bởi vậy không quá đáng khi nói học xong tiến sĩ mới chỉ là học một nghề cao cấp để sau này dấn thân vào “nghề” nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.

Nếu coi tiến sĩ mới tốt nghiệp chỉ là người bắt đầu nghiên cứu khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu mong muốn họ bắt đầu làm công việc của nghiên cứu sinh càng trẻ càng tốt, hoàn thành tiến sĩ càng sớm càng tốt. Đó cũng là lý do tại sao chỉ chọn nghiên cứu sinh ưu tú. Phần lớn nghiên cứu sinh được học bổng, nhưng học bổng thường chỉ cho trong 3 năm (thời gian tối thiểu để hoàn thành), cùng lắm gia hạn thêm nửa năm, nghĩa là phải làm việc toàn thời gian, điều này cũng không ngoài mục đích là ép nghiên cứu sinh phải hoàn thành tiến sĩ trong thời hạn ngắn nhất. Đó là giai đoạn không nhàn chút nào. Chuyện nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ khi mới 21, 22 tuổi cũng không ít. Các trường đại học rất không muốn nghiên cứu sinh hoàn tất tiến sĩ khi tuổi đã lớn vì đơn giản tiềm năng nghiên cứu khoa học hậu tiến sĩ sẽ giảm một khi lớn tuổi.

Trong một nền giáo giáo đại học phát triển, trường đại học khi thu nhận tiến sĩ mới tốt nghiệp thường chỉ coi như là tạm tuyển. Muốn được tuyển làm giảng viên chính thức (gọi là tenure) phải có một số công trình công bố ở các tạp chí quốc tế. Như vậy đây là mẻ lưới thứ hai để sàng lọc chất lượng tiến sĩ.

Bằng tiến sĩ không được coi là đích cuối cùng đối với những tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu. Ngày xưa các trường đại học cũng không có chế độ tenure, dẫn đến tình trạng sống lâu lên lão làng. Sau này phải đưa vào chế độ tenure để ràng buộc tiến sĩ phải nghiên cứu khoa học. Đại học Việt Nam nên học tập chế độ tenure.

Có lẽ chế độ tenure không mặn mà ở Việt Nam vì tuyển được một tiến sĩ là may lắm rồi, còn đòi hỏi thêm làm gì. Nếu đây là lý do chính đáng e rằng nó sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Trước hết chuyện học tiến sĩ trở thành như chuyện “cá vượt vũ môn”, nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp tiến sĩ bằng mọi giá, kể cả những biện pháp dưới chuẩn, tiêu cực, họ chỉ muốn hóa rồng, nhưng sau đó trở thành rồng đất cũng không sao vì bằng tiến sĩ đối với họ là cứu cánh, không phải là bắt đầu con đường khoa học, nếu không có chế độ tenure.

Trường đại học cũng chẳng cần tenure vì không quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Suy nghĩ này về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển giáo dục và nghiên cứu. Các trường phải có những quy định sau một năm, hai năm…những tiến sĩ được tuyển dụng sẽ có những công trình được xuất bản, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng, không lên lương, không thăng chức.

Có như vậy mới duy trì được tiềm năng của các tiến sĩ trẻ, duy trì ngay từ đầu thói quen nghiên cứu khoa học. Biện pháp có vẻ mạnh, về lâu dài trường sẽ gặt hái được thành quả và nền giáo dục Việt Nam mới phát triển.

Khi ràng buộc tiến sĩ và hậu tiến sĩ thành một thể thống nhất, ít nhất có thể làm nản lòng những người muốn học tiến sĩ, tốt nghiệp tiến sĩ chỉ vì coi bằng tiến sĩ là cứu cánh, giảm bớt những tranh cãi không cần thiết về quy chế tiến sĩ.

Đến đây tôi lại nghĩ đến mong đợi của các tiến sĩ trở thành phó giáo sư, giáo sư trong điều kiện hiện nay. Thời gian chờ đợi để trở thành phó giáo sư, giáo sư mất cả chục năm sau biết bao cố gắng nghiên cứu khoa học.

Tại sao không để các trường tự chủ việc phong các chức danh giảng dạy đến giáo sư cho các trường như nhiều nước vẫn làm. Khi các trường này thực hiện trọng trách này chắc chắn họ sẽ tạo ra các ngưỡng cụ thể cho các tiến sĩ phải vượt qua để lên bậc giảng dạy cao hơn. Khi tự chịu trách nhiệm thì họ sẽ tổ chức xét duyệt nghiêm túc hơn, có thể chưa bảo đảm loại bỏ hết tiêu cực.

Nhưng cũng không sao, ngay cả ở Mỹ, Úc, một giáo sư ở một trường chưa chắc đã được bổ nhiệm ở một trường khác: giáo sư là giáo sư của một trường cụ thể. Việt Nam bắt đầu thí điểm việc trường tự phong giáo sư ở những trường có uy tín như Đại học Quốc gia. Chuyện phong giáo sư cả chục năm nay vẫn chưa xong thì bắt đầu xem xét tự chủ đại học trong đó có nội dung tự phong giáo sư cũng không phải là muộn.

Phó giáo sư Lưu Tiến Hiệp