Hiệu trưởng có tâm để lại các khoản hoa hồng "râu ria", giáo viên sẽ có quà Tết

26/01/2022 07:19
NGỌC GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lòng lại an ủi lòng bởi cha ông mình thường nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” mà “cảnh trường mình” nó vậy thì buồn cũng có giải quyết được vấn đề gì đâu.

Có lẽ trong thâm tâm của bất kỳ người lao động nào dù là công chức, viên chức hay công nhân, lao động tự do thì cũng đều mong muốn khi Tết Nguyên đán đến có một phần quà - dù lớn, dù nhỏ cũng là một nguồn động viên tinh thần.

Tuy nhiên, đối với nhiều trường học trên cả nước hiện nay và cả những năm trước đây thì chuyện được thưởng Tết hay nhận quà Tết từ nhà trường gần như không có bởi theo lời của một số hiệu trưởng thì nhà trường không có kinh phí để chi, hoặc không tiết kiệm được.

Gặp những trường hợp hiệu trưởng nói như vậy thì giáo viên cũng chỉ biết vậy, dù trong lòng không tránh khỏi những nỗi buồn vây lấn. Buồn - dĩ nhiên là sẽ buồn nhiều đó nhưng xét cho cùng thì gần như năm nào cũng vậy chứ đâu chỉ riêng Tết này mà thôi.

Nhiều trường học không có khái niệm "thưởng Tết" (Ảnh minh họa: vov.vn)

Nhiều trường học không có khái niệm "thưởng Tết" (Ảnh minh họa: vov.vn)

Quà của Công đoàn là tiền của giáo viên đóng góp

Năm nay cũng như nhiều năm trước đây thì nhiều trường không có khái niệm thưởng Tết, không “biết mùi" chia thu nhập tăng thêm từ kinh phí nhà trường. Vì thế, năm nào Công đoàn nhà trường cũng chi cho công đoàn viên trong trường một phần quà dao động khoảng 200-300 ngàn đồng.

Năm nào Công đoàn tiết kiệm được thì mỗi công đoàn viên trong trường được nhận phần quà khoảng 300 ngàn đồng. Năm nào ít thì chỉ có số tiền 200 ngàn đồng nên mua quà thường rất khó và Ban chấp hành Công đoàn sẽ chủ trương bỏ vào phong bì để “lì xì” công đoàn viên trong trường.

Và, tất nhiên tiền hay quà của Công đoàn nhà trường thì không phải là kinh phí của nhà trường mà đó là tiền được công đoàn viên trong trường đóng góp mỗi tháng 1% lương của mình.

Trong 1% lương hàng tháng của các công đoàn viên, Ban chấp hành Công đoàn sẽ trích 1 phần nộp lên Công đoàn cấp trên, một phần chi cho thăm hỏi công đoàn viên mỗi khi có hiếu hỉ, một phần kinh phí chi phụ cấp cho các thành viên trong Ban chấp hành công đoàn nhà trường.

Vì thế, năm nào mà đơn vị ít đám hiếu, đám hỉ thì cuối năm công đoàn viên có phần quà 300 ngàn, năm nào phải chi nhiều thì cuối năm kinh phí còn ít. Vậy nên, đa phần các trường chi cuối năm cho người lao động rất ít khi vượt quá 300 ngàn đồng.

Và, món quà này nhiều khi giáo viên gọi nôm na là quà Tết… được tiết kiệm từ tiền đóng góp của mình.

Nhìn giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận tiền Tết mà giáo viên nhiều tỉnh ao ước

Ngày 23/1/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: "Thưởng Tết giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh, trường tăng trường giảm, giáo viên so đo" của tác giả Ánh Dương khiến nhiều thầy cô ở các tỉnh khác… mơ ước.

Theo bài viết, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn thu nhập tăng thêm khoảng trên dưới 10 triệu đồng, thậm chí cuối bài viết, tác giả Ánh Dương còn cho biết thêm: “giáo viên trung học phổ thông có lương bậc 5, vừa nhận tiền thưởng Tết, vừa nhận thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của Thành phố có thể có tổng thu nhập lên đến khoảng trên dưới 35 triệu đồng (tùy theo trường)”.

Nói thật, nhìn số tiền này mà giáo viên nhiều tỉnh “hoa mắt” vì nó tương đương với nửa năm lương của mình.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà giáo viên một số tỉnh lân cận cũng có nguồn thu từ thưởng Tết và được chia thu nhập tăng thêm hàng chục triệu đồng.

Vẫn biết, sự so sánh nào cũng đều khập khiễng nhưng cũng là những thầy cô giáo, cũng là viên chức như nhau, cùng công tác một ngành, cũng thực hiện các chính sách chung thì nơi nhận tiền Tết vài chục triệu đồng, nơi chẳng có đồng nào từ nhà trường tất nhiên nhiều người sẽ cảm thấy chạnh lòng và hẫng hụt…

Nhưng thôi, lòng lại an ủi lòng bởi cha ông mình thường nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” mà “cảnh trường mình” nó vậy thì buồn cũng có giải quyết được vấn đề gì đâu.

Một món quà nhỏ cho giáo viên… không khó

Là người đã công tác trong ngành giáo dục nhiều năm và thường xuyên tìm hiểu về chính sách của ngành đối với nhà giáo, cũng như chứng kiến thực tế tại các đơn vị nên chúng tôi cho rằng để có một phần quà cho giáo viên hiện nay là không khó nếu nhà trường biết sẻ chia.

Bởi, các gói dịch vụ của trường học hiện nay có rất nhiều (trừ những trường đặc biệt khó khăn), càng trường thị thành, trường loại I thì việc sử dụng dịch vụ càng lắm nên cũng có nhiều tiền được chiết khấu lại.

Chẳng hạn như ở các trường học mà tôi biết, gần như trường nào cũng có tới 2/3 giáo viên đang vay ngân hàng mà vay với số lượng tối đa, mỗi người hàng trăm triệu đồng nên các ngân hàng trích lại tiền hoa hồng hàng quý cho nhà trường không ít.

Tiền bảo hiểm y tế hiện nay đối với học sinh là bắt buộc và bảo hiểm này đang được trích lại nhà trường khoảng 7% tổng số tiền đóng bảo hiểm, nhà trường hiện chỉ trích ra rất ít để mua và loại thuốc thông thường như thuốc hạ sốt và một ít bông, gạc….

Tiền bảo hiểm tai nạn, tiền dịch vụ tin nhắn điện tử, tiền chiết khấu từ việc mua sách tham khảo, sách tài liệu hàng năm đều lên đến hàng chục % đơn hàng…

Càng trường lớn, "hoa hồng" từ các dịch vụ được gửi lại nhà trường càng nhiều và đó gần như đã là luật bất thành văn khi các nhà cung cấp dịch vụ muốn tiếp thị sản phẩm đến nhà trường.

Những chuyện lớn lao như sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, tiền căng tin, nhà xe, dạy thêm… chúng tôi không muốn đề cập. Chỉ cần những khoản “râu ria” mà Ban giám hiệu nhà trường muốn sẻ chia với giáo viên là cuối năm, mỗi giáo viên trong trường có một phần quà Tết không khó. Nhưng, điều này là một thứ rất xa xỉ….!

Vì thế, chuyện thưởng Tết, chuyện được chia thu nhập tăng thêm từ kinh phí của nhà trường hay các dịch vụ của nhà trường nhiều lúc vẫn là những mơ ước xa xôi của nhiều giáo viên hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thuong-tet-giao-vien-tp-ho-chi-minh-truong-tang-truong-giam-giao-vien-so-do-post223951.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGỌC GIANG